Thời gian gần đây, giá kim loại công nghiệp đua nhau lập đỉnh mới. Cụ thể, giá nhôm vừa tăng lên cao nhất trong 13 năm, ở mức hơn 2.800 USD/tấn tại sàn giao dịch kim loại London (LME) phiên 8/9 và chạm mốc 3.000 USD/tấn vào phiên 13/9.
Chuyên gia Gianclaudio Torlizzi tại công ty tư vấn T-Commodity cho biết các yếu tố khiến giá nhôm tăng mạnh thời gian gần đây gồm Trung Quốc giảm sản lượng, giá quặng nhôm tăng nhanh, tồn kho cạn kiệt trong khi nhu cầu lớn.
Theo công ty nghiên cứu Antaike, các nhà máy luyện nhôm tại tỉnh Vân Nam - nơi chiếm khoảng 10% công suất sản xuất nhôm của Trung Quốc, đã giảm gần một triệu tấn nhôm trong sản lượng hàng năm chỉ riêng trong tháng 8.
Trong khi đó, giá hợp đồng quặng nhôm tương lai trên sàn COMEX đã tăng 20% lên 365 USD/tấn trong tháng này. Tồn kho nhôm tại các kho trữ của LME giảm 33% xuống 1,3 triệu tấn từ tháng 3. Giá trị này tại Sở giao dịch Hàng hóa tương lai Thượng Hải cũng giảm 42% xuống 228.529 tấn kể từ tháng 4.
Ngoài ra, giá nhôm tiếp tục bị đẩy lên cao hơn nữa sau khi xảy ra vụ quân sự đảo chính ở Guinea, quốc gia sản xuất bauxite lớn thứ hai thế giới. Bauxite là nguyên liệu sản xuất nhôm.
Diễn biến giá kim loại đồng trên sàn giao dịch Comex kể từ đầu năm đến nay. Ảnh: Markets Insider
Giá đồng cũng lập đỉnh lịch sử 10.476 USD/tấn hồi tháng 5 trước kỳ vọng về các chính sách kích thích kinh tế phục hồi sau đại dịch. Xu hướng sử dụng nguồn năng lượng sạch cũng thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ đồng – kim loại được sử dụng trong xe điện đến các hệ thống điện mặt trời… Tuy nhiên giá kim loại này đang quay đầu giảm do nguồn cung đồng được nới lỏng hơn khi công nhân mỏ Andina tại Chile ngưng đình công. Chile là quốc gia sản xuất đồng lớn nhất thế giới với 5,7 triệu tấn vào năm 2020.
Giá đồng trên thị trường quốc tế cũng chịu áp lực giảm khi Trung Quốc - quốc gia nhập khẩu đồng lớn nhất thế giới, thông báo lượng đồng nhập khẩu trong tháng 8 giảm 41% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống mức thấp nhất kể từ tháng 6/2019. Giới phân tích nhận định việc giá kim loại đồng neo cao khiến nhiều khách hàng không sẵn lòng mua vào.
Tương tự, giá quặng sắt cũng giảm từ vùng đỉnh vào tháng 7, chủ yếu do nguồn cung ổn định và Trung Quốc giảm nhập khẩu mặt hàng này để hạn chế sản xuất thép nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn về phát thải carbon. Không những thế, các số liệu chính thức cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đang phát triển chậm lại, đặc biệt là mảng bất động sản và cơ sở hạ tầng, cũng góp phần khiến nguồn cầu trong nước giảm mạnh.
Cổ phiếu doanh nghiệp nhôm, khoáng sản tăng đột biến
Trước biến động của giá kim loại, nhiều cổ phiếu doanh nghiệp khoáng sản ghi nhận mức tăng giá ấn tượng từ đầu năm. Đáng chú ý, cổ phiếu KHB của Khoáng sản Hòa Bình đã trần 11 phiên liên tiếp; thị giá hiện tại đạt 8.200 đồng/cp, gấp 8 lần cuối năm ngoái..
Mã KSH của Damac GLS cũng tăng giá gấp hơn 4 lần trong năm gần nhất. Giá cổ phiếu của Khai Thác & Chế Biến Khoáng Sản Lào Cai (HoSE: LCM) cũng biến động tích cực với 5 phiên trần liên tiếp, thị giá hiện tại gấp 3,4 lần cuối năm ngoái.
Ngoài ra, thông tin giá nhôm đạt kỷ lục cũng kéo giá cổ phiếu các đơn vị sản xuất kinh doanh kim loại này tăng mạnh thời gian gần đây. Cổ phiếu TKU của Công nghiệp Tung Kuang vừa tăng trần trong hai phiên gần nhất, nâng thị giá lên 45.900 đồng/cp. Trước đó mã này đã tăng 9 phiên liên tiếp, tương đương mức tăng trưởng 61% sau nửa tháng và hơn 292% sau gần năm.
Đóng cửa phiên 15/9, một cổ phiếu thuộc nhóm doanh nghiệp nhôm khác là NSH của Nhôm Sông Hồng cũng tăng kịch trần lên 16.300 đồng/cp, gấp 4 lần so với cuối năm ngoái.
Ảnh: Tradingview
Kết quả kinh doanh nhóm khoáng sản phân hóa
Một trong những doanh nghiệp lớn nhất ngành khai khoáng có cổ phiếu trên sàn chứng khoán là Masan High-Tech Materials (UPCoM: MSR) báo cáo kết quả kinh doanh khả quan nửa đầu năm với doanh thu gấp hơn 2 lần, đạt 6.170 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế âm 291 tỷ, cải thiện so với khoản lỗ gần 393 tỷ cùng kỳ.
Công ty cho biết kết quả trên đạt được đến từ nhu cầu đối với các sản phẩm vonfram tăng mạnh do có phục hồi mạnh mẽ trên hầu hết các ngành như ôtô, sản xuất chế tạo, khai khoáng. Hay ngành dầu khí và hàng không vũ trụ cũng xuất hiện những dấu hiệu tích cực về nhu cầu. Doanh thu tăng cũng đến từ việc sáp nhập với công ty Đức chuyên sản xuất vonfram là HC Starck. Giá vonfram trên thị trường cũng đã duy trì ổn định ở mức cao.
Ngoài vonfram, MSR còn sản xuất kinh doanh florit, đồng và bismut. Các sản phẩm này được khai thác tại mỏ Núi Pháo - mỏ đa kim nằm tại tỉnh Thái Nguyên. Tại thời điểm năm 2014, trữ lượng đã được xác nhận của mỏ Núi Pháo là khoảng 66 triệu tấn, với vòng đời mở ước tính là 20 năm.
Nhà máy của Masan High-Tech Materials tại mỏ đa kim Núi Pháo. Ảnh: thainguyen.gov.vn
Tổng công ty khoáng sản TKV (UPCoM: KSV) cũng đạt kết quả ấn tượng với lợi nhuận trước thuế gấp 12 lần cùng kỳ, lên 552 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt kỷ lục 343,5 tỷ đồng, gấp 9 lần.
Theo giải trình từ phía công ty, doanh thu 6 tháng đầu năm tăng mạnh là do giá bán các sản phẩm chính của công ty mẹ như đồng tấm, vàng, bạc và sản phẩm của công ty con như phôi thép, kẽm thỏi đều tăng cao so với cùng kỳ. Cụ thể, giá bán bình quân đồng tấm 6 tháng đầu năm là 196 triệu đồng/tấn (tăng 65 triệu đồng/tấn so với cùng kỳ), kẽm thỏi là 65 triệu đồng/tấn (tăng 16 triệu đồng/tấn), phôi thép là 14 triệu đồng/tấn (tăng 4 triệu đồng/tấn). Do giá bán tăng nên doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất và tiêu thụ. Sản lượng tiêu thụ các sản phẩm nói trên đều tăng.
Mặc dù giá cổ phiếu KHB tăng đột biến nhưng kết quả hoạt động của Khoáng sản Hòa Bình (UPCoM: KHB) kém khả quan với lợi nhuận âm hơn 108 triệu đồng nửa đầu năm nay. Trước đó đơn vị đã có 5 năm lỗ liên tiếp, số lỗ lũy kế đến cuối quý II là gần 149 tỷ đồng. KHB mới đây cũng đứng thứ 3 trong danh sách công ty nợ thuế nhiều nhất trên địa bàn tỉnh Hòa Bình với hơn 10 tỷ đồng nợ thuế tại thời điểm 30/6.
Doanh nghiệp hiện khai thác quặng đá talc, quặng đá quartz (thạch anh), đá trắng cabonat, quặng than tại các mỏ thuộc tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Thanh Hóa... Các sản phẩm khai khoáng truyền thống này được cung cấp làm nguyên liệu đầu vào cho ngành vật liệu xây dựng, giấy, dược phẩm, mỹ phẩm, phục vụ cho ngành công nghiệp sản xuất gốm sứ, kính thủy tinh... trong nước và xuất khẩu sang Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc.
Damac GLS (UPCoM: KSH) cũng kinh doanh “kém sắc” khi không phát sinh doanh thu 6 tháng đầu năm nay, cả năm ngoái hoạt động cũng chỉ hơn 1 triệu đồng. Từ năm 2019, công ty chuyển hoạt động kinh doanh từ khai thác khoáng sản sang tập trung đầu tư dự án bất động sản và kinh doanh nông sản. Dù tái cơ cấu, doanh nghiệp vẫn lỗ trong hai năm gần đây.
Đơn vị: tỷ đồng
Ngược lại, một số đơn vị báo lãi tăng trưởng trong nửa đầu năm như Cơ khí và Khoáng sản Hà Giang (HNX: HGM) với lợi nhuận gấp 5 lần cùng kỳ, đạt gần 22 tỷ đồng. Kết quả này chủ yếu nhờ doanh thu tăng trưởng 110% so với cùng kỳ.
Công ty là một trong những đơn vị dẫn đầu trong ngành khai thác và chế biến antimon. Hiện tại doanh nghiệp có quyền khai thác mỏ antimon Mậu Duệ ở tỉnh Hà Giang. Sản phẩm antimon được sử dụng trong các ngành công nghiệp sản xuất như ắc quy, hợp kim chống ma sát, diêm…
Khoáng sản Bình Định (HoSE: BMC) cũng tăng 16% lợi nhuận nửa đầu năm, lên hơn 7,3 tỷ đồng nhờ chi phí hoạt động giảm so với cùng kỳ. Hiện nay, công ty đang khai thác, chế biến khoáng sản từ quặng sa khoáng titan trên hai cơ sở sản xuất tại tỉnh Bình Định là xí nghiệp sa khoáng Nam Đề Ghi và nhà máy Xỉ Titan.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, Khai Thác & Chế Biến Khoáng Sản Lào Cai (HoSE: LCM) lãi gần 1 tỷ đồng, cải thiện so với số lỗ 244 triệu đồng cùng kỳ. Kết quả này chủ yếu đến từ lãi tiền gửi, tiền cho vay gấp đôi lên gần 2 tỷ đồng. Lĩnh vực hoạt động chính của công ty là khai thác, chế biến, kinh doanh quặng kim loại đen, kim loại màu trên địa bàn các tỉnh thành phía Bắc. Doanh nghiệp đã được cấp phép khai thác mỏ quặng chì kẽm, mỏ vàng tại tỉnh Lào Cai, Lai Châu, Hòa Bình…
Xét đến các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh nhôm, Nhôm Sông Hồng (HNX: NSH) lãi hơn 5 tỷ đồng nửa đầu năm, trong khi cùng kỳ ở mức 260 triệu đồng. Đơn vị cho biết giá thấp của hàng tồn kho đã giúp giá vốn kỳ này chiếm tỷ trọng thấp dù giá nhôm thị trường tăng mạnh.
Từ thời điểm thành lập, lĩnh vực hoạt động chính của công ty là sản xuất nhôm thanh định hình và gia công các sản phẩm khác từ nhôm với thương hiệu Shalumi. Doanh nghiệp có 3 phân xưởng sản xuất chính với công suất 17.000 tấn sản phẩm các loại mỗi năm.
Công ty chuyên sản xuất kinh doanh sản phẩm nhôm khác là Công nghiệp Tung Kuang (HNX: TKU) cũng ghi nhận lãi gấp gần 3 lần cùng kỳ, đạt hơn 72 tỷ đồng. Lợi nhuận tăng chủ yếu nhờ doanh thu bán hàng tăng hơn 37% lên 575 tỷ đồng.