Năng lượng: Giá dầu tăng mạnh trong tuần
Các thị trường trong phiên ngày thứ Sáu bị bủa vây bởi một loạt vấn đề, bao gồm mối lo ngại về nguồn cung do tình hình bất ổn ở Kazakhstan, việc tạm dừng sản xuất ở Libya và báo cáo việc làm tháng 12/2021 thấp hơn kỳ vọng của Mỹ.
Phiên cuối tuần, 7/1, giá dầu giảm do thị trường lo ngại về nguồn cung do tình hình bất ổn tại Kazakhstan, việc Libya tạm dừng sản xuất và báo cáo việc làm tháng 12/2021 thấp hơn kỳ vọng của Mỹ. Tuy nhiên, tính chung cả tuần giá vẫn tăng mạnh.
Theo đó, giá dầu Brent kết thúc phiên 7/1 giảm 24 US cent hay 0,3% xuống 81,75 USD/thùng, trong khi dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 56 US cent hay 0,7% xuống 78,9 USD/thùng. Cả hai loại dầu đã tăng 1 USD trước đó trong phiên này, nhưng dầu cùng với thị trường chứng khoán và USD bị áp lực giảm sau khi số liệu việc làm của Mỹ không đạt như kỳ vọng.
Tính chung cả tuần, dầu Brent và WTI cùng tăng 5%, có thờ điểm giá đạt mức cao nhất kể từ cuối tháng 11/2021 bởi những lo ngại về nguồn cung.
Tình hình chính trị bất ổn tại Kazakhstan – một nước thành viên của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đe dọa khiến sản lượng dầu tại đây giảm xuống. Trong khi đó, sản lượng dầu tại Libya đã giảm từ 1,3 triệu thùng/ngày trong năm ngoái xuống 729.000 thùng/ngày, một phần do công tác bảo dưỡng đường ống.
Dữ liệu của chính phủ Mỹ cũng chỉ ra tồn kho dầu thô tại Mỹ đã giảm 6 tuần liên tiếp, xuống mức thấp nhất kể từ tháng 9/2021. Tuy nhiên, theo công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes, số giàn khoan dầu của Mỹ tăng lên 481 giàn trong tuần qua, cao nhất kể từ tháng 4/2020.
Giá dầu thế giới vẫn tăng hơn 5% trong tuần qua
Ông John Kilduff, một đối tác của công ty tư vấn đầu tư Again Capital Management cho biết các số liệu việc làm mới nhất khiến nhà đầu tư thêm không chắc chắn về triển vọng cho thời gian tới, đồng thời nỗi sợ hãi về biến thể Omicron đã len lỏi trở lại thị trường.
Tuy nhiên, việc bổ sung nguồn cung từ OPEC+ không theo kịp tốc độ tăng trưởng nhu cầu. Sản lượng của OPEC+ trong tháng 12/2021 tăng 70.000 thùng/ngày so với tháng trước đó, so với mức tăng 253.000 thùng/ngày được cho phép theo thỏa thuận nguồn cung của OPEC+ để khôi phục sản lượng đã sụt giảm trong năm 2020.
Ông Edward Moya, nhà phân tích thị trường cao cấp của công ty môi giới tài chính Oanda cho biết thị trường dầu vẫn thắt chặt và có vẻ như giá sẽ còn tăng cao hơn. Dù tỏ ra lạc quan hơn, các nhà giao dịch trên thị trường năng lượng vẫn cẩn trọng trước khả năng các lệnh hạn chế để phòng dịch trên khắp châu Âu và châu Á đe dọa triển vọng nhu cầu trong ngắn hạn.
Kim loại quý: Giá vàng trải qua tuần giảm mạnh
Phiên cuối tuần, giá vàng hồi phục từ mức thấp nhất 3 tuần sau khi số liệu cho thấy tăng trưởng việc làm của Mỹ thấp hơn so với dự kiến trong tháng trước, ngay cả khi Cục dự trữ liên bang đánh tín hiệu nâng lãi suất nhanh hơn dự kiến.
Theo đó, giá vàng giao ngay tăng 0,5% lên 1.797,1 USD/ounce, trong khi vàng giao sau tăng 0,5% lên 1.797,4 USD/ounce. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm chạm mức cao nhất 2 năm, trong khi USD tăng 0,6% khiến vàng rẻ hơn cho người mua bằng các đồng tiền khác.
Mặc dù vậy, tính chung cả tuần qua, giá vàng giảm 1,7%, ghi dấu tuần giảm mạnh nhất kể từ tuần kết thúc ngày 26/11/2021.
Bộ Lao động Mỹ công bố báo cáo cho thấy nền kinh tế Mỹ đã tạo ra thêm 199.000 việc làm trong tháng trước trong bối cảnh tình trạng thiếu lao động vẫn căng thẳng, thấp hơn so với dự báo tăng 400.000 việc làm, với số lượng việc làm tăng vừa phải trong ngắn hạn khi số ca nhiễm COVID-19 vọt tăng làm gián đoạn hoạt động kinh tế.
Chuyên gia phân tích Giovanni Staunovo của ngân hàng UBS nhận định: “Với số lượng việc làm tăng thấp hơn dự kiến trong tháng 12/2021, nhưng với tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ giảm về mức thấp nhất trong nhiều năm, đó là một báo cáo hỗn hợp đối với vàng”.
Trong khi đó, chuyên gia phân tích Suki Cooper của Standard Chartered cho biết: “Phản ứng giá vàng cho thấy thị trường đang tập trung hơn vào rủi ro lạm phát trước cuộc họp Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) sắp tới”.
Biên bản cuộc họp của Fed vào ngày 5/1 vừa qua cho thấy các quan chức của ngân hàng này đã thảo luận về việc thu hẹp lượng nắm giữ tài sản và nâng lãi suất sớm hơn dự kiến để chống lạm phát.
Kim loại quý này hiện rất nhạy cảm với đà tăng lãi suất Mỹ, làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng vốn là tài sản không sinh lời.
Kim loại công nghiệp: Giá nhôm cao nhất 2,5 tháng
Phiên 7/1, giá nhôm đã chạm mức cao nhất kể từ ngày 21/10/2021 do dự trữ nhôm tại sàn giao dịch LME giảm và các thương nhân lo lắng chi phí năng lượng cao buộc một số nhà máy luyện cắt giảm sản lượng, làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt nguồn cung.
Cụ thể, giá nhôm trên sàn giao dịch LME tăng lên 2.980 USD/tấn trước khi giảm trở lại xuống 2.914 USD/tấn, giảm 0,3% trong phiên này. Tính chung cả tuần giá nhôm vẫn tăng khoảng 3,5% sau khi tăng 42% trong năm 2021.
Giá năng lượng tăng vọt tại Châu Âu và Châu Á và nhiều nhà máy luyện sẽ có thể phải cắt giảm sản xuất trước mùa xuân, đẩy giá nhôm tăng. Trong khi đó, dự trữ nhôm trên sàn LME đã giảm từ hơn 861.800 tấn ngày 14/12/2021 xuống 536.175 tấn, mức thấp nhất kể từ năm 2005.
Một nhà máy luyện nhôm lớn tại Dunkirk, miền bắc nước Pháp sẽ giảm sản lượng thêm 5% trong tuần tới. Năng lượng thường chiếm khoảng 40% chi phí hoạt động của các nhà máy luyện nhôm. Khoảng 68 triệu tấn nhôm được sản xuất mỗi năm. Việc cắt giảm sản xuất tại Trung Quốc đã đẩy thị trường này thành thiếu hụt trong năm 2021. Ngân hàng Mỹ dự kiến thiếu hụt sẽ tăng lên 2,7 triệu tấn trong năm 2024, khi giá khoảng 3.500 USD/tấn.
Đối với các kim loại cơ bản khác, giá đồng phiên cuối tuần tăng 1,1% lên 9.638 USD/tấn, kẽm giảm 0,6% xuống 3.530 USD/tấn, nickel tăng 1,7% lên 20.725 USD/tấn, chì giảm 1% xuống 2.283 USD/tấn và thiếc tăng 2,2% lên 40.000 USD/tấn.
Giá quặng sắt Đại Liên tăng trong phiên cuối tuần và tăng gần 6% trong tuần này do các nhà đầu tư trở lại thị trường sau khi nghỉ lễ lạc quan về sự phục hồi nhu cầu tại Trung Quốc.
Quặng sắt kỳ hạn tháng 5 trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên, Trung Quốc đóng cửa phiên 7/1 tăng 1,4% lên 719 CNY (112,78 USD)/tấn, tăng phiên thứ tư liên tiếp và chạm mức 725,5 CNY trong phiên này, cao nhất kể từ ngày 27/10. Trên sàn giao dịch Singapore, quặng sắt tăng khoảng 0,7% lên 128,25 USD/tấn, cao nhất kể từ ngày 22/12/2021. Theo công ty tư vấn SteelHome, giá quặng sắt giao ngay hàm lượng 62% Fe tại Trung Quốc tăng lên 127,5 USD/tấn, cao nhất kể từ ngày 21/12/2021.
Các sản phẩm thép phiên này cũng mạnh, với thép thanh dùng trong xây dựng tại Thượng Hải tăng 1,2% trong khi thép cuộn cán nóng tăng 1,6%, cả hai đều tăng phiên thứ 4 liên tiếp.
Riêng thép không gỉ tại Thượng Hải giảm 0,7% và tính chung cả tuần giảm 2%, sau 3 tuần tăng liên tiếp, do tình trạng nguồn cung cải thiện trong khi nhu cầu bổ sung yếu tại Trung Quốc.
Trung Quốc dự kiến hạn chế hoạt động của các nhà máy tại các trung tâm sản xuất thép để đảm bảo không khí trong lành trong thế vận hội Olympics Bắc Kinh vào tháng tới. Nhưng các nhà phân tích cho biết hy vọng kiểm soát sản xuất thép giảm đi sau thế vận hội đã hỗ trợ quặng sắt, cùng với một số nhu cầu dự trữ trước Tết Nguyên Đán tại Trung Quốc.
Nông sản: Giá biến động trái chiều
Trong phiên giao dịch cuối tuần 7/1, giá các mặt hàng nông sản đều tăng trên sàn giao dịch Chicago (Mỹ), dẫn đầu là lúa mỳ.
Giá ngô trên sàn giao dịch Chicago tăng liên tiếp 2 phiên cuối tuần. Giá đậu tương cũng tăng khi thời tiết khô khắp khu vực Nam Mỹ đã đe dọa sản lượng mùa vụ trong khu vực này. Tuy nhiên các dự báo về mưa trong tương lai có thể có lợi cho cây ngô ở Argentina.
Theo đó, hợp đồng ngô CBOT kỳ hạn tháng 3 đóng của phiên 7/1 tăng 3-1/4 US cent lên 6,06-3/4 USD/bushel; đậu tương cùng kỳ hạn tăng 23 US cent lên 14,10-1/4 USD/bushel.
Giá lúa mì phiên này tăng bởi thị trường ngũ cốc mạnh mẽ và việc mua vào theo yếu tố kỹ thuật. Theo đó, giá lúa mì mềm đỏ vụ đông kỳ hạn tháng 3 tăng 12-1/2 US cent lên 7,58-1/2 USD/bushel sau khi giảm xuống 7,35-1/2 USD, mức thấp nhất kể từ ngày 15/10/2021. Tính chung cả tuần lúa mì giảm 12-1/4 US cent hay 1,59%.
Ngày 11/1, công ty phân phối thực phẩm quốc gia của Brazil (CONAB) sẽ công bố ước tính vụ mùa 1/1 của Brazil, đến ngày 12/1, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) sẽ công bố biện pháp pháp cụ thể đầu tiên và cuối cùng cho vụ ngô/đậu tương năm 2021 và dự báo về thời gian gieo trồng lúa mỳ vụ Đông, cùng với ước tính về lượng hàng dự trữ.
Theo công ty nghiên cứu AgResource có trụ sở tại Chicago, các báo cáo về vụ Đông là rất quan trọng và có khả năng mang lại rủi ro cao cho thị trường.
Bên cạnh dữ liệu thống kê về mùa màng và dự trữ của chính phủ, tình hình thời tiết tại Argentina và Nam Brazil trong 10 ngày tới cũng không mấy lạc quan giữa lúc cây trồng tại hai khu vực trên đã bị ảnh hưởng bởi thời tiết hạn hán trong tuần này.
Ngoài ra, USDA thông báo đã bán được 176.784 tấn ngô cho Mexico và 120.000 tấn đậu tương cho một điểm đến chưa xác định, được cho là Trung Quốc.
Giá đường thô kỳ hạn tháng 3 đóng cửa phiên 7/1 giảm 0,14 US cent hay 0,8% xuống 18,05 US cent/lb sau khi giảm xuống mức thấp nhất 5 tháng tại 17,99 US cent; đường trắng kỳ hạn tháng 3 giảm 0,3 USD hay 0,1% xuống 485,8 USD/tấn.
Các đại lý cho biết triển vọng về sản lượng mía đang cải thiện ở Brazil đã giúp đưa thị trường vào thế phòng thủ. Vụ mía tại Ấn Độ và Thái Lan bắt đầu tốt và sản lượng tại cả hai nước này có thể cao hơn dự kiến.
Giá cà phê kỳ hạn đảo chiều tăng khi mối lo về nguồn cung quay trở lại thị trường, trong đó báo cáo lượng hàng dự trữ hai loại cà phê này đều giảm. Trong khi đó, các vấn đề về logistics chưa thể giải quyết trong ngắn hạn và suy đoán Fed sẽ nâng lãi suất cơ bản nhiều lần trong năm 2022 cũng tác động thị trường.
Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 3 đóng cửa phiên 7/1 tăng 6,75 US cent hay 2,9% lên 2,3845 USD/lb; cà phê robusta kỳ hạn tháng 3 tăng 9 USD hay 0,4% lên 2.316 USD/tấn.
Triển vọng vụ cà phê năm nay ở Brazil vẫn là tâm điểm với khí hậu bất lợi làm ảnh hưởng tới triển vọng và lo ngại rằng những trận mưa gần đây là quá mức ở một số khu vực. Mưa đã làm gập lụt các cánh đồng cà phê ở các khu vực miền trung phía đông Brazil, đây là vụ việc mới nhất trong khí hậu ở nước này.
Giá cao su Nhật Bản tăng do lo lắng về tắc nghẽn vận chuyển từ Đông Nam Châu Á và vấn đề lây lan của đại dịch có thể khiến thiếu hụt lao động trong các trang trại cao su.
Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 6 trên sàn giao dịch Osaka đóng cửa tăng 3,4 JPY hay 1,4% lên 241,4 JPY (2,1 USD)/kg. Tính chung cả tuần giá tăng , đánh dấu tuần tăng thứ hai liên tiếp. Giá cao su tại Thượng Hải kỳ hạn tháng 5 tăng 200 CNY lên 14.910 CNY (2.339 USD)/tấn.
Thái Lan, nhà sản xuất cao su lớn nhất thế giới sẽ có những hạn chế mới sau khi số ca nhiễm Covid-19 tăng vọt liên quan tới biến chủng Omicron, trong khi Nhật Bản quyết định tuyên bố các biện pháp bán khẩn cấp ở ba khu vực để ngăn chặn sự gia tăng của Covid-19.
Đồng JPY yếu cũng hỗ trợ giá. USD đạt mức cao nhất 5 năm so với JPY.
Giá hàng hóa tuần qua