Giá vàng trong nước giảm
Vào lúc 16h giá vàng SJC của Công ty vàng bạc đá quý Sài gòn SJC tại Hà Nội mua vào 56,50 triệu đồng/lượng - bán ra 57,22 triệu đồng/lượng (giảm 50.000 đồng/lượng so với cuối tuần qua ở cả 2 chiều mua bán).
Giá vàng Doji niêm yết tại Hà Nội ở mức mua vào 56,45 triệu đồng/lượng - bán ra 57,90 triệu đồng/lượng (giảm 30.000 đồng/lượng ở cả 2 chiều mua bán).
Tập đoàn PNJ - SJC niêm yết giá vàng SJC tại Hà Nội ở mức mua vào 56,50 triệu đồng/lượng - bán ra 57,20 triệu đồng/lượng (giảm 50.000 đồng/lượng cả 2 chiều mua bán).
Giá vàng Phú Quý - SJC niêm yết tại Hà Nội ở mức mua vào 56,50 triệu đồng/lượng - bán ra 57,30 triệu đồng/lượng (giảm 100.000 đồng/lượng cả 2 chiềumua bán).
Giá vàng chiều ngày 2/8/2021 quay đầu giảm
Giá vàng thế giới 1.808– 1.812 USD/ounce
Giá vàng thế giới hôm giao dịch quanh ngưỡng 1.808 – 1.812 USD/ounce, giảm 2 - 6 USD/ounce so với hôm qua. Diễn biến của giá kim loại quý đang đi ngược lại dự đoán của các chuyên gia. Cụ thể, tuần này, 4 nhà phân tích Phố Wall đã tham gia cuộc khảo sát vàng của Kitco News. Trong số những người tham gia, 11 người (tương đương 79%) cho rằng, giá vàng sẽ tăng; chỉ có ba người còn lại (21%) cho rằng giá vàng sẽ đi ngang. Trong khi đó, với 862 phiếu bầu đã được thực hiện trong các cuộc thăm dò trực tuyến trên Main Stress, 155 người được hỏi (tương đương 70%) dự đoán giá vàng tăng; 155 người khác (18%) cho biết, giá vàng thấp hơn; trong khi 101 người (12%) cho ý kiến trung lập.
Ông Bart Melek, chiến lược gia toàn cầu của Công ty TD Securities cho biết hiện không có mốc thời gian cụ thể nào về việc FED sẽ điều chỉnh lãi suất hoặc các chính sách hỗ trợ nền kinh tế. Ngân hàng Trung ương của Mỹ đã thừa nhận rằng biến thể Delta của dịch Covid-19 có thể khiến đà phục hồi của nền kinh tế chậm hơn, kéo theo đó là sự sụt giảm của đồng USD.
Các chuyên gia cho rằng khả năng vàng đi lên là tích cực hơn và kim loại quý có thể giao dịch quanh vùng giá 1.850 USD, thậm chí 1.870 USD/ounce. Trong khi đó, nhà phân tích thị trường cấp cao của OANDA, Edward Moya, cho biết giá vàng sẽ phải kiểm tra mốc 1.838 USD/ounce trước khi muốn tăng cao hơn.
Thống kê mới nhất do Bộ Thương mại Mỹ cho thấy, chi tiêu tiêu dùng của nước này tăng cao hơn dự kiến trong tháng 6/2021 nhờ các chương trình tiêm chủng ngừa Covid-19 mở rộng. Tuy nhiên, một phần sự gia tăng chi tiêu cũng phản ánh tình hình giá tăng cao hơn, với lạm phát hàng năm vượt mục tiêu 2% của Fed. Cụ thể, chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) - không bao gồm các giá thực phẩm và năng lượng dễ biến động - tăng 0,4% trong tháng 6 sau khi tăng 0,5% trong tháng 5. So với cùng kỳ năm 2020, PCE của Mỹ đã tăng 3,5% - mức tăng lớn nhất kể từ tháng 12/1991 và vượt mức 3,4% của tháng 5.
Trong khi một số nhà phân tích đồng ý với giả định của Fed rằng, lạm phát phần lớn là kịch bản nhất thời, nhiều nhà phân tích tin rằng, sự gia tăng lạm phát hiện tại không phải chỉ là nhất thời do giá lương thực và năng lượng tăng mạnh gần đây.
Bất kể tuyên bố của Chủ tịch Powell về lạm phát, kể cả việc sử dụng chỉ số ưa thích của họ để loại bỏ chi phí thực phẩm và năng lượng, áp lực lạm phát đang ở mức cao đáng báo động. Quan trọng hơn, Fed đang giả định rằng, lạm phát có khả năng sẽ trượt trở lại một con số gần với mục tiêu 2% của Fed vào năm tới, nếu họ sai, hệ lụy sẽ rất đáng báo động.
Michael Armbruster, đối tác quản lý tại công ty môi giới tài chính Altavest, nhận định rằng, đã đến lúc nghịch lý giá vàng không còn tồn tại. Lạm phát gia tăng, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ vẫn đang ở mức thấp, đồng USD yếu là những yếu tố hỗ trợ cho giá vàng. Kim loại quý này vốn được coi là “hàng rào” chống lại lạm phát.
Theo nhà phân tích chiến lược đầu tư Raffi Boyadjian thuộc sàn giao dịch XM, giá vàng cố gắng duy trì mức tăng của phiên 30/7 xong quay đầu khi gặp ngưỡng kháng cự quanh mức 1.830 USD/ounce. Nếu đồng bạc xanh tiếp tục suy yếu trong những ngày tới và lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ vẫn giảm, nhiều khả năng giá vàng sẽ vượt qua ngưỡng kháng cự này.
Chuyên gia Armbruster phân tích, hồi đầu tháng này, Altavest đã khuyến nghị nhà đầu tư mua vàng khi giá vàng giảm xuống dưới 1.800 USD/ounce, trong bối cảnh các điều kiện kinh tế có nhiều yếu tố thuận lợi đối với kim loại quý này. Giá vàng có thể tiến đến ngưỡng 2.000 USD/ounce trong năm nay, mức cao ghi nhận lần cuối cùng là tháng 8/2020.
Ngay cả khi diễn biến dịch Covid-19 vẫn còn phức tạp ở một số nước, các nhà phân tích của Altavest không quá đặt nặng yếu tố này khi nghiên cứu thị trường vàng. Lý do là bởi số ca mắc Covid-19 dường như đã đạt đỉnh và số ca nhập viện và tử vong không tăng nhanh như các ca mắc mới.
Tuy nhiên, Fawad Razaqzada, nhà phân tích thị trường tại công ty môi giới ThinkMarkets (trụ sở ở Anh và Australia) cho rằng, cần theo dõi chặt chẽ diễn biến dịch Covid-19 bởi nếu tình hình trở nên tồi tệ hơn thì có thể tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế và chính sách của Fed. Các nhà đầu tư đang theo dõi cách Fed cân bằng giữa việc lạm phát gia tăng và mối nguy đối với nền kinh tế ngày càng lớn từ đại dịch Covid-19, trước sự hoành hành của biến thể Delta.
Trong tuần này, báo cáo về việc làm trong lĩnh vực phi nông nghiệp của Mỹ có thể là tâm điểm chú ý của các nhà giao dịch vàng, vì số liệu này có thể ảnh hưởng đến quyết định của Fed về lộ trình giảm dần chương trình nới lỏng định lượng.
Trong báo cáo nghiên cứu về đầu tư vàng cá nhân tại Việt Nam do Hội đồng vàng Thế giới (WGC) công bố mới đây, Trưởng bộ phận ASEAN - WGC Andrew Naylor, nhận xét, Việt Nam là quốc gia đóng vai trò lớn trên thị trường vàng toàn cầu. Năm 2019, nhu cầu tiêu dùng trong nước đạt 56,4 tấn, biến Việt Nam trở thành thị trường tiêu thụ vàng lớn đứng thứ 7 thế giới và đứng đầu tại Đông Nam Á. Kết quả khảo sát hơn 2.000 người Việt Nam cho thấy, 72% đã đầu tư vào vàng trong 12 tháng qua và còn rất nhiều tiềm năng để thị trường phát triển, bởi nhu cầu hiện tại chỉ mới dừng lại ở việc mua bán trang sức, vàng cây, vàng nhẫn.
Theo WGC, quý 2/2021, nhu cầu tiêu dùng vàng Việt Nam đã tăng 85% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 12,6 tấn, trong đó vàng nữ trang là 3,5 tấn, tăng 120% so với cùng kỳ năm ngoái, 9,1 tấn thanh và tiền xu - một loại sản phẩm vàng vật chất được các nhà đầu tư bán lẻ mua áp đảo, tăng 75% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, nếu so với mức tăng của quý 1, nhu cầu tiêu thụ vàng nữ trang quý 2 năm nay giảm 1,6 tấn và vàng thanh, tiền xu giảm 4,4 tấn. Thống kê từ 10 năm trở lại đây tại thị trường Việt Nam, nhu cầu tiêu thụ vàng nữ trang cũng như vàng miếng liên tục giảm. Năm 2020, nhu cầu tiêu thụ vàng có mức sụt giảm mạnh nhất trong vòng 10 năm.
Trong khi đó, thế giới đang đối mặt với vấn đề lạm phát tăng cao, Việt Nam không ngoại lệ; thêm vào đó thị trường chứng khoán quốc tế và Việt Nam sau khi đạt mức tăng kỷ lục có dấu hiệu đảo chiều... Tất cả yếu tố này khiến nhiều người muốn nắm giữ vàng để bảo toàn vốn.

Nguồn: VITIC