Giá vàng trong nước giảm
Vào lúc 10h30, giá vàng Doji niêm yết tại Hà Nội ở mức mua vào 69,40 triệu đồng/lượng - bán ra 70,10 triệu đồng/lượng (giảm 100.000 đồng/lượng so với cuối giờ chiều hôm qua ở cả 2 chiều mua bán).
Giá vàng Phú Quý - SJC niêm yết tại Hà Nội ở mức mua vào 69,40 triệu đồng/lượng (giảm 100.000 đồng/lượng) - bán ra 70,10 triệu đồng/lượng (giảm 50.000 đồng/lượng).
Giá vàng SJC của Công ty vàng bạc đá quý Sài gòn SJC tại Hà Nội mua vào 69,50 triệu đồng/lượng - bán ra 70,22 triệu đồng/lượng (giảm 50.000 đồng/lượng cả 2 chiều mua bán).
Giá vàng thế giới 1.899 – 1.903 USD/ounce
Giá vàng thế giới ngày 26/4 giao dịch quanh ngưỡng 1.899 - 1.903 USD/ounce, giảm 26 - 31 USD/ounce so với hôm qua.
Giá vàng hôm nay tiếp tục lao dốc do triển vọng thắt chặt chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và đồng USD mạnh hơn đã làm giảm sức hút của kim loại quý.
Nhà phân tích Carsten Menke của Julius Baer cho biết: “Có vẻ như nỗi sợ hãi về việc tăng lãi suất đã chiếm ưu thế tuyệt đối. Với nhận định Fed sẽ tăng lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm tại cuộc họp vào tháng 5/2022, các nhà giao dịch trong phiên cuối tuần qua đã đặt cược rằng ngân hàng trung ương Mỹ sẽ còn tăng mạnh hơn nữa trong những tháng tiếp theo để chế ngự lạm phát tăng vọt”.
Rõ ràng, đồng USD mạnh chính là “khắc tinh” của giá vàng trong bối cảnh hiện nay. Vàng rất nhạy cảm với việc tăng lãi suất của Mỹ và lợi suất cao hơn, điều này làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng vốn không sinh lời, đồng thời thúc đẩy đồng USD mạnh hơn. Tuy nhiên, vàng vẫn được coi là một kho lưu trữ giá trị an toàn trong các cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị.
Nhà phân tích Menke nói thêm: “Trong 3 tháng tới, vàng sẽ vẫn giữ ở mức 1.850 USD/ounce. Giá kim loại quý này vẫn ở ngưỡng khá cao với vai trò là một tài sản trú ẩn an toàn”.
Chuyên gia của Julius Baer nói thêm: “Chúng tôi cho rằng áp lực lạm phát sắp giảm bớt và điều đó sẽ lấy đi một số nhu cầu trú ẩn an toàn mà chúng tôi đã thấy đối với vàng”. Trong khi đó, Rupert Rowling, nhà phân tích thị trường tại Kinesis Money, nhận định, những hành động “kếch xù” của Fed và triển vọng tăng trưởng giảm sút của nền kinh tế Trung Quốc (trong bối cảnh nước này tiếp tục thực hiện các đợt phong tỏa nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19), đang vượt quá sức hấp dẫn trung hạn của vàng và bạc. Do đó, giá kim loại quý như vàng, bạc giảm sâu.
Ngày càng có nhiều lo ngại về nhu cầu hàng hóa thô vì các ca mắc mới Covid-19 tại nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới không ngừng tăng mạnh. Giá vàng kỳ hạn tháng 6 giảm 35,90 USD xuống 1.898,00 USD/ounce.
Nếu Fed thực sự tăng lãi suất, động thái này có thể tiếp tục đẩy lợi suất trái phiếu và USD tăng cao hơn, khiến giá vàng chịu thêm sức ép trong ngắn hạn.
Theo các nhà phân tích, vàng vẫn sẽ hấp dẫn các nhà đầu tư. Nhà đầu tư có thể bị tác động tâm lý trong ngắn hạn bởi tuyên bố tăng lãi suất của Fed, do đó, giá vàng có thể sẽ còn điều chỉnh giảm trong ngắn hạn.
Mặc dù vậy, xung đột Nga-Ukraine vẫn còn diễn biến phức tạp, Mỹ và phương Tây có thể sẽ tiếp tục áp đặt thêm nhiều gói trừng phạt lên Moscow, bất ổn địa chính trị, kinh tế ngày càng phức tạp có thể là điều kiện nâng đỡ giá vàng.
Thị trường chứng khoán toàn cầu hầu hết đều giảm qua đêm, dẫn đầu là cổ phiếu Trung Quốc giảm mạnh nhất trong hai năm. Các chỉ số chứng khoán của Mỹ đang hướng về mức mở cửa thấp hơn khi phiên giao dịch ngày ở New York bắt đầu.
Ngày càng có nhiều lo lắng về thiệt hại kinh tế của chính sách “Không Covid-19” nghiêm ngặt của Trung Quốc. Đồng Nhân dân tệ của nước này giảm xuống mức thấp nhất so với USD kể từ cuối năm 2020.
Việc phong tỏa thành phố Thượng Hải và thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc sẽ tiếp tục phá vỡ chuỗi cung ứng toàn cầu vốn đã căng thẳng và có khả năng khiến lạm phát vốn đã có vấn đề sẽ tiếp tục tăng cao.