Trên thị trường thép châu Âu, việc giá khí đốt tăng đang có tác động trực tiếp tới hoạt động của các nhà máy thép ở đây cũng như sản lượng thép.
Nhà máy thép Aperam ở phía Đông nước Bỉ mới vừa phải đưa ra quyết định là ngừng sản xuất thép, do không thể trang trải chi phí năng lượng để vận hành nhà máy.
Mặc dù Aperam có 4 tuabin gió, và 50 nghìn tấm pin năng lượng mặt trời, nhưng chi phí khí đốt tăng cao những tháng gần đây vẫn khiến nhà máy này phải lao đao. Chi phí cho năng lượng cho 1 tháng bây giờ bằng với cả năm so với hồi trước. Thậm chí, một cơ sở chuyên nung chảy thép với khoảng 300 công nhân đã phải đóng cửa.
Ông Bernard Hallemans, Giám đốc khu vực châu Âu của nhà máy thép Aperam, cho biết: "Từ đầu mùa hè này chúng tôi đã bắt đầu phải dừng phần nào các hoạt động sản xuất. Tại châu Âu, chúng tôi đang phải đối mặt với tình trạng dư thừa nguyên vật liệu. Giá năng lượng quá cao cũng khiến sản lượng bị giảm từ 30 đến 50%".
Nga cắt khí đốt tới châu Âu, khiến giá năng lượng tăng vọt mà năng lượng lại rất cần cho việc vận hành các nhà máy thép của EU.
Trong khi đó, châu Âu đang tăng cường nhập khẩu thép từ châu Á. Năm 2021 mức nhập khẩu chỉ khoảng 25%, nhưng năm nay có thể lên tới 40%.
Ông Bernard Hallemans cho biết thêm: "Nếu tình hình này kéo dài nhiều năm, những ngành sản xuất của châu Âu như thép chẳng hạn sẽ bị tê liệt hoàn toàn. Thậm chí, châu Âu sẽ phụ thuộc vào nhập khẩu kim loại từ bên ngoài. Đây là điều không mong muốn".
Theo McKinsey, năm ngoái ngành thép đóng góp hơn 80 tỷ USD cho kinh tế châu Âu, và có hơn 330 nghìn lao động. Mặc dù Uỷ ban châu Âu EC đang nỗ lực bảo vệ ngành này nhưng có một thực tế là giá năng lượng bây giờ cao tới mức kể cả nhập khẩu cộng thêm thuế bảo hộ vào thì vẫn rẻ hơn là tự sản xuất.
Một số cái tên gạo cội trong ngành thép đã bắt đầu thu hẹp sản xuất để tránh tổn thất. Có thể kể đến như Thyssen Krup hay Arcelor Mittal, nhà sản xuất thép lớn thứ 2 thế giới. Với việc các nhà máy nối gót nhau dừng sản xuất, châu Âu đang đối mặt với một mùa đông đóng băng theo nghĩa đen.