Giá vàng trong nước không đổi
Vào lúc 10h30 giá vàng SJC của Công ty vàng bạc đá quý Sài gòn SJC tại Hà Nội mua vào 56,50 triệu đồng/lượng - bán ra 57,07 triệu đồng/lượng (không đổi so với cuối giờ chiều hôm qua cả 2 chiều mua bán).
Tập đoàn PNJ - SJC niêm yết giá vàng SJC tại Hà Nội ở mức mua vào 56,45 triệu đồng/lượng - bán ra 57 triệu đồng/lượng (không đổi cả 2 chiều mua bán).
Giá vàng Phú Quý - SJC niêm yết tại Hà Nội ở mức mua vào 56,50 triệu đồng/lượng - bán ra 56,95 triệu đồng/lượng (không đổi cả 2 chiều mua bán)
Giá vàng SJC của công ty Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá mua vào 56,96 triệu đồng/lượng - bán ra 57,60 triệu đồng/lượng (không đổi cả 2 chiều mua bán).
Giá vàng thế giới 1.829– 1.830 USD/ounce
Giá vàng thế giới hôm nay giao dịch quanh ngưỡng 1.829 – 1.830 USD/ounce, tăng 13 - 14 USD/ounce so với sáng hôm qua.
Đêm 8/2 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới giao ngay đứng quanh ngưỡng 1.833 USD/ounce. Vàng giao tháng 4 trên sàn Comex New York ở mức 1.835 USD/ounce. Giá vàng thế giới đêm 8/2 cao hơn khoảng 20,5% (312 USD/ounce) so với đầu năm 2020. Vàng thế giới quy đổi theo giá USD ngân hàng có giá 51,9 triệu đồng/lượng, chưa tính thuế và phí, thấp hơn khoảng 5,1 triệu đồng/lượng so với giá vàng trong nước.
Giá vàng thế giới tiếp tục tăng mạnh chủ yếu do nhu cầu bắt đáy của nhà đầu tư và do đồng USD giảm nhanh sau khi Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen nhấn mạnh sự cần thiết của gói cứu trợ 1.900 tỷ USD. Theo đó, nếu gói kích thích kinh tế của Nhà Trắng được thông qua, thị trường lao động Mỹ sẽ được khôi phục. Bộ trưởng nhấn mạnh những hộ gia đình trung lưu gặp khó khăn cần được hỗ trợ và lưu ý rằng Chính quyền Tổng thống Joe Biden đang xem xét về rủi ro lạm phát do gói cứu trợ có thể gây ra. Các thông tin này tạo ra áp lực đối với đồng USD và qua đó kéo giá vàng đi lên.
Vàng tăng giá cũng do dầu tăng mạnh. Giá dầu Brent lên mức cao nhất trong một năm qua, tiến sát mốc 60 USD/thùng trong phiên 8/2 nhờ lực đẩy từ thỏa thuận cắt giảm sản lượng và những kỳ vọng về các biện pháp kích thích kinh tế của Mỹ.
Tại Nhật, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) khẳng định không thu hẹp quy mô nới lỏng tiền tệ trong giai đoạn hiện nay, mà đảm bảo tính linh hoạt của chính sách để BoJ có thể nhanh chóng ứng phó với các cú sốc đối với nền kinh tế trong tương lai.
Từ lâu, BoJ vẫn duy trì lãi suất ngắn hạn ở mức âm 0,1% và lãi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm ở mức khoảng 0%, với mục đích duy trì lãi suất ở mức thấp và ổn định để hỗ trợ cho nền kinh tế. Tuy nhiên, dịch Covid-19 đã khiến BoJ gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện mục tiêu nâng tỷ lệ lạm phát lên 2% mà ngân hàng trung ương này đã đặt ra từ năm 2013.
Chỉ số Nikkei 225 của Nhật trong phiên 8/2 lần đầu tiên trong lịch sử đã vượt ngưỡng 29.000 điểm.
Vàng được dự báo có triển vọng tích cực trong dài hạn do vẫn được hỗ trợ bởi chính sách tiền tệ và tài khóa siêu lỏng lẻo trên toàn cầu. Tuy nhiên, kim loại quý này cũng sẽ phải cạnh tranh với triển vọng lạm phát tăng và lợi suất trái phiếu tăng. Nhu cầu vàng có xu hướng tăng ở khu vực châu Á, nhất là tại Trung Quốc trong dịp Tết Nguyên đán.
Tuần qua, giá vàng thế giới giảm 2,6%, mức giảm mạnh nhất kể từ tuần kết thúc vào ngày 27/11/2020. Nhiều chuyên gia dự báo giá vàng sẽ khó tăng mạnh trong thời gian gần.
Hiện chỉ số đô la Mỹ giảm nhẹ sau khi chạm mức cao nhất trong 2 tháng vào cuối tuần trước. Đồng bạc xanh vẫn có xu hướng cao hơn và nhiều đồng tiền chủ chốt khác hiện đang trong xu hướng giảm giá ngắn hạn. Trong khi đó, giá dầu thô kỳ hạn trên sàn Nymex lại cao hơn, đạt mức cao nhất trong 13 tháng và đang giao dịch quanh mức 58 USD/thùng. Giá dầu Brent giao sau đã tăng lên trên mức 60 USD. Lợi tức trên trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm chuẩn ở mức 1,195%, đây được xem là mức cao sau đại dịch.