Vào thời điểm lúc 10h giá vàng SJC của Công ty vàng bạc đá quý Sài gòn SJC tại Hà Nội mua vào 56,85 triệu đồng/lượng - bán ra 57,42 triệu đồng/lượng (tăng 250.000 đồng/lượng so với cuối giờ chiều qua ở cả 2 chiều mua bán).
Tập đoàn PNJ - SJC niêm yết giá vàng SJC tại Hà Nội ở mức mua vào 56,85 triệu đồng/lượng (tăng 250.000 đồng/lượng) - bán ra 57,35 triệu đồng/lượng (tăng 200.000 đồng/lượng).
Giá vàng Phú Quý - SJC niêm yết tại Hà Nội ở mức mua vào 56,75 triệu đồng/lượng - bán ra 57,25 triệu đồng/lượng (tăng 50.000 đồng/lượng ở cả 2 chiều mua bán).
Giá vàng SJC của công ty Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá mua vào 56,88 triệu đồng/lượng (tăng 150.000 đồng/lượng) - bán ra 57,38 triệu đồng/lượng (tăng 200.000 đồng/lượng).
Giá vàng thế giới 1.944 - 1.952 USD/ounce
Giá vàng thế giới hôm nay giao dịch quanh ngưỡng 1.944 - 1.952 USD/ounce, tăng 1 - 7 USD/ounce so với sáng hôm qua.
Đêm 5/1 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới giao ngay đứng quanh ngưỡng 1.948 USD/ounce. Vàng giao tháng 2 trên sàn Comex New York ở mức 1.951 USD/ounce. Giá vàng thế giới đêm 5/1 cao hơn khoảng 28,1% (427 USD/ounce) so với đầu năm 2020. Vàng thế giới quy đổi theo giá USD ngân hàng có giá 55,2 triệu đồng/lượng, chưa tính thuế và phí, thấp hơn khoảng 2,0 triệu đồng/lượng so với giá vàng trong nước.
Giá vàng thế giới tiếp tục tăng trong bối cảnh đồng USD vẫn quanh đáy 2 năm rưỡi và thế giới chìm trong bất ổn. Trên thế giới, đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp. Sau khi nước Anh áp dụng lệnh phong tỏa trên diện rộng, Nhật Bản dự kiến sẽ ban bố tình trạng khẩn cấp với thủ đô Tokyo và 3 tỉnh lân cận là Saitama, Chiba và Kanagawa từ ngày 7/1 trong bối cảnh số ca nhiễm mới tăng mạnh.
Nền kinh tế Nhật Bản có thể sẽ suy thoái kép, hồi phục theo mô hình chữ W, nếu tình trạng khẩn cấp được ban bố, tiêu dùng cá nhân được dự bóa sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng và do vậy GDP của Nhật Bản sẽ suy giảm trong quý I/2021.
Vàng tăng giá còn do chứng khoán thế giới, trong đó có Mỹ có dấu hiệu đã cạn kiệt đà tăng. Bất ổn chính trị tại Mỹ cũng kéo mặt hàng kim loại quý đi lên. Căng thẳng Mỹ-Trung cũng là một yếu tố hỗ trợ đối với vàng. Theo Reuters, FTSE Russell vừa loại bỏ thêm 3 công ty Trung Quốc khỏi chuỗi chỉ số FTSE Global Equity Index Series sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra lệnh cấm các khoản đầu tư của Mỹ vào một số công ty Trung Quốc. Theo đó, China United Network Communications, Semiconductor Manufacturing International Corporation (SMIC) và Nanjing Panda Electronics sẽ bị xóa khỏi chuỗi chỉ số FTSE Global Equity Index Series của FTSE Russell cũng như chỉ số FTSE Global China A Inclusion Indexes từ ngày 7/1.
Trước đó, giới phân tích đều tỏ ra lạc quan về triển vọng kinh tế dài hạn trong năm nay. Tuy nhiên, diễn biến mới của đại dịch với sự xuất hiện biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 tại nhiều nước khiến nhiều người lo ngại. Các chương trình tiêm vaccine ngừa Covid vẫn chưa có tác động đủ lớn.
Tại Mỹ, số ca nhiễm mới lên tới gần 280 nghìn người/ngày, số ca tử vong đã vượt ngưỡng 300 nghìn người. Nước Anh đối mặt với tình trạng quá tải tại tất cả các bệnh viện. Những thiệt hại kinh tế do đại dịch dự kiến sẽ rất lớn.
Thị trường kim loại hiện đang được hỗ trợ từ sự mất giá nghiêm trọng của đồng đô la Mỹ trên thị trường ngoại hối khi chỉ số đô la đạt mức thấp nhất trong 2,5 năm trong phiên giao dịch ngày 4/1/2021. Bóng ma về lạm phát đang gia tăng và có thể trở thành có vấn đề lớn trong thời gian tới. Về mặt kỹ thuật, xu hướng tăng giá đang chiếm lợi thế kỹ thuật tổng thể trong ngắn hạn và được củng cố trên biểu đồ ngày.
Mục tiêu tăng giá tiếp theo là tạo ra giá đóng cửa mức kháng cự vững chắc ở mức cao nhất của tháng 11 là 1.973,3 USD/ounce. Ngược lại, mục tiêu giá giảm trong ngắn hạn tiếp theo là đẩy giá kim loại màu xuống dưới mức hỗ trợ kỹ thuật vững chắc 1.900 USD/ounce.
Một trong những yếu tố thúc đẩy giới đầu tư đưa vốn vào vàng là nước Anh phong tỏa trên toàn quốc trong 6 tuần nhằm ngăn chặn mức độ lây lan Covid-19, đồng thời các trường học tại quốc gia này tiếp tục đóng cửa đến ngày 15/2. Mặt khác, không ít nhà đầu tư lo sợ biến thể mới của Covid-19 có thể bùng phát trên diện rộng, kìm hãm đà phục hồi kinh tế toàn cầu.
Thị trường bên ngoài quan trọng khác cho thấy giá dầu thô Nymex giao tháng 2 cao hơn một cách vững chắc và giao dịch quanh mức 49,75 USD/thùng, rất gần mức cao nhất trong chín tháng được công bố hôm 4/1/2021.
Lợi suất của hợp đồng trái phiếu kho bạc Hoa Kỳ kỳ hạn 10 năm chuẩn hiện là khoảng 0,95%.
Vàng được dự báo sẽ tiếp tục đà tăng trong dài hạn vì nhiều yếu tố, đó là sự suy giảm của đồng USD, sự bất ổn địa chính trị tại nhiều khu vực và sự khó lường của đại dịch Covid.
Edward Moya - nhà phân tích thị trường tại Công ty Giao dịch ngoại hối Oanda (Mỹ) nhận định thị trường vàng 2021 tiếp tục khởi sắc, nhờ có thêm nhiều gói kích thích kinh tế và rủi ro lạm phát . "Covid-19 đã gây ra vết sẹo kinh tế to lớn cho Mỹ và những gì chúng ta có thể nhìn thấy là các gói kích thích tài chính tiếp tục bổ sung trong nửa đầu năm 2021, đồng nghĩa USD sẽ còn trượt giá nhiều hơn nữa, có lợi cho giá vàng. Bóng ma lạm phát sẽ là mối quan tâm lớn trên thị trường. Nhiều người sẽ tìm kiếm các biện pháp phòng ngừa lạm phát và vàng là một công cụ cho điều đó"- ông Edward Moya bình luận.
Ngân hàng Goldman Sachs gần đây giữ nguyên triển vọng tăng giá của vàng cho năm mới, đặt mục tiêu giá kim loại quý này ở mức 2.300 USD/ounce.