Thương vụ Việt Nam tại EU, Bỉ và Luxembourg cho biết Liên minh châu Âu (EU) vừa ban hành Quy định thực thi số (EU) 2021/760 sửa đổi Quy định thực thi số (EU) 2020/761, sửa đổi Quy định thực hiện (EU) 2020/761 và (EU) 2020/1988 liên quan đến hệ thống quản lý một số hạn ngạch thuế quan có giấy phép và bãi bỏ Quy định thực hiện (EU) 2020/991.
Quy định có hiệu lực từ ngày 11/5/2021. Tuy nhiên, quy định này áp dụng đối với gạo trong hạn ngạch Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) nhập khẩu có nguồn gốc từ Việt Nam có hiệu lực 1/1/2022.
Quy định này (khoản f, mục 3 Phụ lục I) nêu rõ, việc thực thi hạn ngạch EU dành cho Việt Nam 80.000 tấn gạo/năm, gồm: 30.000 tấn gạo xát, 20.000 tấn gạo chưa xát và 30.000 tấn gạo thơm.
Cụ thể, đối với 20 ngàn tấn gạo xay phân bổ như sau: 10 ngàn tấn phân bổ cho giai đoạn từ 1/1- 31/3; 5 ngàn tấn phân bổ cho giai đoạn 1/4 đến 30/6 và 5 ngàn tấn phân bổ cho giai đoạn 1/7 đến 30/9. Không phân bổ hạn ngạch cho giai đoạn 1/10 đến 31/12.
Đối với 30 ngàn tấn gạo xát thường phân bổ như sau: 15 ngàn tấn phân bổ cho giai đoạn từ 1/1-31/3; 7,5 ngàn tấn phân bổ cho giai đoạn 1/4 đến 30/6 và 7,5 ngàn tấn phân bổ cho giai đoạn 1/7 đến 30/9. Không phân bổ hạn ngạch cho giai đoạn 1/10 đến 31/12.
Đối với 30 ngàn tấn gạo thơm (9 giống Jasmine 85, ST 5, ST 20, Nàng Hoa 9,VD 20, RVT, OM 4900, OM 5451, Tài nguyên Chợ Đào) phân bổ như sau: 15 ngàn tấn phân bổ cho giai đoạn từ 1/1- 31/3; 7,5 ngàn tấn phân bổ cho giai đoạn 1/4 đến 30/6 và 7,5 ngàn tấn phân bổ cho giai đoạn 1/7đến 30/9. Không phân bổ hạn ngạch cho giai đoạn 1/10 đến 31/12.
Việc đặt cọc bảo đảm thực thi giấy phép hạn ngạch gạo là 30 Euro/tấn.
Bên cạnh đó, tại quy định này (mục 12 Phụ lụcI) phần D quy định cụ thể về Giấy chứng nhận chủng loại gạo thơm xuất khẩu vào EU. Mẫu giấy này đã được Việt Nam và EU thống nhất và được Quy định tại Phụ lục VI của Nghị định 103/2020/NĐ-CP ngày 4/9/2020 của Chính phủ quy định về chứng nhận chủng loại gạo thơm xuất khẩu sang Liên minh châu Âu.

Nguồn: https://vneconomy.vn/