Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã bày tỏ như vậy tại buổi lễ khánh thành Trung tâm Tư vấn và Giải pháp công nghệ Việt Nam – Hàn Quốc (VITASK) vừa diễn ra sáng nay, 11/12 tại Hà Nội.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh phát biểu tại buổi Lễ khánh thành Trung tâm Tư vấn và giải pháp công nghệ Việt Nam- Hàn Quốc
Đây là dự án trọng điểm nằm trong khuôn khổ chương trình hợp tác phát triển công nghiệp hỗ trợ đã được Chính phủ hai nước Việt Nam- Hàn Quốc ký Biên bản ghi nhớ ngày 23/11/2018.
Đối tác quan trọng về hợp tác kỹ thuật công nghiệp của Việt Nam
Việt Nam và Hàn Quốc đã thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1992. Trải qua 28 năm, cả 2 đất nước đã có mối quan hệ hợp tác về kinh tế - ngoại giao vô cùng bền chặt.
Cho đến nay, Hàn Quốc dẫn đầu về đầu tư FDI tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư lên tới 70,38 tỷ USD, trong đó 74.4% tập trung vào ngành chế biến chế tạo. Nhiều DN Hàn Quốc đầu tư tại Việt Nam đã tạo nên chuỗi cung ứng rộng lớn, góp phần mạnh mẽ vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, điển hình như Tập đoàn Samsung, Hyundai…
Đặc biệt, kể từ năm 2018, Bộ Công Thương (đầu mối là Cục Công nghiệp) đã hợp tác với Tập đoàn Samsung triển khai 4 chương trình lớn bao gồm: Chương trình đào tạo chuyên gia tư vấn Việt Nam trong lĩnh vực cải tiến sản xuất và chất lượng; đào tạo nhân lực khuôn mẫu tại Việt Nam, chương trình hỗ trợ tư vấn cải tiến cho doanh nghiệp và chương trình tìm kiếm nhà cung ứng tiềm năng mới.
Các mục tiêu đề ra đã và đang hoàn thành như đào tạo 200 kỹ sư trong lĩnh vực khuôn mẫu (2020-2023), 200 chuyên gia tư vấn Việt Nam trong lĩnh vực cải tiến sản xuất và chất lượng (2019-2020), 86 doanh nghiệp được hỗ trợ cải tiến sản xuất (2015-2019), phát triển 42 nhà cung ứng cấp 1, 170 nhà cung ứng cấp 2 (2019) cho Tập đoàn Samsung.
Năm 2020, mặc dù có những khó khăn do đại dịch Covid-19 bùng nổ nhưng dự án thành lập VITASK vẫn được triển khai đúng kế hoạch.
Lễ kéo biển tại buổi lễ Khánh thành Trung tâm Tư vấn và giải pháp công nghệ Việt Nam- Hàn Quốc
Trước mắt, VITASK sẽ tập trung cho các nhóm ngành cơ khí, ô tô, điện tử, dệt may. Đây là nhóm ngành có tỷ lệ nội địa hóa còn thấp. Trong đó, nội địa hóa ô tô đạt trung bình 7-10%, điện- điện tử đạt 15%, IT đạt 5%, giày dép- dệt may đạt 40-45%.
Ông Lim Byung-Hyuk, Trưởng đại diện Viện Phát triển Công nghệ Hàn Quốc (KIAT) tại Việt Nam, đơn vị phối hợp với Cục Công nghiệp để xây dựng trung tâm VITASK cho biết, trung tâm sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường năng lực kỹ thuật, năng lực đổi mới công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Việt Nam.
Các mục tiêu cụ thể cũng đã được nêu ra như sẽ tư vấn giải quyết vướng mắc về mặt kĩ thuật tại cơ sở sản xuất cho 100 DN ngành CNHT lĩnh vực điện, điện tử, ô tô; tổ chức đào tạo kỹ sư cho 160 sinh viên và 80 chuyên gia tư vấn; Thiết lập hệ thống trang thiết bị hỗ trợ đánh giá công năng của các loại linh kiện điện, điện tử, ô tô sản xuất tại Việt Nam ; Hỗ trợ tổ chức các buổi trao đổi công nghệ, triển lãm, xây dựng cơ sở dữ liệu đối tác kĩ thuật giữa DN hai nước.
Các nhóm dự án này sẽ được triển khai trong 5 năm (2019-2024) với tổng vốn ngân sách là 15 triệu USD, trong đó, Chính phủ Hàn Quốc hỗ trợ vốn ODA 10,6 triệu USD.
Ông Bùi Minh Hải, Chủ tịch HĐQT, Công ty CP Nhựa Hà Nội tại buổi lễ khánh thành trung tâm VITASK
Ông Bùi Minh Hải, Chủ tịch HĐQT, Công ty CP Nhựa Hà Nội bày tỏ: “Theo chủ trương về phát triển CNHT của Chính phủ, Nhựa Hà Nội cũng định hướng tham gia sâu rộng hơn nữa vào lĩnh vực sản xuất công nghệ cao như sản xuất camera module, bảng mạch điện tử… Mục tiêu của chúng tôi là cung ứng sản phẩm mang hàm lượng công nghệ cao, và nâng tầm giá trị sản phẩm made-in-Vietnam trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Với sự ra đời của trung tâm VITASK, chắc chắn các DN Việt Nam, trong đó có Nhựa Hà Nội và Hàn Quốc sẽ có thêm một sự hỗ trợ lớn nữa về mặt công nghệ, kĩ thuật, thúc đẩy các doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo để cho ra đời những sản phẩm có giá trị, hàm lượng công nghệ cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường”.
Với nền tảng đó, Hàn Quốc trở thành đối tác quan trọng hàng đầu về hợp tác kỹ thuật công nghiệp của Việt Nam.
Đi cùng để đi xa
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, hiện nay tại Việt Nam vẫn đang thiếu các trung tâm nghiên cứu phát triển, thiết kế, sản xuất thử nghiệm, kiểm định kỹ thuật liên quan đến máy móc, thiết bị, khuôn gá, đo kiểm... Hạn chế này đã khiến cho doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong việc phát triển sản phẩm mới do thời gian kéo dài, chi phí sản xuất cao. Từ đó, sản phẩm sản xuất ra khó cạnh tranh, ít có cơ hội phát triển và tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.
Theo Bộ trưởng, Hàn Quốc là một hình mẫu để Việt Nam học hỏi kinh nghiệm trong vấn đề này. Tại Hàn Quốc, Chính phủ đã thiết lập hệ thống các trung tâm hỗ trợ về kỹ thuật và kinh doanh để hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực và nhanh chóng thích ứng với các đổi mới về công nghệ, kỹ thuật và thị trường toàn cầu.
Nội dung hỗ trợ của các trung tâm bám theo 6 công nghệ nguồn của ngành chế tạo gồm đúc, khuôn mẫu, tạo hình (nhựa), hàn, xử lý nhiệt và xử lý bề mặt. VITASK được ra đời chính từ mô hình học hỏi kinh nghiệm trên của Hàn Quốc.
Ông Sung Yun Mo, Bộ trưởng Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc phát biểu tại lễ khánh thành Trung tâm ViTASK
Hai nước ký thỏa thuận quốc tế về trung tâm Vitask và ký biên bản ghi nhớ cùng phát triển trong lĩnh vực vật liệu, linh kiện
Chia sẻ tại buổi lễ khánh thành Trung tâm VITASK, ông Sung Yun Mo, Bộ trưởng Bộ Thương mại, Công nghiệp, và Năng lượng Hàn Quốc nhấn mạnh: “Nếu đi 1 mình thì có thể đi nhanh, nhưng đi cùng nhau thì có thể đi xa. Hi vọng, chúng ta sẽ đồng hành cùng nhau để ha nước Việt Nam- Hàn Quốc cùng nhau đi xa hơn”.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh bày tỏ: “Chúng tôi rất đồng tình là chúng ta cần phải đi cùng với nhau để có thể đi xa hơn. Và trên thực tế Việt Nam và Hàn Quốc chúng ta đã, đang và sẽ tiếp tục đi cùng với nhau”.
“Chúng ta đã chứng kiến vai trò của Việt Nam và Hàn Quốc không chỉ trong khuôn khổ của Hiệp định tự do song phương Việt Nam – Hàn Quốc, chúng ta đã chứng kiến mới đây nhất các khung khổ của Hiệp định RCEP đã vượt ra khỏi giới hạn của hoạt động nội khối của ASEAN và trở thành một khu vực và không gian kinh tế thương mại lớn của cả khu vực Châu Á Thái Bình Dương và của thế giới với vai trò của ASEAN và các đối tác của ASEAN trong đó có Hàn Quốc. Và vì vậy, những bối cảnh mới này đang đòi hỏi chúng ta cần phải tiếp tục kế hoạch cho những bước đi dài hạn hơn nữa để cùng đi xa cùng với nhau hơn nữa..” bộ trưởng Trần Tuấn Anh chia sẻ.
Thỏa thuận quốc tế giữa Chính phủ hai nước về Trung tâm VITASK đã được ký kết bởi Bộ trưởng Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc và Bộ trưởng Bộ Công thương của Việt Nam.
Thỏa thuận nêu rõ mục đích của dự án trung tâm VITASK với các nội dung chương trình hợp tác công nghệ đa dạng nhằm nâng cao năng lực sản xuất của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam và hỗ trợ kết nối vào chuỗi giá trị toàn cầu của các doanh nghiệp Hàn Quốc.
Phía Hàn Quốc chịu trách nhiệm tổ chức các chương trình hợp tác đa dạng tại trung tâm VITASK , chịu trách nhiệm phái cử các chuyên gia và hỗ trợ các trang thiết bị cần thiết.
Việt Nam sẽ hỗ trợ tổ chức các chương trình hợp tác, hỗ trợ địa điểm và một số trang thiết bị, hỗ trợ thủ tục hành chính về miễn thuế thu nhập cá nhân cho chuyên gia Hàn Quốc và thuế nhập khẩu trang thiết bị của trung tâm.
Thành quả hoạt động của Trung tâm VITASK theo cách thức vận hành nêu trên sẽ được đánh giá đồng thời bởi Viện Phát triển công nghệ Hàn Quốc (KIAT) và Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương Việt Nam (VIA).