Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 9 trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên, Trung Quốc ngày 8/6 giảm 4,4% xuống 1.118 CNY (tương đương 174,7 USD)/tấn.

Hợp đồng quặng sắt kỳ hạn tháng 7 tại Singapore giảm 3,5% xuống 192,05 USD/tấn.

Trung Quốc, nước chiếm hơn một nửa sản lượng thép của thế giới đã nhập khẩu 89,79 triệu tấn quặng trong tháng trước, thấp hơn đáng kể so với 98,57 triệu tấn họ đã mua hồi tháng 8/2020 và 102,11 triệu tấn trong tháng 3/2021.

Số liệu cũng cho thấy xuất khẩu thép trong tháng 5 của Trung Quốc giảm 33,9% so với tháng trước đó xuống 5,27 triệu tấn.
Nhu cầu thép tại Trung Quốc đã chậm lại gây ra biến động thị trường lớn trong ngắn hạn.
Tuy nhiên, giá quặng sắt vẫn khá cao, với hợp đồng thanh khoản nhiều nhất trên sàn Đại Liên đã tăng khoảng 17% từ mức thấp ngày 27/5, trong khi quặng sắt hàm lượng 62% giữ ở mức hơn 200 USD/tấn.
Nguồn cung quặng sắt toàn cầu khan hiếm vẫn là một vấn đề then chốt khiến giá ở mức cao. Trong ngày 4/6, công ty khai thác Vale SA của Brazil đã thông báo đóng cửa các mỏ mới sẽ làm giảm sản lượng của họ khoảng 40.000 tấn/ngày.
Thép thanh tại Thượng Hải giảm 4,2%, trong khi thép cuộn cán nóng giảm 4,1%. Thép không gỉ giảm 1,4%.

Nhu cầu thép tại Trung Quốc đã chậm lại gây ra biến động thị trường lớn trong ngắn hạn.

 Trong nửa cuối tháng 5 vừa qua, Chính phủ Trung Quốc liên tục đưa ra nhiều dấu hiệu cho thấy sẽ kiểm soát chặt chẽ tình trạng đầu cơ và thao túng giá trên thị trường sắt thép, quặng sắt.

Các sàn giao dịch hàng hoá lớn tại Trung Quốc cũng siết chặt các quy định về giao dịch thép, quặng sắt trên thị trường kỳ hạn cũng như đồng loạt khuyến cáo các nhà đầu tư về rủi ro thị trường trong bối cảnh giá các nguyên liệu đầu vào sản xuất thép nói chung, quặng sắt nói riêng và các sản phẩm thép tăng nóng.
Đà tăng giá mạnh của quặng sắt kể từ đầu năm đến nay chủ yếu do nhu cầu từ Trung Quốc tăng vọt; trong khi đó, nguồn cung quặng sắt của Australia giảm xuống do thời tiết bất lợi, hoạt động xuất khẩu quặng sắt của Brazil cũng bị gián đoạn do các tác động của đại dịch Covid-19. Trung Quốc hiện là quốc gia thu mua đến 70% tổng lượng quặng sắt được vận chuyển qua đường biển trên toàn cầu.
Các dữ liệu cho thấy sản lượng thép của Trung Quốc trong tháng 4/2021 đã chạm mức cao kỷ lục 97,85 triệu tấn, tăng 4,1% so với tháng 3/2021 và tăng 15% so với cùng kỳ năm 2020.
Một số nhà quan sát nhận định sản lượng thép của Trung Quốc trong những tháng tới đây có thể giảm xuống do giá thép nội địa tại Trung Quốc đang có tốc độ giảm nhanh hơn tốc độ giảm của giá quặng sắt, qua đó khiến biên lợi nhuận của nhiều nhà máy sản xuất thép bị thu hẹp.
Về phía nguồn cung, một số dấu hiệu cho thấy lượng quặng sắt xuất khẩu có thể tăng lên trong thời gian tới và tạo áp lực giảm lên giá quặng sắt.
Taị Việt Nam, giá sắt thép phế liệu đã tăng liên tục trong vòng 29 tuần vừa qua, từ mức 6.500 – 6.900 VNĐ/kg hồi tháng 10/2020 lên mức cao kỷ lục 10.500 – 10.600 VNĐ/kg vào trung tuần tháng 5/2021. Đây được xem là một trong những nguyên nhân khiến giá thép thành phẩm trên thị trường tăng cao trong giai đoạn vừa qua.
Hãng S&P Global Platts dẫn lời các thương nhân ngành thép nhận định hoạt động mua vào sắt thép phế liệu và phôi thép trên thị trường Việt Nam sẽ tiếp tục ở mức thấp và thị trường sắt thép phế liệu nội địa lẫn nhập khẩu sẽ chịu áp lực giảm, ít nhất trong ngắn hạn, cho đến khi các hãng sản xuất thép trong nước thấy giá nguyên liệu đầu vào sụt giảm mạnh hoặc nguồn cung phôi thép nhập khẩu từ Trung Quốc tăng lên.
Giá thép xây dựng trên thị trường Việt Nam hiện có xu hướng đi ngang sau giai đoạn tăng giá liên tục trong bối cảnh thị trường kỳ vọng giá nguyên liệu đầu vào sản xuất thép có thể giảm xuống. Bên cạnh đó, việc miền Nam đang bước vào mùa mưa cũng khiến các hoạt động xây dựng diễn ra chậm hơn, phần nào ảnh hưởng tiêu cực đến nhu cầu sử dụng thép xây dựng.

Nguồn: VITIC/Reuters