Giá vàng trong nước tăng
Vào lúc 16h giá vàng Doji niêm yết tại Hà Nội ở mức mua vào 66,20 triệu đồng/lượng (không đổi so với cuối giờ chiều hôm qua) - bán ra 67,20 triệu đồng/lượng (tăng 100.000 đồng/lượng).
Giá vàng Phú Quý - SJC niêm yết tại Hà Nội ở mức mua vào 66,20 triệu đồng/lượng (không đổi) - bán ra 67,20 triệu đồng/lượng (tăng 100.000 đồng/lượng).
Giá vàng SJC của Công ty vàng bạc đá quý Sài gòn SJC tại Hà Nội mua vào 66,30 triệu đồng/lượng - bán ra 67,32 triệu đồng/lượng (tăng 100.000 đồng/lượng cả 2 chiều mua bán).
Giá vàng thế giới 1.617 – 1.627 USD/ounce
Giá vàng thế giới ngày 21/10 giao dịch quanh ngưỡng 1.617 - 1.627 USD/ounce, giảm 1 - 4 USD/ounce so với hôm qua.
Giá vàng hôm nay tiếp tục giảm nhẹ khi những người tham gia thị trường lo ngại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi thêm 75 điểm cơ bản tại hai cuộc họp cuối cùng trong năm nay vào tháng 11 và tháng 12.
Các bình luận của nhiều quan chức Fed đã nhấn mạnh ý định của họ và quyết tâm đưa lạm phát xuống mức mục tiêu 2% bằng cách tăng lãi suất. Kể cả khi tăng trưởng chậm lại, Ngân hàng Trung ương Mỹ vẫn kiên định với mục tiêu đưa lãi suất chính sách của họ lên gần 4,5% hoặc 4,75%. Điều này đã dẫn đến lợi suất trái phiếu và đồng USD tăng cao.
Trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg News, Chủ tịch Fed chi nhánh St. Louis, James Bullard, cho rằng việc tăng lãi suất 75 điểm cơ bản tại cuộc họp tháng 11 "ít nhiều đã được dự báo". Tuy nhiên, ông nói thêm rằng cần đợi cho đến cuộc họp diễn ra mới xác định chính xác được mức tăng. Đáng chú ý, ông không xác nhận việc tăng lãi suất 75 điểm cơ bản vào tháng 11 sẽ được tiếp diễn vào tháng 12.
Trong số các quan chức của Fed, James Bullard được coi là một trong những quan chức có quan điểm “diều hâu” nhất khi là người đầu tiên công khai đề xuất tăng lãi suất 75 điểm cơ bản. Trong một cuộc phỏng vấn, ông nói rằng lạm phát lõi của Mỹ đã tăng lên 6,6% vào tháng 9 là một xu hướng đáng lo ngại.
Ở một cuộc phỏng vấn khác, Chủ tịch Fed chi nhánh Minneapolis, Neel Kashkari, cũng xác nhận Fed sẽ duy trì lập trường chính sách tích cực khi nói rằng "Fed không thể tạm dừng kế hoạch thắt chặt tiền tệ nếu lạm phát cơ bản vẫn đang tăng".
Những tuyên bố này của các quan chức Fed đã củng cố dự đoán của thị trường rằng lợi suất trái phiếu Mỹ sẽ tiếp tục tăng, qua đó hỗ trợ bạc xanh và gây sức ép lên kim loại quý màu vàng.
Các chuyên gia cho rằng, thị trường vàng tiếp tục lo lắng về tác động của chính sách tiền tệ thắt chặt mạnh tay của Fed. Nhiều ý kiến dự báo sẽ có một đợt nâng lãi suất khá mạnh nữa và khả năng xoay chiều chính sách sớm là không lớn, vì vậy giá vàng đang phản ánh điều đó.
Mới đây, các nhà phân tích hàng hóa Aude Marjolin tại S&P Global Commodity Insight cũng đưa ra nhận định, kỳ vọng tăng lãi suất và lo ngại về giá năng lượng có tác động mạnh hơn tới các kim loại quý trong tương lai.
Thời gian qua, vàng đã chịu tác động lớn bởi các yếu tố kinh tế vĩ mô. Đặc biệt trong tháng 9, việc các ngân hàng trung ương lớn “chạy đua” tăng lãi suất “khủng” để “hạ nhiệt” lạm phát đã làm gia tăng lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu vào năm 2023.
Chuyên gia này nói thêm rằng, bức tranh kinh tế vĩ mô ảm đạm của năm tới sẽ đè nặng lên kim loại quý chứ không phải các yếu tố cơ bản. Bên cạnh đó, lạm phát cao hơn liên tục sẽ không cho Fed bất kỳ cơ hội nào trong ngắn hạn để thay đổi hoặc tạm dừng quá trình thắt chặt của mình.
Diễn biến đáng chú ý là đồng yên Nhật đã chạm mức thấp nhất trong 32 năm so với đô la Mỹ sau khi Ngân hàng trung ương Nhật Bản từ chối tăng lãi suất, trong bối cảnh các ngân hàng trung ương lớn khác đều đang tăng lãi suất điều hành. Thị trường cho rằng Ngân hàng trung ương Nhật Bản một lần nữa sẽ phải bán đô la Mỹ để hỗ trợ đồng yên.