Làn sóng cắt giảm nguồn cung kim loại đang lan rộng từ Trung Quốc sang châu Âu, xuất phát từ cuộc khủng hoảng năng lượng lan rộng khắp toàn cầu do tình trạng thiếu hụt từ khí tự nhiên đến than đá và dầu mỏ gây thiếu điện và làm tăng điện, đẩy chi phí sản xuất kim loại tăng mạnh.
Các kho dự trữ khí đốt tự nhiên của các nước đã cạn kiệt trong khi lo ngại về một mùa đông lạnh giá ở Bắc bán cầu đang thúc đẩy sự cạnh tranh gay gắt giữa những người mua ở châu Âu, châu Á và Bắc Mỹ trong cuộc chạy đua để có được nguồn khí để bổ sung vào kho dự trữ kịp cho mùa đông tới. Đối với kim loại, sự suy giảm nguồn cung khí đốt có nghĩa là sản lượng kim loại sẽ giảm ngay khi nhu cầu đang bùng nổ. Nhu cầu về kẽm, được sử dụng trong sản xuất thép, rất mạnh khi các nền kinh tế trên thế giới mở cửa trở lại sau giai đoạn phong tỏa/giãn cách xã hội chống Covid-19. Nhu cầu nhôm để đóng gói thực phẩm, sản xuất ô tô và xây dựng cũng tăng trở lại...
Trong khi đó, nguồn cung kim loại buộc phải cắt giảm do thiếu điện và giá nhiên liệu tăng cao. Tại Trung Quốc, nước sản xuất và tiêu thụ kim loại hàng đầu thế giới, chính phủ phải phân bổ hạn ngạch sử dụng điện, buộc những ngành sử dụng nhiều năng lượng như luyện kim phải hạn chế tiêu thụ điện. Trong khi đó, nhiều mỏ khai thác kim loại và nhà máy luyện kim buộc phải cắt giảm, thậm chí tạm dừng sản xuất.
Tình trạng nguồn cung kim loại càng thêm căng thẳng do lĩnh vực hậu cần chưa thoát khỏi tình trạng khó khăn khiến nguồn cung, gây nguy cơ cung kim loại trong thời gian tới sẽ còn bị hạn chế hơn nữa.
"Chất xúc tác" lớn mới nhất của cơn sốt giá kim loại đến vào hôm thứ Tư (13/10) khi Nyrstar - một trong những nhà sản xuất kẽm lớn nhất thế giới – thông báo sẽ cắt giảm tới 50% sản lượng tại ba nhà máy luyện ở châu Âu do giá điện tăng đẩy chi phí liên quan đến khí thải carbon tăng theo.
John Browning, nhà phân tích thuộc công ty BANDS Financial ở Thượng Hải, cho biết: "Các nhà đầu tư tìm đến kim loại với dự đoán rằng sản lượng bị cắt giảm, do giá điện tăng cao, sẽ nhiều hơn mức giảm nhu cầu nếu có".
Trong bối cảnh đó, giá đồng tuần này đã tăng mạnh nhất kể từ 2016. Giá đồng kỳ hạn giao sau 3 tháng trên sàn giao dịch kim loại London (LME) – hợp đồng tham chiếu cho mặt hàng đồng trên toàn cầu – kết thúc tuần này ở mức 10.4623 USD/tấn, tăng 3% so với phiên liền trước, và tính chung cả tuần tăng hơn 10%, mức tăng nhiều nhất kể từ 2006. Phiên thứ Năm (14/10), giá đồng có thời điểm đạt mức cao kỷ lục, 10.747,5 USD/tấn.
Sản lượng đồng bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu điện xảy ra đúng lúc dự trữ đồng tại các kho ngoại quan của Sàn LME giảm mạnh, chỉ còn 14.150 tấn, mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ, dự trữ trên Sàn giao dịch hàng hóa kỳ hạn Thượng Hải (ShFE) cũng ở mức thấp nhất kể từ 2009, là 41.668 tấn. Lượng đồng dự trữ thấp đã đẩy mức chênh lệch giữa giá đồng giao ngay so với kỳ hạn 3 tháng lên 245 USD/tấn, cao nhất kể từ 2005.
Giá kẽm và nhôm tuần này cũng tăng lên mức cao nhất trong vòng hơn một thập kỷ do chi phí năng lượng tăng cao và tình trạng thiếu điện ở Trung Quốc buộc các nhà máy luyện kẽm và nhôm phải cắt giảm sản lượng.
Giá kẽm kỳ hạn giao sau 3 tháng trên sàn LME kết thúc phiên cuối tuần tăng 7,8% so với phiên liền trước, lên 3.802,50 USD/tấn, trong phiên có lúc đạt 3.944 USD, mức cao nhất kể từ năm 2007, đưa mức tăng giá chỉ trong một tuần vừa qua lên 20%. Thông báo của hãng Nyrstar về kế hoạch cắt giảm mạnh sản lượng kẽm đã "thổi bùng ngọn lửa" sốt giá trên thị trường kẽm.
Giá nhôm tuần này cũng có lúc đạt mức cao nhất kể từ 2008, là 3.215 USD/tấn do tình trạng cắt giảm sản lượng nhôm ở khắp Châu Âu và Trung Quốc. Kết thúc phiên cuối tuần, giá nhôm tăng 1,7% so với phiên liền trước, lên 3.170 USD/tấn. Tính chung cả tuần, giá tăng 7%.
Các kim loại cơ bản khác như nickel, thiếc và chì cũng đều tăng trong cả phiên cuối tuần cũng như trong cả tuần này.
Với việc giá kim loại tăng cao, các nhà phân tích cũng gia tăng lo ngại về nguy cơ nhu cầu sẽ bị ảnh hưởng bởi các nhà sản xuất – các đối tượng tiêu thụ kim loại chủ chốt – sẽ phải đối mặt với sự gia tăng giá các nguyên liệu thô đồng thời trên diện rộng. Ngoài ra, một số nhà phân tích cảnh giác rằng nhu cầu nguyên liệu tại các nhà máy ở Trung Quốc, một trong những nước tiêu thụ kim loại lớn nhất thế giới, có thể gây thất vọng.
Tuy nhiên, với tình trạng mùa đông đang đến gần dự kiến sẽ làm trầm trọng hơn cuộc khủng hoảng năng lượng, ngân hàng ANZ dự báo giá điện cao và khả năng thiếu hụt điện kéo dài sẽ ảnh hưởng đến cung nhiều hơn là cầu mặt hàng kim loại trong những tháng tới.
Nhà phân tích Ole Hansen của Ngân hàng Saxo cho biết chi phí điện năng cao cũng gây lạm phát và điều này thúc đẩy nhu cầu từ các nhà đầu tư đối với đồng và các hàng hóa vật chất khác như một biện pháp phòng hộ.
Chỉ mới đây, các tổ chức nghiên cứu và kẽm và đồng quốc tế dự báo cung đồng và kẽm năm 2022 sẽ đều dư thừa. Song hiện nay họ đang xem xét lại các dự báo này trên cơ sở lập luận cuộc khủng hoảng điện có thể làm đảo ngược những dự đoán đó.

Nguồn: Vũ Ngọc Diệp / Nhịp sống kinh tế