Theo khảo sát ý kiến của 15 chuyên gia, sản lượng thép Trung Quốc - quốc gia sản xuất kim loại lớn nhất thế giới - sẽ chỉ tăng 0,6% trong năm nay.
Thép thường được coi là phong vũ biểu của hoạt động nền kinh tế do đây là nguyên liệu được sử dụng trong sản xuất ôtô, xây dựng và sản xuất. Điều này đồng nghĩa sự thay đổi giá thép có thể tác động to lớn tới nền kinh tế.
Đối với các nhà sản xuất thép, việc sản lượng bị chững lại có tác động tích cực.
Hoạt động sản xuất chậm lại ở Trung Quốc có thể giúp giảm bớt lượng sắt thừa trên toàn cầu đồng thời tái cân bằng lại thị trường và đẩy giá thép lên cao. Tờ Financial Times cho biết lượng thép Trung Quốc chiếm khoảng một nửa trong tổng số 1,7 tỷ tấn thép toàn cầu. Trong 2 năm qua, giá thép phải chịu áp lực lớn do nguồn cung bị dư thừa.
Dự đoán sản lượng thép bị chững lại vẫn được đưa ra ngay cả khi triển vọng cho thấy nền kinh tế Trung Quốc có thể tăng trưởng mạnh mẽ. Dự báo này trái ngược so với tình hình sản xuất thép thô trong 11 tháng năm 2017 khi tăng tới 5,7%, theo dữ liệu của Hiệp hội Thép Thế giới.
Ngay cả khi như vậy, sản lượng thép toàn cầu trong năm 2018 được dự báo sẽ tăng 2,1%. Sản lượng thép thế giới trong khoảng tháng 1 đến tháng 11/2017 tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2016.
Chuyên gia phân tích Rod Beddows đến từ HCF International Advisers nhận định "Thị trường có vẻ như đang dần ổn định khi hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc đang được kiểm soát".
Tại Mỹ, tổng thống Donald Trump cam kết tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng đồng thời siết chặt nhập khẩu nhằm tránh việc thép giá rẻ nước ngoài gây tổn hại ngành thép trong nước. Do vậy, sản lượng thép nước này được dự báo sẽ tăng 3,4% trong năm 2018.
Chuyên gia Alistair Ramsay đến từ Metal Bulletin cho rằng Mỹ đã kéo khách hàng của mình trở lại từ tay các nhà cung cấp nước ngoài nhờ đồng USD yếu.
"Chúng tôi cho rằng xu thế này sẽ tiếp diễn trong 2018. Các nhà máy thép trong nước sẽ được hưởng lợi nhờ sự phục hồi nhu cầu tiêu dùng thép nội địa sau khi phải chịu áp lực trong 2 năm liền", ông Alistair Ramsay bổ sung.
Tại khu vực EU, sản lượng thép được dự báo sẽ tăng khoảng 2,4% do nền kinh tế của nhiều nước thành viên trong khối phục hồi. Brussels cũng đang mạnh tay áp dụng thuế đối với các sản phẩm thép nhập khẩu bán phá giá tại thị trường này.
Đặc biệt, Trung Quốc thường xuyên bị cáo buộc bán phá giá thép tại thị trường nước ngoài mặc dù lượng thép xuất khẩu của nước này liên tục giảm trong vòng 2 năm qua.
Trong đợt tái cơ cấu ngành thép và than lần này, Bắc Kinh yêu cầu đóng cửa các nhà máy thép hoạt động kém hiệu quả, gây ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới còn áp lệnh hạn chế đối với hàng loạt ngành công nghiệp và các dự án xây dựng lớn nhằm giảm thiểu ô nhiễm không khí trong mùa đông.
Peter Archbold, giám đốc cấp cao mảng kim loại và khai khoáng tại công ty Fitch nói: "Chúng tôi kỳ vọng việc cắt giảm sản lượng thép ở Trung Quốc sẽ tiếp tục có những tác động tích cực đối với thị trường thép toàn cầu trong năm 2018. Việc cắt giảm sản lượng đồng nghĩa với cắt giảm xuất khẩu do vậy cán cân cung-cầu thị trường và giá thép nội địa được cải thiện".
Seth Rosenfeld, chuyên gia phân tích tại Jefferies cho rằng nhu cầu thép Trung Quốc là yếu tố bất ổn lớn nhất trong ngành công nghiệp năm 2018.