Giá vàng trong nước tăng
Vào lúc 15h, giá vàng Doji niêm yết tại Hà Nội ở mức mua vào 66,60 triệu đồng/lượng lượng (tăng 750.000 đồng/lượng so với cuối giờ chiều hôm qua) - bán ra 67,45 triệu đồng/lượng (tăng 100.000 đồng/lượng).
Giá vàng Phú Quý - SJC niêm yết tại Hà Nội ở mức mua vào 66,70 triệu đồng/lượng (tăng 400.000 đồng/lượng) - bán ra 67,50 triệu đồng/lượng (tăng 300.000 đồng/lượng)
Giá vàng SJC của Công ty vàng bạc đá quý Sài gòn SJC tại Hà Nội mua vào 66,75 triệu đồng/lượng - bán ra 67,52 triệu đồng/lượng (tăng 150.000 đồng/lượng cả 2 chiều mua bán).
Giá vàng thế giới 1.934 – 1.950 USD/ounce
Giá vàng thế giới ngày 4/3 giao dịch quanh ngưỡng 1.934 - 1.950 USD/ounce, tăng 12 - 16 USD/ounce so với hôm qua. Giá vàng tăng mạnh nhất lên 1.950 USD/ounce lúc 8h sáng nay, sau đó giảm dần.
Giá vàng hôm nay tăng trở lại sau khi Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) phát tín hiệu tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 3. Fed vừa phát đi tín hiệu cho biết vẫn sẽ tiếp tục kế hoạch tăng lãi suất. Điều này đồng nghĩa với việc đồng USD sẽ tăng giá và qua đó gây áp lực lên vàng. Tuy nhiên, tín hiệu từ Fed cho thấy cơ quan này sẽ chỉ tăng lãi suất 25 điểm phần trăm, thay vì mức 50% như dự báo của thị trường trước đó.
Căng thẳng Nga-Ukraine được cho là còn kéo dài. Và giới đầu tư tiếp tục tìm đến vàng như một kênh trú bão an toàn.
Những lệnh trừng phạt của phương Tây lên Nga tiếp tục khiến thế giới rơi vào khó khăn. Giá cả hàng hóa và lạm phát leo thang. Giá dầu, khí, than và nhiều kim loại tăng vọt trong những phiên gần đây.
Giá dầu thế giới đã tăng lên mức cao nhất trong thập kỷ. Dầu WTI và Brent đều đã vượt ngưỡng 115 USD/thùng. Brent thậm chí đã lên ngưỡng 120 USD/thùng.
Vàng còn được dự báo tăng khi các tổ chức lớn đẩy mạnh mua vàng. SPDR Gold Trust, quỹ giao dịch vàng lớn nhất thế giới đã tăng dự trữ lên mức cao nhất kể từ giữa 2021: 1.042,38 tấn.
Trong tuần, Ngân hàng Trung ương Nga cũng cho biết, họ sẽ bắt đầu nối lại hoạt động mua vàng chính thức sau hai năm gián đoạn.
Giá nguyên liệu thô vẫn tăng mạnh làm gia tăng lo ngại lạm phát. Trong báo cáo lạm phát từ khu vực đồng Euro, chỉ số giá sản xuất tháng 1 của khu vực này đã tăng 30,6% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu do giá năng lượng tăng.
Bloomberg trong một nội dung đưa ra hôm 3/3 cũng cho biết với việc các thương nhân tiếp tục tránh nguồn cung dầu của Nga, OPEC+ không tăng hạn ngạch theo lịch trình vào ngày 2/3 và các cuộc đàm phán với Iran vẫn chưa được giải quyết đã khiến các thương nhân đang phải trả khoản phí bảo hiểm lớn nhất trong hơn hai năm để đặt cược vào giá cả ở mức cao hơn. Riêng các mặt hàng là nhôm, niken, kẽm và lúa mì vẫn tiếp tục tăng, đẩy Chỉ số giao ngay hàng hóa Bloomberg đạt mức tăng theo tuần lớn nhất kể từ năm 1960.
Sau phiên phát biểu tại Hạ viện Mỹ ngày 2/3 và ngày 3/3 Chủ tịch Fed Powell tiếp tục phát biểu trước các nhà lập pháp Mỹ báo hiệu việc tăng lãi suất cơ bản đồng USD 0,25% sẽ đến trong một vài tuần tới.
Phiên hôm nay 4/3 thị trường sẽ đón nhận báo cáo việc làm tháng Hai của Mỹ với số lượng biên chế chủ chốt trong lĩnh vực phi nông nghiệp dự kiến tăng 440.000 việc làm, sau khi tăng đã 467.000 việc làm vào tháng Giêng.
Nhận định xu hướng: Đêm qua, giá dầu thô Nymex tăng mạnh và giao dịch quanh 114 USD/thùng sau khi chạm mức cao nhất trong 13,5 năm là 116,57 USD phiên trước. Trong khi chỉ số đô la Mỹ tăng nhẹ, lợi tức rái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đã tăng nhẹ trở lại lên 1,854%.
Về mặt kỹ thuật, các nhà đầu cơ giá vàng kỳ hạn tháng 4 có lợi thế kỹ thuật tổng thể trong ngắn hạn và đà tăng vẫn duy trì trên biểu đồ ngày. Mục tiêu tăng giá tiếp theo là tạo ra giá đóng cửa trên mức kháng cự cũng chính là mức cao nhất trong tuần này là 1.976,50 USD/ounce. Mục tiêu giá giảm trong ngắn hạn tiếp theo là đẩy giá vàng xuống dưới mức hỗ trợ kỹ thuật vững chắc 1.850 USD/ounce.

Nguồn: Vinanet/VITIC