Theo lời mời của Quốc Vương Norodom Sihamoni, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm chính thức Campuchia trong hai ngày 17 và 18/4/2025, sau 8 năm 6 tháng kể từ chuyến thăm đầu tiên và gần nhất trên cương vị người đứng đầu Nhà nước vào tháng 10/2016.
Campuchia đã dành cho Chủ tịch Trung Quốc sự đón tiếp trọng thị, trong đó có việc Quốc Vương Norodom Sihamoni ra đón Chủ tịch Tập Cận Bình và Đoàn tùy tùng tại Sân bay Quốc tế Phnom Pênh và Lễ đón chính thức cũng được tổ chức tại sân bay.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, Chủ tịch Trung Quốc đã có cuộc tiếp kiến Quốc Vương Norodom Sihamoni, Mẫu hậu Norodom Monineath Sihanouk và hội đàm với Chủ tịch Thượng viện Techo Hun Sen, Thủ tướng Thipadei Hun Manet.
Phía Campuchia đánh giá đây là sự kiện quan trọng thể hiện tình hữu nghị sắt đá, tạo đà cho phát triển quan hệ song phương, cũng là dịp để hai nước thúc đẩy cộng đồng chung vận mệnh, chia sẻ tương lai.
Phía Trung Quốc đánh giá vai trò quan trọng của Campuchia trong chính sách đối ngoại của mình và cam kết hỗ trợ quốc gia này trên con đường phát triển tự chủ; đồng thời, khẳng định quan hệ Trung Quốc-Campuchia là hình mẫu mới trong quan hệ quốc tế. Campuchia là đối tác ưu tiên trong chính sách ngoại giao láng giềng của Trung Quốc, vì thế quốc gia này sẽ tiếp tục hỗ trợ Campuchia phát triển phù hợp với điều kiện nội tại.
Chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc được nhận định thể hiện sự tin cậy chính trị cao nhằm cùng nhau hợp tác vì lợi ích chung của cả hai phía. Theo Thông cáo báo chí về chuyến thăm, hai Bên đề cập đến các nội dung hợp tác chính trị, hỗ trợ phát triển, xúc tiến thương mại-đầu tư, an ninh quốc phòng, hợp tác đảm bảo an toàn cho cư dân, tăng cường giao lưu văn hóa, giao lưu nhân dân, thúc đẩy hợp tác quốc tế…
Đặc biệt, Trung Quốc và Campuchia cam kết triển khai hiệu quả Khuôn khổ Hợp tác Kim Cương, nhấn mạnh thúc đẩy các hành lang hợp tác công nghiệp-công nghệ và thủy sản-lúa gạo.
Hai bên cũng nhấn mạnh tầm quan trọng thắt chặt trao đổi ở tất cả các cấp, góp phần vun đắp tình hữu nghị truyền thống và củng cố niềm tin chiến lược giữa hai nước. Hơn nữa, hai phía bày tỏ mong muốn cùng nhau tăng cường trao đổi, xúc tiến hợp tác giữa tất cả các cơ quan ban ngành hai nước; đồng thời, đánh giá cao những nỗ lực hiện nay của hai phía nhằm thúc đẩy quan hệ nồng ấm và mở rộng các hợp tác có lợi cho hai quốc gia trên tất cả các lĩnh vực.
Nhân dịp này, hai bên đã ký kết 37 văn kiện hợp tác thuộc nhiều lĩnh vực như: xúc tiến hợp tác Sáng kiến an ninh toàn cầu (GSI), hợp tác giáo dục, phát triển nguồn nhân lực, chuỗi cung ứng công-nông nghiệp, hỗ trợ phát triển, hợp tác hải quan, y tế, du lịch, hợp tác truyền thông,... Ngoài ra, còn có các thỏa thuận và dự án được ký kết ở góc độ doanh nghiệp và nhà đầu tư như: các thỏa thuận liên quan đến Dự án Kênh đào Phù Nam Techo, Dự án xây dựng nhà máy điện LPG với tổng công suất 900 MW tại Koh Kong, Thỏa thuận Đối tác Chiến lược trong các dự án xây dựng đường sắt...