Trên sàn hàng hóa Đại Liên ngày hôm nay 19/5 giá quặng sắt giao tháng 9 tăng 5,5% lên 1.256 CNY (tương đương195,26 USD)/tấn, trong phiên giao dịch trước đó giá quặng sắt tăng 4,3% lên 1.243 CNY.
Giá quặng sắt giao ngay với hàm lượng sắt 62%Fe được giao dịch ngày 18/5 tăng 3 USD lên 211,5 USD/tấn.
Giá các thành phần sản xuất thép khác trên sàn Đại Liên cũng có sự biến động với giá than cốc giảm 0,1% xuống 1.968 CNY/tấn trong khi giá than luyện cốc tăng 1,2% lên 2.659 CNY/tấn.
Trên sàn Thượng Hải giá thép cây xây dựng giao tháng 10 giảm 0,2% xuống 5.610 CNY/tấn.
Giá thép cuộn cán nóng, được sử dụng trong lĩnh vực sản xuất, giảm lỗ, phiên đóng cửa thấp hơn 0,8% xuống mức 5.980 CNY/tấn.
Tương tự, giá thép không gỉ giao sau tại Thượng Hải tăng 2,4% lên 15.645 CNY/tấn.

Đáng chú ý, giá quặng sắt trên sàn Singapore sáng nay 18/5 đã tăng mạnh 2,4% tái vượt ngưỡng 200 USD lên 206,55 USD/tấn (ở phiên liền trước, giá quặng sắt trên sàn này giảm 11%).

Trung Quốc đã ghi nhận tổng sản lượng thép là 97,85 triệu tấn vào tháng 4.

Trong tháng 4/2021, sản lượng thép thô của Trung Quốc đạt mức cao nhất mọi thời đại, bất chấp việc chính phủ cam kết hạn chế sản xuất để giảm ô nhiễm cũng như tăng chi phí từ nguyên liệu thô.

Dữ liệu từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) cho thấy, với việc các nhà máy sản xuất ồ ạt nhờ lợi nhuận cao, Trung Quốc đã ghi nhận tổng sản lượng thép là 97,85 triệu tấn vào tháng 4.
Theo đó, mức sản lượng này tăng 4,1% so với tháng 3 và cao hơn so với con số 85,03 triệu tấn vào tháng 4 năm ngoái.
Sản lượng trung bình hàng ngày trong tháng 4 tăng 7,5% so với tháng 3 lên 3,26 triệu tấn. Đây cũng là mức cao nhất trong lịch sử ngành thép của quốc gia này.
Trong hai tháng liên tiếp, sản lượng thép ở Trung Quốc đã tăng lên nhanh chóng, mặc dù Bắc Kinh đã nhiều lần tuyên bố sẽ đảm bảo sản lượng cả năm duy trì dưới mức 1,065 tỷ tấn.
Việc nhu cầu tiêu thụ trên đà đi lên bên cạnh giá thép tăng vọt đã giúp cải thiện tỷ suất lợi nhuận một cách đáng kể, thúc đẩy mong muốn sản xuất hơn nữa tại các nhà máy thép của Trung Quốc.
Do sản lượng thép tăng mạnh, tồn trữ quặng sắt tại các cảng biển nước này đã giảm 3 tuần liên tiếp.
Không chỉ tồn trữ quặng sắt giảm, dự trữ thép của Trung Quốc cũng giảm do nhu cầu mạnh trong mùa xây dựng. Được biết, dự trữ thép thanh vằn của các hãng sản xuất thép và các nhà tiêu thụ đến ngày 13/5 là 11,1 triệu tấn, giảm 6,6% so với một tuần trước đó, và thấp hơn 6,7% so với cùng kỳ năm trước.

Nguồn: VITIC/Reuter