Giá vàng trong nước giảm
Vào thời điểm lúc 15h giá vàng SJC của Công ty vàng bạc đá quý Sài gòn SJC tại Hà Nội mua vào 55,05 triệu đồng/lượng - bán ra 56,47 triệu đồng/lượng (giảm 500.000 đ/lượng so với cuối giờ chiều qua ở cả 2 chiều mua bán).
Tập đoàn PNJ - SJC niêm yết giá vàng SJC tại Hà Nội ở mức mua vào 55,40 triệu đồng/lượng (giảm 400.000 đ/lượng) - bán ra 56,40 triệu đồng/lượng (giảm 600.000 đ/lượng).
Giá vàng SJC niêm yết tại Phú Quý SJC mua vào 55,60 triệu đồng/lượng - bán ra 56,70 triệu đồng/lượng (giảm 400.000 đ/lượng cả 2 chiều mua bán).
Giá vàng SJC của công ty Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá mua vào 55,50 triệu đồng/lượng (giảm 520.000 đ/lượng) - bán ra 56,60 triệu đồng/lượng (giảm 500.000 đ/lượng).
Giá vàng thế giới 1.929 - 1.945 USD/ounce
Giá vàng thế giới trên sàn Kitco 7h sáng nay giao dịch ở mức 1.930 USD/ounce, đến 14h30 chiều nay lên mức 1.943 USD/ounce, sau đó lại xuống 1.929 USD/ounce vào lúc 15h30.
Giới phân tích nhận định, giá của kim loại quý này đã rớt mạnh do áp lực bán tháo trên thị trường sau khi biên bản cuộc họp chính sách tiền tệ tháng 7 cho thấy Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đang miễn cưỡng trong việc giới hạn lợi suất trái phiếu. Ngay khi báo cáo này công bố, giá hợp đồng vàng tương lai giao tháng 12 cũng đã giảm hơn 3% về mức 1.951,9 USD/ounce. Không chỉ đưa ra thông báo về việc giới hạn lợi suất trái phiếu, các nhà kinh tế cũng lưu ý rằng Fed đang cân nhắc, dè dặt hơn trong việc đưa ra các phản ứng chính sách tiền tệ với đại dịch Covid-19.
Ngoài ra, giá vàng cũng chịu áp lực trong bối cảnh lợi suất trái phiếu Mỹ và đồng USD tăng trở lại sau 5 phiên suy giảm liên tiếp xuống mức thấp nhất trong hai năm.
Thị trường vàng lao dốc ngay khi Cục Dự trữ Liên bang phát tín hiệu rằng họ chưa sẵn sàng sớm hạ trần lãi suất vào chiều 19/8. Vàng chịu áp lực bán mạnh trong phần lớn phiên giao dịch hôm qua và đã mất tất cả các mức tăng trong hai ngày trước đó sau khi biên bản được công bố.
Tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức trên 10%, và sự sụt giảm 32,9% trong tổng sản phẩm quốc nội của Mỹ trong quý thứ hai là tồi tệ nhất trong lịch sử. Bất chấp các dữ liệu kinh tế tiêu cực, Nasdaq vẫn thiết lập đỉnh cao lịch sử mới, trong khi S&P cũng tiến sát đỉnh lịch sử thiết lập hồi tháng 2/2020. Chỉ số S&P 500 đã đạt đến mức cao nhất mọi thời đại, theo sau là Nasdaq 100 cũng lập kỷ lục khi mà các cổ phiếu công nghệ dẫn đầu đà phục hồi của thị trường kể từ mức đáy lập ngày 23/3.
Chiến lược gia Margaret Yang của DailyFx nhận định vàng giảm giá trước sự mạnh lên của đồng bạc xanh. Theo chuyên gia này, trong ngắn hạn, sự phục hồi của đồng USD có thể kìm hãm đà tăng của giá vàng. Thêm vào đó, giá kim loại quý này đã ghi nhận mức tăng 3% trong hai ngày qua, khiến giá vàng dễ bị ảnh hưởng bởi các hoạt động chốt lời.
Hầu hết các dự báo gần đây đều cho rằng, vàng vẫn đang ở trong một xu hướng tăng giá dài hạn và có thể lên mức 2.250 USD/ounce vào cuối năm nay.
Ấn Độ là một trong những thị trường tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới. Hãng tin CNBC dẫn lời Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) cho hay sự phục hồi của thị trường vàng Ấn Độ vẫn sẽ chưa thật ổn định trong nửa cuối năm 2020 do nhiều yếu tố, trong đó có giá vàng tăng cao kỷ lục. Nhu cầu vàng tại Ấn Độ đã giảm mạnh trong nửa đầu năm 2020. Một báo cáo của WGC được công bố vào cuối tháng Bảy cho biết nhu cầu mua trang sức của người dân Ấn Độ trong quý 2/2020 đã giảm 74% so với cùng kỳ năm trước, xuống chỉ còn 44 tấn, đây cũng là quý tiêu thụ vàng thấp nhất tại quốc gia này.
Theo báo cáo, sự sụt giảm này là do các biện pháp phong tỏa được áp đặt trên toàn quốc nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch COVID-19, cũng như xu hướng giá vàng tăng cao và những lo ngại về sự bất ổn của các khoản thu nhập trong tương lai.