Cán bộ kiểm dịch thực vật thuộc Tổng cục Hải quan Trung Quốc kiểm tra hệ thống phòng phân tích, kiểm dịch thực vật, kiểm định chất lượng của Việt Nam chuẩn bị cho việc xuất khẩu chính ngạch thạch đen sang thị trường Trung Quốc.
Trao đổi với chúng tôi, Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ NN-PTNT) Hoàng Trung chia sẻ, sau khi cán bộ, chuyên gia kiểm dịch thực vật phía Trung Quốc hoàn thành khảo sát và đánh giá thực tế kho bãi, vùng trồng, đóng gói thạch đen của Việt Nam, cơ quan kiểm dịch thực vật Việt Nam, cụ thể là Cục Bảo vệ Thực vật sẽ tiến hành xây dựng dự thảo Nghị định thư với những điều khoản phía Trung Quốc yêu cầu để phía Trung Quốc xem xét, bổ sung cũng như gửi các Bộ, ngành của Việt Nam lấy ý kiến trước khi ký kết chính thức, dự kiến trong tháng 11 này.
Trước đó, hai chuyên gia kiểm dịch thực vật của Trung Quốc đã đi thực tế tại tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn kiểm tra trực tiếp các vùng trồng thạch đen, đồng thời kiểm tra hệ thống nhà kho, dây chuyền sơ chế, đóng gói, hệ thống phòng phân tích, hệ thống kiểm dịch thực vật, kiểm tra chất lượng của Việt Nam.
Làm việc với Cục Bảo vệ thực vật, các cán bộ kiểm dịch thực vật (Tổng cục Hải quan Trung Quốc) đánh giá rất cao chất lượng thạch đen của Việt Nam, sau khi ăn thử còn khẳng định chất lượng, hương vị thạch đen tại Việt Nam rất đặc trưng và ngon hơn thạch đen được trồng tại Trung Quốc.
Phía Trung Quốc cũng rất ấn tượng với các vùng trồng thạch đen tập trung và hệ thống quản lý, truy xuất nguồn gốc theo tiêu chuẩn thế giới của Việt Nam đã từng áp dụng trên thanh long và sầu riêng.
Cán bộ kiểm dịch thực vật thuộc Tổng cục Hải quan Trung Quốc kiểm tra vùng nguyên liệu của Việt Nam.
Tuy nhiên, cán bộ kiểm dịch thực vật Trung Quốc lưu ý một số vấn đề phía doanh nghiệp và cơ quan chức năng Việt Nam cần quan tâm khi xuất khẩu chính ngạch thạch đen sang Trung Quốc đó là việc xử lý và loại bỏ một số loại cỏ dại lẫn trong vùng trồng thạch đen thuộc đối tượng kiểm dịch của Trung Quốc trong quá trình sơ chế, đóng gói cũng như tiến hành nâng cấp, cải tạo hệ thống kho bãi tốt hơn nhằm tránh việc côn trùng xâm nhiễm vào hàng hóa trong quá trình lưu kho, vận chuyển trước xuất khẩu.
Cây thạch đen có tên khoa học là Mesona Chinesis Benth thuộc họ Lamiacea, tại Việt Nam còn có tên gọi khác là cây sương sáo hay lương phấn thảo. Đây là cây thân thảo thấp, chiều cao trung bình 40 - 60cm, có thể dùng thân và lá để nấu thạch.
Tại Việt Nam, thạch đen được trồng ở các vùng Thạch An (Cao Bằng), Tràng Định (Lạng Sơn), Bảo Lộc (Lâm Đồng), Sa Đéc (Đồng Tháp), Châu Đốc (An Giang), Bình Minh (Vĩnh Long)…
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Cao Bằng, năm 2016 diện tích cây thạch đen trồng tại huyện Thạch An là 330ha, năng suất đạt 5,5 - 6,0 tấn thạch khô/ha, sản lượng đạt xấp xỉ 2.000 tấn.
Cũng theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Cao Bằng, những năm gần đây thạch đen được xuất khẩu tiểu ngạch sang thị trường Trung Quốc nên thạch đen trở thành một mặt hàng quan trọng của một số xã có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp, là cây xóa đói giảm nghèo cho bà con dân tộc Nùng, Tày, Dao… với thu nhập 60 - 70 triệu đồng/ha.
Được biết, UBND huyện Thạch An đã chỉ đạo các xã vùng dự án điều chỉnh kế hoạch hàng năm, mở rộng diện tích trồng thạch đen đạt 550ha vào năm 2020, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Đặc biệt, tỉnh Cao Bằng xác định thời gian tới cần tận dụng tốt lợi thế địa lý, thương mại khi cây thạch đen chính thức được phía Trung Quốc và Việt Nam ký Nghị định thư cho phép xuất khẩu chính ngạch.
Còn theo Sở NN-PTNT Lạng Sơn, nhận thấy thạch đen là một trong những cây trồng chủ lực, đem lại giá trị kinh tế cao cần được đầu tư phát triển nên năm 2017 tỉnh Lạng Sơn đã xây dựng nhãn hiệu tập thể Thạch đen Tràng Định và được Cục Sở hữu Trí tuệ cấp Giấy chứng nhận Nhãn hiệu tập thể ngày 3/8/2017.
Thạch đen Tràng Định (Lạng Sơn) trước đây chủ yếu được tiêu thụ thị trường trong nước và xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc, song từ ngày 1/5/2018 phía Trung Quốc đã áp dụng tiêu chuẩn quản lý chất lượng và truy xuất nguồn gốc nông sản, trái cây nhập khẩu.
Theo đó, các doanh nghiệp Trung Quốc xin nhập khẩu nông sản, trái cây từ Việt Nam phải có giấy phép của cơ quan chức năng với đầy đủ thông tin sản phẩm, nguồn gốc, xuất xứ, tên hoặc mã số nhà xưởng đóng gói.
Vì vậy, các loại nông sản không được xuất khẩu chính ngạch bị dừng xuất khẩu sang Trung Quốc (kể cả đường tiểu ngạch). Riêng với mặt hàng cây thạch đen khô, phía Trung Quốc ngừng nhập từ ngày 1/9/2018 đã ảnh hưởng rất lớn tới người nông dân trồng thạch đen trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.
Tỉnh Lạng Sơn kiến nghị Bộ NN-PTNT tiếp tục giúp đỡ, hướng dẫn Lạng Sơn hoàn thiện các thủ tục theo quy định về vùng trồng, truy xuất nguồn gốc, kiểm dịch thực vật, quy cách đóng gói, nhãn mác nhằm đưa cây thạch đen Lạng Sơn nói riêng và của Việt Nam nói chung xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc trong thời gian sớm nhất.
Ngày 13/3/2018, Quốc hội Trung Quốc thông qua cơ cấu tổ chức chính phủ trong đó Tổng Cục Giám sát chất lượng, Kiểm nghiệm và Kiểm dịch quốc gia Trung Quốc - AQSIQ bị giải thể và Vụ Kiểm dịch động thực vật, Vụ An toàn thực phẩm xuất nhập khẩu được chuyển sang một Cơ quan cấp bộ trực thuộc Chính phủ Trung Quốc là Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC - Cơ cấu tổ chức và chức năng nhiệm vụ tại Tài liệu kèm theo).
Như vậy, nhiệm vụ đánh giá nguy cơ dịch hại và an toàn thực phẩm, dịch bệnh để mở cửa thị trường cho các sản phẩm từ Việt Nam gồm: các loại quả tươi, cám gạo, các sản phẩm từ động vật thủy sản gạo, khoai lang, sữa… sẽ được giao cho GACC, cụ thể là:
Vụ Kiểm dịch động thực vật là cơ quan chịu trách nhiệm đánh giá nguy cơ để mở cửa thị trường cho các sản phẩm từ Việt Nam gồm: các loại quả tươi, cám gạo, động vật và các sản phẩm từ động vật thủy sản; Vụ An toàn thực phẩm xuất nhập khẩu là cơ quan chịu trách nhiệm đánh giá nguy cơ để mở cửa thị trường cho các sản phẩm từ Việt Nam gồm: gạo, khoai lang, sữa…
Nguồn: Nguyễn Huân - Hưng Giang/Nông nghiệp