Phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Ngô Trung Lĩnh - Tổng giám đốc công ty - về hướng phát triển của Payoo trong lĩnh vực TMĐT tại Việt Nam. 
Sau gần 10 năm hoạt động, hiện Payoo đứng ở vị trí nào trên thị trường thanh toán điện tử tại Việt Nam, thưa ông?
Là một trong những đơn vị đầu tiên được Ngân hàng nhà nước cấp phép tham gia lĩnh vực ví điện tử, đến nay Payoo hoạt động cho 4 dịch vụ trung gian thanh toán bao gồm: Dịch vụ Ví điện tử; Dịch vụ hỗ trợ thu hộ/chi hộ; Dịch vụ Cổng thanh toán điện tử; Dịch vụ hỗ trợ chuyển tiền điện tử.
Hiện Payoo đã liên kết với hơn 40 đơn vị cung cấp dịch vụ tiện ích với 100 loại hóa đơn khác nhau. Đây cũng là dịch vụ chủ lực của Payoo đến nay. Ngoài ra, chúng tôi đã liên kết với hơn 200 đơn vị TMĐT, hơn 20 ngân hàng để cung cấp dịch vụ thanh toán hóa đơn như: Vietcombank, Sacombank, Vietinbank, ANZ, ACB, SCB, Eximbank, HDBank, VPBank, VietCapitalBank, MBBank… và các đối tác cùng lĩnh vực như: 123Pay, Vimo, Webmoney... Đặc biệt, Payoo hợp tác với hầu như tất cả các chuỗi siêu thị lớn và các chuỗi cửa hàng tiện lợi trải khắp 63 tỉnh/thành để phục vụ các khách hàng có nhu cầu thanh toán tại các điểm gần nhà.
Nhờ mạng lưới liên kết với nhiều nhà cung cấp, đến nay khách hàng đã có thể thanh toán hơn 100 loại hóa đơn khác nhau qua Payoo. Giá trị giao dịch cũng tăng nhanh đạt hơn 1 tỷ USD/năm. Theo báo cáo tổng kết công tác thu hộ hàng năm của Tổng công ty điện lực TP. Hồ Chí Minh, Payoo là đơn vị trung gian thanh toán (unbank) có lượng giao dịch dẫn đầu nhiều năm liền. Trong đó, riêng giao dịch tiền điện qua Payoo năm 2015 tăng 89% so với năm 2014. Năm 2015, Payoo đạt tăng trưởng gấp hơn 4 lần so với năm trước, có tốc độ vượt trội so với thị trường chung.
Vậy chiến lược phát triển của công ty có gì khác biệt sau khi Công ty NTT Data (Nhật) đầu tư vào Payoo?
Cuối năm 2011, NTT Data (Nhật) vào Việt Nam tìm kiếm đối tác trong mảng trung gian thanh toán và chọn đầu tư chiến lược vào VietUnion. Từ năm 2012, chiến lược của chúng tôi là tập trung phát triển mảng thanh toán hóa đơn nên Payoo đã liên kết đa dạng nhà cung cấp và tạo ra được những thành quả kinh doanh như trên. Hiện Payoo có thể tự tin là đơn vị tiên phong trong lĩnh vực tiện ích tại Việt Nam.
Ông dự báo gì về thị trường sắp tới và mục tiêu của Payoo?
Ngày càng có nhiều đơn vị mới tham gia thị trường với tiềm lực mạnh và nhiều tham vọng như: Vingrourp với Adayroi, Alibaba đầu tư vào Lazada, Central Group mua lại Zalora, cùng với các đơn vị như: Tiki, Sendo… Hạ tầng công nghệ và các dịch vụ hỗ trợ TMĐT như thanh toán, giao nhận, kho bãi đã được cải thiện rất nhiều và các chính sách về TMĐT đã định hình rõ hơn nên TMĐT được kỳ vọng sẽ phát triển mạnh hơn rất nhiều.
Các số liệu thống kê của Bộ Công Thương cũng cho thấy giá trị giao dịch TMĐT của thị trường B2C năm 2015 đạt hơn 4 tỷ USD, tăng 37% so với năm 2014 và được kỳ vọng sẽ tăng nhanh hơn trong các năm tới.
So với tổng thị trường mà Payoo đang nhắm đến thì con số trên 1 tỷ USD/năm vẫn còn khiêm tốn, còn rất xa so với kỳ vọng của Payoo ở thị trường thanh toán, đặc biệt mảng thanh toán hóa đơn. Vì vậy Payoo vẫn tiếp tục duy trì việc nâng cao chất lượng sản phẩm/dịch vụ và gia tăng số lượng dịch vụ mà khách hàng có thể thanh toán tại Payoo, hướng đến mục tiêu “one-stop payment” trong tương lai - chỉ cần qua Payoo khách hàng có thể thanh toán bất kỳ hóa đơn/dịch vụ nào.

Xin cảm ơn ông!

Nguồn: baocongthuong.com.vn