Giá vàng trong nước giảm
Vào lúc 10h giá vàng Doji niêm yết tại Hà Nội ở mức mua vào 66,40 triệu đồng/lượng - bán ra 67 triệu đồng/lượng (giảm 50.000 đồng/lượng so với cuối giờ chiều hôm qua ở cả 2 chiều mua bán).
Giá vàng Phú Quý - SJC niêm yết tại Hà Nội ở mức mua vào 66,50 triệu đồng/lượng - bán ra 67,10 triệu đồng/lượng (không đổi ở cả 2 chiều mua bán).
Giá vàng SJC của Công ty vàng bạc đá quý Sài gòn SJC tại Hà Nội mua vào 66,45 triệu đồng/lượng - bán ra 67,07 triệu đồng/lượng (giảm 50.000 đồng/lượng ở cả 2 chiều mua bán).
Giá vàng thế giới 1.956 – 1.960 USD/ounce
Trong phiên giao dịch sáng ngày 13/6, giá vàng giao ngay tăng 0,11% lên 1.960 USD/ounce vào lúc 6h37 (giờ Việt Nam), theo Kitco. Giá vàng giao tháng 8 cũng tăng 0,24% lên 1.974,25 USD.
Giá vàng giảm trong phiên giao dịch ngày 12/6 vì đồng USD và lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng, trong khi các nhà giao dịch chờ đợi báo cáo lạm phát của Mỹ và cuộc họp chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương lớn, với tâm điểm là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Đồng USD tăng khiến vàng trở nên đắt đỏ hơn đối với người mua ở nước ngoài, trong khi lợi tức trái phiếu chính phủ Mỹ cao hơn cũng làm cho vàng, vốn là tài sản không mang lãi suất, trở nên kém hấp dẫn hơn.
Tại thời điểm khảo sát, chỉ số USD Index, thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh so với các đồng tiền đối thủ trong rổ tiền tệ, tăng 0,06% lên 103,21.
Ông Bob Haberkorn, chiến lược gia thị trường cấp cao tại RJO Futures, cho biết diễn biến của thị trường vàng trong tuần này sẽ may rủi như việc tung đồng xu.
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 5 của Mỹ sẽ được công bố vào lúc 8h30 sáng (giờ địa phương) ngày 13/6, với chỉ số giá sản xuất sẽ được công bố vào sáng 14/6 trước quyết định lãi suất của Fed vào cuối ngày hôm đó. “Thực tế là nếu chúng ta ngừng tăng lãi suất, nó sẽ đẩy giá vàng lên khá cao bất chấp tuyên bố hiếu chiến của Fed", ông Haberkorn nói. Các thị trường đang đặt cược 76% khả năng Fed giữ nguyên lãi suất và 71% khả năng tăng lãi suất vào tháng 7, theo công cụ Fedwatch của CME.
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Nhật Bản (BOJ) sẽ lần lượt đưa ra các quyết định về lãi suất vào ngày 15/6 và ngày 16/6.
Nhà phân tích Rupert Rowling của Kinesis Money cho biết vàng đang giao dịch với giả định rằng lãi suất của Mỹ sẽ giữ nguyên ở mức hiện tại và bất kỳ quyết định nâng lãi suất nào cũng có khả năng khiến kim loại quý này lao dốc xuống mức 1.900 USD/ounce.
Trên các thị trường kim loại khác, giá bạc giảm 1,3% xuống 23,95 USD/ounce, trong khi giá bạch kim giảm 1,92% xuống mức thấp nhất trong hai tháng ở 989,67 USD.
Giá palladium, kim loại được sử dụng trong các thiết bị kiểm soát khí thải trên ô tô, tăng 1,4% lên 1.342,27 USD, sau khi chạm mức thấp nhất kể từ tháng 5/2019 vào cuối tuần trước, theo Reuters.
Nhà phân tích Jacob Smith của Metal Focus cho hay, palladium có thể tăng trở lại trên 1.500 USD trong quý IV năm nay nhờ sự cải thiện trong hoạt động sản xuất ô tô, tuy nhiên điều này đang chịu áp lực khi các nhà sản xuất ô tô giảm lượng hàng tồn kho.
Xu hướng giá vàng: Ông Lukman Otunuga, nhà phân tích nghiên cứu cấp cao tại FXTM cho biết: Giá các kim loại quý có thể thể hiện độ nhạy cảm với báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) mới nhất của Mỹ và có thể suy yếu nếu Fed tiếp tục tạm dừng chính sách diều hâu. Một đợt tăng giá bất ngờ có thể gây ra làn sóng bán tháo mạnh mẽ. Mặc dù các thị trường kỳ vọng Fed sẽ tạm dừng tăng lãi suất trong tuần này, nhưng việc tăng lãi suất bất ngờ từ Ngân hàng trung ương Canada và Ngân hàng Dự trữ Australia đã khiến các nhà đầu tư lo lắng.