Giá vàng trong nước vẫn trong xu hướng giảm
Vào lúc 11h30 giá vàng Doji niêm yết tại Hà Nội ở mức mua vào 62,50 triệu đồng/lượng - bán ra 64,50 triệu đồng/lượng (giảm 1.000.000 đồng/lượng so với cuối giờ chiều hôm qua ở cả 2 chiều mua bán).
Giá vàng Phú Quý - SJC niêm yết tại Hà Nội ở mức mua vào 62,50 triệu đồng/lượng - bán ra 64,50 triệu đồng/lượng (giảm 1.000.000 đồng/lượng ở cả 2 chiều mua bán).
Giá vàng SJC của Công ty vàng bạc đá quý Sài gòn SJC tại Hà Nội mua vào 62 triệu đồng/lượng (giảm 1.500.000 đồng/lượng) - bán ra 64,52 triệu đồng/lượng (không đổi).
Giá vàng thế giới 1.706 – 1.709 USD/ounce
Giá vàng thế giới ngày 19/7 giao dịch quanh ngưỡng 1.706 – 1.709 USD/ounce, giảm 2 - 10 USD/ounce so với hôm qua.
Các nhà đầu tư vẫn lo ngại rằng chi phí đi vay tăng nhanh, chiến tranh Nga-Ukraine đang diễn ra và việc hạn chế đi lại do Covid-19 ở Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng toàn cầu. Ngoài ra, các nhà kinh tế của Bank of America dự báo về một "cuộc suy thoái nhẹ" ở Mỹ trong năm nay. Điều này tiếp tục ảnh hưởng đến tâm lý rủi ro, thể hiện rõ qua các đợt bán tháo kéo dài trên thị trường chứng khoán Mỹ. Nhưng cho dù như vậy, vàng cũng không được chọn làm nơi trú ẩn an toàn.
Nhiều ý kiến cho rằng, lạm phát của Mỹ trong tháng 7 có thể dịu xuống khi giá xăng giảm mạnh trong tháng qua. Diễn biến này có thể làm hài lòng Fed trong nỗ lực kiềm chế lạm phát thời gian qua của cơ quan này. Thời gian qua, nỗ lực "hạ nhiệt" lạm phát của Fed đã khiến giá vàng liên tục trượt dốc vì lãi suất tăng khiến tài sản không chịu lãi suất như vàng có vẻ kém hấp dẫn hơn.
Hiện các thương nhân và nhà đầu tư đang chờ đợi kết quả cuộc họp chính sách tiền tệ thường kỳ của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) dự kiến diễn ra vào thứ 5. Theo đó, ECB dự kiến sẽ tăng lãi suất lần đầu tiên sau 11 năm. Theo các quan chức của Fed, cơ quan này cũng dự kiến sẽ tăng lãi suất cơ bản thêm ít nhất 75 điểm cơ bản tại cuộc họp của Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) vào tuần tới.
Quỹ giao dịch vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust cho biết, lượng vàng do họ nắm giữ đã giảm 0,26% từ 1.016,89 tấn vào ngày 14/7 xuống 1.014,28 tấn vào ngày 15/7.
Trong diễn biến liên quan thị trường vàng, ngày 18/7, Phó Thống đốc Ngân hàng trung ương Ukraine Kateryna Rozhkova xác nhận rằng quốc gia này đã bán số vàng trị giá khoảng 12 tỷ USD trong bối cảnh xung đột với Nga.
Bà Rozhkova nói: "Chúng tôi đang bán (vàng) để các nhà nhập khẩu có thể mua hàng hóa cần thiết cho đất nước". Tình hình không có dấu hiệu cải thiện, và xung đột có thể kéo dài. Tính đến tháng 1/2022, Ukraine nắm giữ khoảng 27 tấn vàng. Giới phân tích cho rằng, việc Ukraine bán vàng không phải để nâng cao đồng nội tệ Hryvnia.
Chỉ số đô la Mỹ thấp hơn và giá dầu thô cao hơn đang giúp thúc đẩy thị trường kim loại quý.
Tuy nhiên, thị trường kim loại cũng gặp trở ngại khi thị trường chứng khoán toàn cầu tăng điểm trong phiên đầu tuần, bao gồm cả thị trường Mỹ.
Các chỉ số chứng khoán Mỹ đang hướng tới mức giá cao hơn khi các báo cáo thu nhập doanh nghiệp được công bố.
Nhận định xu hướng: Đêm qua, giá dầu thô Nymex tăng nhẹ lên 99,50 USD/thùng; Lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm nhẹ xuống 2,95%. Về mặt kỹ thuật, xu hướng giảm tiếp tục duy trì lợi thế kỹ thuật tổng thể trong ngắn hạn. Mục tiêu tăng giá tiếp theo là tạo ra mức đóng cửa trên ngưỡng kháng cự vững chắc 1.750 USD/ounce. Mục tiêu giá giảm trong ngắn hạn tiếp theo là đẩy giá vàng xuống dưới mức hỗ trợ kỹ thuật vững chắc 1.650 USD/ounce.

Nguồn: Vinanet/VITIC