Năng lượng: Giá dầu tăng
Giá dầu thế giới tăng trong phiên cuối tuần, bất chấp OPEC + có kế hoạch tăng sản lượng, do nguồn cung trở nên khan hiếm.
Kết thúc phiên này, giá dầu Brent tăng 2,11 USD, tương đương 1,8%, lên mức 119,72 USD/thùng; dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 2 USD, tương đương 1,7%, lên 118,87 USD. Sau giờ giao dịch, cả 2 hợp đồng đều tăng thêm 3 USD.
Tính chung cả tuần, giá cả 2 loại dầu đều tăng, trong đó dầu WTI tăng tuần thứ 6 liên tiếp do nguồn cung của Mỹ thắt chặt - thúc đẩy cuộc thảo luận về việc hạn chế xuất khẩu nhiên liệu hoặc giảm thuế đối với các nhà sản xuất dầu và khí đốt.
Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đồng minh, được gọi là OPEC +, đã đồng ý tăng sản lượng lên 648.000 thùng/ngày (bpd) mỗi tháng trong tháng 7 và tháng 8 thay vì 432.000 thùng/ngày như đã thỏa thuận trước đó. Tuy nhiên, thị trường nhận định quyết định của OPEC là tăng sản lượng so với kế hoạch có khả năng sẽ không làm bổ sung nhiều dầu vào nguồn cung toàn cầu, khi mà thị trường dự báo sẽ rơi vào tình trạng thắt chặt nguồn cung bởi Trung Quốc nới lỏng các biện pháp hạn chế chống COVID.
Jim Ritterbusch, chủ tịch của Ritterbusch và Associates LLC ở Galena, Illinois, cho biết: "Quyết định của OPEC + và sự gia tăng nguồn cung liên tục trong các đợt phát hành SPR (dầu dự trữ chiến lược) đang duy trì nguồn cung dầu thô ở mức dồi dào, đặc biệt với nhu cầu từ các nhà máy lọc dầu đã giảm đáng kể so với một vài năm trước".
Tuy nhiên, nguồn cung dầu nhìn chung vẫn trong tình trạng khan hiếm. Báo cáo hàng tuần của Mỹ công bố cho thấy kho dự trữ dầu thô giảm 5,1 triệu thùng hơn dự kiến; tồn kho xăng cũng giảm.
Các công ty năng lượng của Mỹ trong đã giữ nguyên số lượng các giàn khoan dầu và khí đốt tự nhiên ở mức 727 trong tuần tính đến ngày 3 tháng 6, Baker Hughes Co cho biết.
Nhu cầu cũng đang tăng lên. Trung tâm tài chính của Trung Quốc là Thượng Hải và thủ đô Bắc Kinh đã nới lỏng các hạn chế chống COVID-19 và chính phủ Trung Quốc đã tuyên bố sẽ kích thích nền kinh tế. Trong khi đó, dữ liệu của Mỹ cho thấy số việc làm trong tháng 5 tăng hơn dự kiến, dấu hiệu của thị trường lao động vẫn trong tình trạng thắt chặt.
Kim loại quý: Giá vàng giảm
Giá vàng giảm trong phiên cuối tuần và giảm trong cả tuần khi đồng USD tăng giá so với các đồng tiền mạnh khác sau khi số việc làm mới tại Mỹ tăng mạnh hơn dự kiến, làm tăng khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất trong những tháng tới.
Kết thúc phiên 3/6, giá vàng giao ngay giảm 1% xuống 1.848,67 USD/ounce; sau khi có lúc giảm xuống 1.846,4 USD; vàng kỳ hạn tháng 8/2022 giảm 1,1% xuống 1.850,2 USD.
Tính chung cả tuần, giá vàng giảm 0,3%, mặc dù trong tuần có lúc đạt mức cao nhất kể từ ngày 9 tháng 5, là 1.873,79 USD.
Cũng trong phiên cuối tuần, giá bạc giao ngay giảm 1,9% xuống 21,85 USD/ounce, giảm gần 1% trong tuần; bạch kim giảm 1,4% xuống 1.008,35 USD, nhưng tính chung cả tuần tăng 5,6%, mức tăng lớn nhất kể từ tháng 2 năm 2022; palladium giảm 3,4% xuống 1.983,20 USD và giảm khoảng 3,8% trong tuần.
Dữ liệu cho thấy các nhà tuyển dụng Mỹ đã thuê nhiều công nhân hơn dự kiến trong tháng 5 và duy trì tốc độ tăng lương khá mạnh, dấu hiệu cho thấy thị trường lao động của Mỹ vẫn mạnh khỏe.
David Meger, Giám đốc giao dịch kim loại tại High Ridge Futures cho biết: “Nếu Cục Dự trữ Liên bang nhận thấy nền kinh tế tiếp tục duy trì ổn định trong khi nỗ lực tăng lãi suất, họ có thể cảm thấy được khích lệ để tăng lãi suất với tốc độ nhanh hơn”.
Lãi suất của Mỹ tăng làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng, vốn không phải trả lãi, trong khi thúc đẩy đồng USD (giá vàng tính theo USD).
Hôm thứ Sáu, Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang Cleveland, Loretta Mester, cho biết bà đang tìm kiếm bằng chứng "thuyết phục" rằng lạm phát đã đạt đỉnh và nếu chưa đạt, cuộc họp vào tháng 9 của Fed cũng có thể chứng kiến một đợt tăng lãi suất thêm 50 điểm phần trăm.
Đồng USD tăng 0,3%, trong khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm gần đạt mức cao nhất trong hai tuần.
Jigar Trivedi, nhà phân tích hàng hóa tại Anand Rathi Shares, nhà môi giới có trụ sở tại Mumbai, cho biết triển vọng trung hạn đối với vàng là tích cực.
"Thị trường Trung Quốc đã mở cửa trở lại, do đó chúng tôi không loại trừ việc Trung Quốc tham gia mạnh mẽ vào thị trường bán lẻ”, ông Trivedi nói.
Kim loại công nghiệp: Giá quặng sắt có tuần tăng mạnh nhất kể từ tháng 3
Giá quặng sắt vừa trải qua tuần tăng mạnh nhất trong vòng ba tháng do triển vọng nhu cầu sáng sủa hơn sau khi số ca nhiễm COVID-19 ở Trung Quốc giảm bớt, kho dự trữ quặng sắt cũng giảm và nước này cam kết sẽ thực hiện các chính sách để kích thích tăng trưởng.
Hợp đồng quặng sắt kỳ hạn tương lai tại Singapore đã tăng vượt 140 USD/tấn khi Trung Quốc đẩy mạnh đầu tư vào cơ sở hạ tầng để thúc đẩy tăng trưởng, vốn đã bị vùi dập bởi các đợt phong tỏa liên quan đến dịch bệnh. Các quan chức Trung Quốc hôm thứ Năm cho biết họ sẽ đẩy nhanh việc hoàn thuế giá trị gia tăng và đảm bảo rằng trái phiếu đặc biệt địa phương - vốn chủ yếu được sử dụng để tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng – sẽ được phát hành một cách suôn sẻ.
Trong khi đó, dự trữ tại các cảng lớn đã giảm 7,6% so với một tháng trước, xuống còn 132 triệu tấn trong tuần tính đến ngày 3 tháng 6, theo dữ liệu từ Mysteel Global.
Giá quặng sắt tại Singapore tăng 1,2% lên 142 USD/tấn, tính chung cả tuần tăng 6,7%, mức tăng mạnh nhất kể từ tuần kết thúc vào ngày 4 tháng 3. Các thị trường của Trung Quốc đã đóng cửa để nghỉ lễ.
Nông sản: Giá cao su tăng, ngũ cốc giảm
Giá ngũ cốc trên sàn Chicago đồng loạt giảm trong phiên cuối tuần trong bối cảnh thị trường theo dõi các cuộc đàm phán ngoại giao nhằm nối lại việc xuất khẩu ngũ cốc từ Ukraine, vốn bị đình trệ kể từ khi Nga thực hiện chiến dịch quân sự ở nước này.
Ukraine đang là tâm điểm chú ý khi Liên Hợp Quốc cho biết người phụ trách viện trợ của FAO, Martin Griffiths, đã có mặt tại Moscow trong tuần qua để thảo luận về vấn đề nối lại xuất khẩu ngũ cốc và các loại thực phẩm khác từ các cảng ở Biển Đen.
Theo đó, giá lúa mì kết thúc phiên giảm 18-1/4 cent xuống 10,40 USD/bushel; ngô cũng giảm 3-1/4 cent xuống 7,27 USD/bushel; trong khi đậu tương giảm 31-1/2 cent xuống 16,97-3/4 USD. Các nhà môi giới cho biết giá đậu tương giảm do những người tham gia thị trường bán chốt lời trước kỳ nghỉ cuối tuần.
Sovecon, một công ty tư vấn nông nghiệp hàng đầu ở Moscow, đã nâng mức dự báo về xuất khẩu lúa mì của Nga trong năm marketing (tháng 7 đến tháng 6) lên mức kỷ lục.
Tuy nhiên, việc nối lại thương mại đường biển của Ukraine được coi là rất quan trọng đối với các thị trường ngũ cốc, đặc biệt là sau khi Ấn Độ vào tháng trước quyết định cấm xuất khẩu hầu hết lúa mì. Theo số liệu của Hội đồng ngũ cốc quốc tế, Ukraine là nước xuất khẩu ngô lớn thứ 4 thế giới và là nước xuất khẩu lúa mỳ thứ 6 trước khi xảy ra chiến tranh.
Giá đường thô giao tháng 7 kết thúc phiên 3/6 giảm 0,06 cent, tương đương 0,3% xuống 19,29 cent/lb.
Các thương nhân cho biết thị trường đang trong tinifh trạng nguồn cung tốt và các thương nhân chờ đợi việc cắt giảm thuế xăng dầu ở Brazil, điều này sẽ gây áp lực lên giá ethanol và có thể dẫn đến sản lượng đường tăng lên. Các nguồn tin thương mại và chính phủ Ấn Độ cho biết nước này sẽ xuất khẩu thêm 1,5 triệu tấn cho đến tháng 10, khi mùa vụ mới bắt đầu, nâng tổng lượng xuất khẩu trong niên vụ hiện tại lên 10 triệu tấn. Dự kiến sẽ có mưa ở khu vực trung nam của Brazil, bắt đầu từ ngày 8 tháng 6, có thể làm ngừng thu hoạch mía trong một vài ngày.
Giá cà phê arabica kỳ hạn tương lai trên sàn ICE đóng cửa phiên 3/6 giảm 2,5% sau khi chạm mức cao nhất trong ba tháng trong phiên trước do thời tiết ẩm ướt hơn dự kiến ở nước trồng cà phê hàng đầu thế giới, là Brazil.
Cà phê arabica giao tháng 7 kết thúc phiên giảm 5,85 cent, tương đương 2,5%, xuống 2,324 USD/lb, sau khi chạm mức cao nhất kể từ tháng 2 ở mức 2,42 USD vào thứ Năm.
Các đại lý cho biết dự báo về những trận mưa trên các nông trường cà phê Brazil từ ngày 8/6 là một yếu tố khiến giá cà phê giảm hôm thứ Sáu vì đợt khô hạn trước đó làm gia tăng lo ngại về “sức khỏe” của cây cà phê trong tương lai.
Bộ Nông nghiệp Mỹ dự báo niên vụ cà phê 2022/23 của Colombia sẽ cho sản lượng 13 triệu bao, vững so với niên vụ trước; trong khi sản lượng của Ấn Độ sẽ tăng lên 5,74 triệu bao.
Giá cao su kỳ hạn tương lai tại Nhật Bản tăng lên mức cao nhất trong vòng 6 tuần do tâm lý lạc quan của nhà đầu tư sau khi Thượng Hải dỡ bỏ lệnh phong tỏa chống COVID-19, làm kỳ vọng nhu cầu cao su tự nhiên sẽ tăng lên.
Thị trường chứng khoán Tokyo tăng điểm cũng hỗ trợ giá cao su tăng.
Theo đó, caao su kỳ hạn tháng 11 trên Sàn Osaka kết thúc phiên tăng 3,3 JPY, tương đương 1,3%, lên 259,8 yên (2,00 USD)/kg, sau khi chạm mức cao nhất kể từ ngày 22 tháng 4, là 260,2 yên lúc trước đó. Đây là phiên thứ 7 giá tăng liên tiếp.
Tính chung cả tuần, giá cao su tăng tuần thứ 3 liên tiếp.
Hợp đồng cao su giao tháng trước 7 trên nền tảng SICOM của Sàn giao dịch Singapore kết thúc phiên ở mức 168,0 US cent/kg, tăng 0,2% so với phiên liền trước.
Hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ của Nhật Bản tăng với tốc độ nhanh nhất trong nửa năm vào tháng 5, khi tâm lý người tiêu dùng phục hồi hơn nữa sau khi các biện pháp hạn chế chống COVID tiếp tục được nới lỏng, mặc dù chi phí năng lượng và nguyên liệu cao đã đẩy giá đầu vào tăng với tốc độ kỷ lục.
Thành phố Thượng Hải mở cửa trở lại và tổng số ca nhiễm COVID-19 ở Trung Quốc giảm. Các nhà máy sản xuất lốp xe ở Thượng Hải cũng đang hoạt động với công suất tăng lên.
Tồn kho cao su trong các kho do Sở giao dịch kỳ hạn Thượng Hải giám sát tăng 1% so với tuần trước.
Giá hàng hóa thế giới 

Nguồn: Vinanet/VITIC (Theo Reuters, Bloomberg)