Cụ thể, giá trung bình tại Thái Lan là 14 đô la Mỹ/kg; Philippines là 12,9 đô la Mỹ; Malaysia là 10,9 đô la Mỹ và Indonesia là 9,5 đô la Mỹ.

Số liệu này được ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý Giá thuộc Bộ Tài chính, nêu ra tại buổi giao lưu trực tuyến có chủ đề "Bình ổn giá sữa - từ chính sách đến thực tế" do Báo Hải quan tổ chức hôm nay, 2-6.

Các dữ liệu này, theo ông Tuấn, được Vụ Kinh tế tổng hợp - Bộ Ngoại giao cung cấp và lấy nguồn từ nghiên cứu của Nielsen, tính đến tháng 2-2015 (riêng Philippines là tháng 6-2014).

Ông Tuấn lý giải, có sự khác nhau về giá như vậy là do có nhiều yếu tố khác nhau tại các nước như môi trường kinh doanh, chính sánh ưu đãi, đối thủ cạnh tranh, phân khúc thị trường, đặc biệt là quy mô, cơ cấu, mật độ, nhu cầu, tập quán tiêu dùng của khách hàng. Các nhà sản xuất căn cứ trên những yếu tố này để đề ra những chính sách phân phối, ưu đãi, mức giá cho mỗi quốc gia.

Tại Việt Nam, với bối cảnh giá bán sữa như vậy, Chính phủ đã quyết định áp dụng chính sách bình ổn giá bằng công cụ áp dụng giá bán tối đa (giá trần) để bảo vệ người tiêu dùng. Chương trình bắt đầu được thực hiện từ 1-6-2014 và vừa được gia hạn kéo dài đến 31-12-2016.

Trong giai đoạn từ 1-6-2014 đến 31-5-2015, cơ quan chức năng đã xác định lại giá và thực hiện giảm giá đối với 708 dòng sản phẩm, mức giảm từ 0,1 đến 34%.

Tuy nhiên, kết quả này vẫn còn chưa chắc chắn và tiềm ẩn nhiều dấu hiệu biến động bất thường, chẳng hạn thể hiện ở việc giá nguyên liệu thế giới giảm nhưng giá sữa thành phẩm tiêu thụ trong nước không giảm hoặc giảm ít; giá bán trung bình tính theo trọng lượng của các sản phẩm sữa công thức cho trẻ dưới 6 tuổi ở tất cả các nhãn hàng của Việt Nam đang cao hơn một số  nước trong khu vực Đông Nam Á. Chính vì vậy, Bộ Tài chính đề xuất và được Chính phủ thông qua việc tiếp tục bình ổn giá sữa đến hết 31-12-2016.

Khó thu thập thông tin

Về thông tin giá sữa nguyên liệu trên thị trường thế giới giảm, theo ông Tuấn, cơ quan chức năng đã tham vấn thông tin từ cơ quan hải quan và kết quả cho thấy giá nguyên liệu và sản phẩm sữa thành phẩm khi nhập khẩu vào Việt Nam lại ổn định và không chịu tác động giảm do nguyên liệu sữa giảm. Điều này đặt ra vấn đề cần phải rà soát, thu thập thông tin để kiến nghị cơ quan có thẩm quyền về quản lý cạnh tranh thực thi pháp luật để đảm bảo việc cạnh tranh của các doanh nghiệp là lành mạnh thực sự theo thị trường có lên có xuống.

Trong khi đó, bản thân cơ quan chức năng là Cục Quản lý giá khi triển khai các chính sách giá cũng gặp một số khó khăn như nguồn nguyên liệu để sản xuất sữa trong nước và sản phẩm sữa thành phẩm phần lớn đều được nhập khẩu do đối tác nước ngoài trực tiếp chỉ định và có biểu hiện thao túng; chuyển giá từ nước ngoài trước khi nhập khẩu vào Việt Nam nên khó kiểm soát, xác định yếu tố đầu vào của sản xuất, phân phối sản phẩm sữa.

Ngoài ra, thông tin để so sánh sản phẩm cùng loại tại các thị trường trong khu vực Đông Nam Á còn rất hạn chế. Cơ quan chức năng gặp khó khăn trong việc ghi nhận giá của các hãng sữa tại các nước trong khu vực để từ đó có thể đưa ra nhận định chính xác là mức giá này cao/thấp như thế nào với Việt Nam. Tuy nhiên, khảo sát cũng cho thấy giá bán của các hãng tại các nước trong khu vực luôn thấp hơn mức giá tại thị trường Việt Nam.

Vì vậy, ông Tuấn kiến nghị các công ty sữa phân phối các sản phẩm của mình tại Việt Nam cần đưa ra mức giá ổn định, phù hợp với mặt bằng chung và đề nghị cung cấp thông tin về mức giá của sản phẩm sữa của các nước trong khu vực cho cơ quan quản lý.

Doanh nghiệp sữa làm đúng luật

Một vấn đề khác là chuyện các công ty sữa đổi tên, thay đổi mẫu mã, nhãn mác của sản phẩm trong khi chất lượng không đổi để tăng giá bán như dư luận đặt ra trong thời gian qua. Tuy nhiên, ông Tuấn cho rằng nghi vấn này chưa đúng với thực tế.

Theo ông Tuấn, cơ quan chức năng trong lĩnh vực này là Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế đã xác nhận các sản phẩm có thay đổi về tiêu chí chất lượng, song hành với thay đổi nhãn mác.

Ví dụ hai sản phẩm sữa là Enfagrow A+4 360 Brain Plus dành cho trẻ em 2 tuổi trở lên và Enfagrow A+4 vị vanilla 360 Brain Plus về cảm quan có vẻ giống nhau, nhưng có khác nhau về thông tin sản phẩm, bao gồm các chỉ số về chỉ tiêu chất lượng sản phẩm, hàm lượng hóa chất không mong muốn; công dụng... tất cả đã được ghi rõ trên các nhãn mác sản phẩm.

“Chúng tôi khẳng định, không có chuyện thay đổi nhãn mác với các chỉ tiêu giống nhau, dẫn đến thay đổi giá cả,” ông Tuấn cho biết.