Giá robusta LRCc2 trên sàn London tăng 153 USD tương đương 3,1% lên mức 5.049 USD/tấn. Giá arabica KCc1 trên sàn New York cũng tăng 3,5% chốt ở 353,6 US cent/lb. Tính chung cả tuần, giá robusta giảm 2% còn arabica giảm 2,7%.
Giá cà phê trong nước hôm nay duy trì quanh mức 123.700 – 125.000 đồng/kg. Giá chốt mức thấp nhất ở Lâm Đồng. Tính chung cả tuần, giá cà phê nội địa giảm 2.000 – 2.300 đồng/kg.
Chuyên gia Nguyễn Quang Bình dự đoán rằng, xu hướng của cà phê trong tuần này là 50/50, không thể xác định rõ ràng đà tăng hay giảm. Lượng tồn kho thấp và đồng USD yếu đang hỗ trợ thị trường, nhưng các quỹ đầu cơ đã mua vào rất nhiều tuần trước, nên có khả năng sẽ bán mạnh trong tuần này.
Xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong tháng 3/2025 ước đạt 200.000 tấn thu về 1,16 tỷ USD, đưa tổng lượng và giá trị xuất khẩu cà phê trong 3 tháng đầu năm nay đạt gần 510.000 tấn và 2,88 tỷ USD, giảm 12,9% về lượng nhưng tăng 49,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2024.
Chiều ngày 11/4 tại thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng), Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã tổ chức Hội thảo tổng kết dự án về đối thoại chính sách và nâng cao nhận thức sử dụng vật tư nông nghiệp có trách nhiệm, cùng với việc thu gom và xử lý chất thải trong sản xuất cà phê tại Việt Nam. Dự án này triển khai trong giai đoạn 2024 - 2025, nhằm thúc đẩy sản xuất nông sản này bền vững.
Ngành cà phê Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là quản lý chất thải và sử dụng vật tư nông nghiệp. Chất thải từ sản xuất cà phê chưa được xử lý đúng quy định, gây tác động tiêu cực đến môi trường. Việc sử dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật không hợp lý cũng làm suy thoái đất và phát thải khí nhà kính.
Theo Hiệp hội cà phê quốc gia Mỹ (NCA), ngành công nghiệp cà phê đang đóng góp khoảng 343 tỷ USD mỗi năm cho nền kinh tế Mỹ, với khoảng 75% người dân Mỹ uống cà phê thường xuyên.
Năm 2024, Trung Quốc nhập khẩu cà phê từ 58 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong đó, 5 quốc gia cung cấp cà phê lớn nhất cho Trung Quốc gồm Brazil, Colombia, Việt Nam, Ethiopia và Indonesia. Sự tăng trưởng mạnh mẽ của Việt Nam và Colombia cho thấy xu hướng mở rộng nguồn cung cà phê cho thị trường Trung Quốc. Brazil vẫn giữ vị trí dẫn đầu nhưng khoảng cách với các đối thủ đang thu hẹp. Việt Nam đang có lợi thế lớn nhờ giá cả hợp lý, chất lượng cải thiện và sản lượng ổn định.