Danh sách này là một phần trong việc triển khai Đạo luật Nguyên liệu Thô quan trọng được thông qua năm 2023, với mục tiêu đến năm 2030 có thể khai thác 10%, chế biến 40% và tái chế 25% nhu cầu nguyên liệu của chính mình.
"Trong một thời gian dài, nguyên liệu thô đã bị bỏ qua trong chính sách công nghiệp của Châu Âu. Chúng ta chủ yếu nhập khẩu nguyên liệu từ bên ngoài, nhưng đại dịch Covid-19 và cuộc xung đột ở Ukraine đã nhắc nhở chúng ta về những rủi ro của sự phụ thuộc này", ông Stephane Sejourne, Ủy viên Công nghiệp EU, nhận định.
Danh sách vật liệu chiến lược bao các kim loại cơ bản gồm nhôm, đồng và niken, cùng vật liệu chính để sản xuất pin là lithium và các nguyên tố đất hiếm được sử dụng trong nam châm vĩnh cửu cho tuabin gió hoặc trong xe điện.
47 dự án này nằm ở 13 quốc gia thành viên EU, bao gồm Bỉ, Pháp, Ý, Đức, Tây Ban Nha, Estonia, Cộng hòa Séc, Hy Lạp, Thụy Điển, Phần Lan, Bồ Đào Nha, Ba Lan và Romania. Trong đó, 25 tập trung vào khai thác, 24 dự án chế biến và 10 dự án tái chế, với một số dự án kết hợp nhiều hoạt động.
EC cũng dự kiến công bố thêm danh sách dự án liên quan đến các vật liệu còn lại, bao gồm cả các dự án nằm ngoài khối. Điều này nhằm tránh sự phụ thuộc quá mức vào một nguồn cung duy nhất, đặc biệt sau “cú sốc” mất nguồn khí đốt giá rẻ từ Nga và những gián đoạn chuỗi cung ứng trong đại dịch.
Hiện tại, Trung Quốc đang chiếm ưu thế trong khai thác đất hiếm cũng như chế biến kim loại cho pin xe điện, tấm pin mặt trời và nhiều lĩnh vực quan trọng khác. Ông Sejourne cảnh báo: "Không thể có một ngành công nghiệp quốc phòng vững mạnh nếu thiếu đất hiếm – những nguyên liệu được sử dụng trong radar, sonar và hệ thống định vị mục tiêu. Trong khi đó, EU hiện đang phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn cung đất hiếm từ Trung Quốc."
Trong số 47 dự án được công bố, 22 dự án liên quan đến lithium, 12 dự án về niken, 11 dự án về graphite, 10 dự án về cobalt và 7 dự án về mangan, tất cả đều đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng pin. Ngoài ra, một dự án khai thác magiê và ba dự án tungsten sẽ phục vụ ngành công nghiệp quốc phòng của EU.
Để đẩy nhanh tiến độ triển khai, EU sẽ áp dụng quy trình cấp phép đơn giản hơn, giới hạn tối đa 27 tháng đối với khai thác và 15 tháng đối với chế biến hoặc tái chế. Điều này nhằm giải quyết những trở ngại hành chính kéo dài nhiều năm, vốn là rào cản lớn cho các dự án năng lượng xanh tại Châu Âu do phải tuân thủ quy định của 27 quốc gia thành viên cũng như chính quyền địa phương.
Ngoài ra, một nhóm tài chính sẽ hỗ trợ thu hút đầu tư bằng cách cung cấp bảo lãnh công từ các ngân hàng quốc gia, Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) và Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu (EBRD), nhằm khuyến khích các nhà đầu tư tư nhân rót vốn vào các dự án chiến lược này.