Đối với báo cáo Prospective Plantings, khi xem xét sự thay thế giữa diện tích ngô và đậu tương thì một trong những yếu tố có ảnh hưởng quan trọng nhất trong khoảng một năm qua là chi phí phân bón. Báo cáo của USDA Illinois cung cấp cái nhìn về tốc độ giảm giá đầu vào trong năm qua. Đáng chú ý nhất là giá các loại phân bón đều đã giảm hơn 20% so với cùng kì năm ngoái. Không chỉ có chi phí, xét giá đậu tương tháng 11 so với giá ngô tháng 12, tỉ lệ thể hiện lợi nhuận giữa 2 mặt hàng thì ngô vẫn đang có vị thế tốt hơn. Tuy nhiên, đậu tương lại là loại cây trồng có tính chịu hạn cao hơn so với ngô. Kể từ giai đoạn nửa cuối năm ngoái, một số khu vực sản xuất nông nghiệp tại Mỹ, chủ yếu là vùng đồng bằng, đã ghi nhận mức hạn hán khá nghiêm trọng. Điều này cũng được thể hiện qua số liệu đánh giá chất lượng lúa mì vào tháng 11 năm ngoái ở mức thấp nhất cả niên vụ. Chính vì thế nên ở một số khu vực, ngoài ngô và đậu tương, nông dân Mỹ có thể sẽ lựa chọn những loại cây trồng khác chịu hạn tốt hơn với chi phí thấp. Nhìn chung, diện tích ngô năm nay theo chúng tôi vẫn có động lực mở rộng nhưng khả năng sẽ khó tăng mạnh mà nằm trong khoảng 90 – 91 triệu mẫu.
Trong báo cáo Grains Stocks, tồn kho ngô được dự đoán sẽ đạt mức 7.47 tỉ giạ, giảm xuống từ mức 10.81 tỉ giạ trong báo cáo cuối tháng 12. Tồn kho thức ăn chăn nuôi gia súc ngày 1/3 thấp hơn 4.5% so với cùng thời điểm một năm trước và cũng là mức thấp nhất vào ngày 1/3 kể từ năm 2017. Trong khi đó, xuất khẩu của Mỹ bị cạnh tranh gay gắt với nguồn cung từ Brazil kể từ cuối năm ngoái nên tồn kho có thể sẽ cao hơn dự kiến và là yếu tố “bearish” tiềm ẩn đối với giá.

Sự bấp bênh trong nguồn cung cà phê ở thời điểm hiện tại nhiều khả năng khiến giá tiếp tục rung lắc trong thời gian tới
Kết thúc phiên giao dịch hôm qua, Arabica đánh mất chuỗi 3 phiên giảm mạnh liên tiếp khi tồn kho đạt chuẩn trên Sở ICE tiếp tục giảm về mức thấp nhất trong 3 tháng rưỡi. Trong khi đó, Robusta bật tăng hơn 2% sau cảnh báo của Reuters về việc nguồn cung đang khan hiếm tại Việt Nam và Indonesia.
Tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE New York lại tiếp tục giảm nhẹ hơn 2,000 bao cà phê loại 60kg theo báo cáo hàng ngày của cơ quan này. Trong khi lượng hàng có sẵn để bổ sung vẫn đang duy trì tại mức 0. Nếu điều này tiếp tục được duy trì thì rất có thể đây vẫn là yếu tố hỗ trợ giá trong các phiên tới.
Trong khi đó, hoạt động xuất khẩu tại Brazil vẫn tiếp tục cho thấy sự hồi phục. Theo số liệu từ Hiệp hội những nhà xuất khẩu cà phê Brazil (CECAFE), tính đến ngày 30/03, quốc gia này đã đẩy đi được 2.76 triệu bao Arabica, tăng mạnh so với mức 1.97 triệu bao của cùng kỳ thắng trước đó. Tuy vậy, khi đối chiếu với số liệu năm ngoái khi có đến 3.31 triệu bao được đẩy đi trong 31 ngày, con số chênh lệch 0.55 triệu bao là quá lớn để quốc gia này có thể đẩy đi trong 1 ngày. Sự suy yếu về lượng xuất khẩu so với cùng kỳ năm ngoái là khá dễ hiểu vì lượng cà phê dùng để xuất khẩu chủ yếu ở thời điểm hiện tại được thu hoạch từ năm 2022, năm có sản lượng thấp nhất trong 4 năm được mùa gần đây của quốc gia xuất khẩu số 1 thế giới. Sự trái chiều về xuất khẩu ở thời điểm này nhiều khả năng sẽ đẩy giá cà phê vào diễn biến giằng co.

Giá đồng có thể nối dài đà tăng sang phiên thứ 7 nếu dữ liệu lạm phát hạ nhiệt so với dự báo
Giá đồng mở cửa phiên giao dịch cuối tuần 31/03 với ưu thế nghiêng nhẹ về bên bán. Tuy nhiên, tối nay Mỹ sẽ công bố dữ liệu Chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE), một thước đo lạm phát yêu thích của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Dữ liệu này sẽ cung cấp thêm manh mối về chính sách tiền tệ của Fed và gián tiếp ảnh hưởng tới đồng USD và sẽ tác động mạnh tới thị trường đồng.
Sáng nay Trung Quốc đã công bố Chỉ số quản lý thu mua (PMI) sản xuất tháng 3 ở mức 51.9, thấp hơn so với mức tăng kỷ lục 52.6 của tháng 2, điều này đã phần nào làm suy yếu lực mua đồng. Tuy nhiên, nhiều khả năng động lực tăng của giá vẫn còn khi PMI vẫn ở vùng mở rộng và cao hơn con số 51.5 theo dự báo.
PMI vẫn tiếp tục mở rộng cho thấy sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc đang đi đúng hướng, đặc biệt là nhờ vào các biện pháp kích thích kinh tế của Chính phủ. Gần đây nhất, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã tiếp tục giữ nguyên mức lãi suất cơ bản cho vay ở mức 3.65% tháng thứ sáu liên tiếp và cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) từ 11% về 10.75%. Hơn nữa, Ngân hàng Goldman Sachs mới đây cũng đưa ra dự báo tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc có thể tăng lên 6%, từ mức 5.5% trong dự báo trước đó. Do đó, triển vọng nhu cầu tiêu thụ tích cực từ phía Trung Quốc vẫn là động lực giúp hạn chế đà giảm mạnh của giá đồng.
Bên cạnh chỉ số PMI của Trung Quốc, dữ liệu PCE tháng 2 của Mỹ được công bố tối nay cũng là chất xúc tác quan trọng đối với thị trường đồng, đặc biệt là chỉ số PCE lõi. Hiện giới phân tích đang kỳ vọng PCE lõi tháng 2 sẽ vẫn được giữ ở mức ổn định, giữ nguyên so với mức 4.7% của tháng 1. Số liệu trước đó cũng đang cho thấy dấu hiệu tích cực về triển vọng chính sách tiền tệ mềm mỏng hơn của Fed. Số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp ở Mỹ vào tuần trước đã tăng sau 2 tuần giảm liên tiếp, cho thấy thị trường lao động đã gặp áp lực nhất định, làm giảm bớt lo ngại về lạm phát tiền lương.
Do đó, nếu chỉ số PCE được công bố tối nay thấp hơn so với ước tính, điều này cho thấy lạm phát của Mỹ có dấu hiệu hạ nhiệt và mang lại tín hiệu tích cực về chính sách tiền tệ của Fed. Đồng USD có thể tiếp tục suy yếu và hỗ trợ cho giá đồng bứt phá qua ngưỡng 4.12 USD. Ngược lại, nếu PCE tiếp tục tăng vượt ước tính có thể làm gia tăng lo ngại về chính sách thắt chặt của Fed và làm gia tăng lực bán trên thị trường đồng.

Giá dầu có thể sẽ suy yếu nếu dữ liệu lạm phát tại Mỹ thúc đẩy Fed tiếp tục hành động
Thanh khoản trên thị trường dầu thô trong các phiến gần đây đang tương đối mỏng, dòng vốn đầu tư chững lại, lực mua mặc dù chiếm ưu thế nhưng cũng đang khá yếu. Trong hôm nay, thị trường sẽ tập trung vào dữ liệu lạm phát ưa thích của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), thông qua chỉ số giá tiêu dùng cá nhân PCE và đặc biệt là PCE lõi. Điều này sẽ tác động mạnh đối với thị trường dầu khi các yếu tố vĩ mô về bài toán lạm phát và suy thoái vẫn đang còn chi phối tới tâm lý của các nhà đầu tư.
Sáng nay, Trung Quốc đã công bố chỉ số quản trị mua hàng PMI sản xuất trong tháng 3 ở mức 51.9, tiếp tục biểu thị sự mở rộng trong các hoạt động sản xuất. Con số này cao hơn một chút so với dự báo 51.5 của các chuyên gia kinh tế, nhưng cũng suy yếu so với con số kỷ lục 52.6 hồi tháng 2. Do đó, tác động của chỉ số này đối với giá dầu nhiều khả năng sẽ tương đối mờ nhạt. Thị trường sẽ tập trung hơn vào dữ liệu lạm phát.
Chiều nay, tại khu vực châu Âu, doanh số bán lẻ của nền kinh tế mạnh nhất khu vực là Đức tiếp tục tiêu cực khi giảm tháng thứ 3 liên tiếp, với mức giảm 1.3% trong tháng 2 so với tháng 1, trái ngược với dự đoán tăng 0.5%. Chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân của Pháp cũng giamr 0.8% trong tháng 2 so với tháng trước, trong khi đó dữ liệu thông cáo cho thấy chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 3 của Pháp tăng đúng như dự báo ở mức 0.8% so với tháng trước, và tăng 5.6% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn 1 chút so với dự báo. Trong trường hợp chiều nay chỉ số CPI khu vực châu Âu sơ bộ tháng 3 tiếp tục tiêu cực, sẽ khiến các nhà đầu tư lo ngại về việc tiếp tục thắt chặt tiền tệ của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Đây sẽ là sức ép tiềm ẩn tới giá dầu.
Dữ liệu lạm phát quan trọng hơn sẽ là chỉ số PCE của Mỹ trong tháng 2 được công bố vào tối nay. Với việc CPI lõi trong tháng 2 vừa qua vẫn tăng cao hơn đầu tháng và vượt kỳ vọng của các phân tích kinh tế, khả năng PCE lõi vẫn sẽ là bài toán đau đầu đối với Fed, và tâm lý thị trường sẽ tiêu cực khi rủi ro tăng lãi suất sẽ vẫn còn tiềm ẩn. Đồng USD có thể phục hồi trong trường hợp chỉ số PCE lõi cao hơn dự kiến ở mức 0.4% so với tháng 1, và giá dầu có thể gặp sức ép, nhất là khi đang tiệm cận ở vùng kháng cự 75 USD/thùng.

Nguồn: Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)