Sản xuất, tiêu thụ đã tăng trở lại

Theo Hiệp hội Thép thế giới, nhu cầu thép dự kiến sẽ phục hồi 1% so với cùng kỳ lên 1,8 tỷ tấn vào năm 2023. Trong đó, khu vực ASEAN sẽ dẫn đầu tăng trưởng về tiêu thụ thép nhờ định hướng đầu tư mạnh mẽ cho cơ sở hạ tầng. Ngoài ra, nguồn cung thép thị trường châu Âu trong năm 2023 được dự báo tiếp tục thiếu hụt do giá năng lượng cao.

Theo báo cáo mới nhất vừa được Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) công bố, trong tháng 2/2023, tình hình sản xuất, tiêu thụ thép tuy chưa khởi sắc so với cùng kỳ nhưng đã tăng trở lại so với tháng 1. Cụ thể, sản xuất thép thành phẩm đạt 2,35 triệu tấn, tăng 21,91% so với tháng 1 năm 2023; bán hàng thép các loại đạt 2,08 triệu tấn, tăng 18,13% so với tháng trước.
Song song đó, thị trường thép được dự báo phục hồi mạnh trong quý 3 và 4/2023 nhờ các yếu tố về tăng cường đầu tư công, gói vay tín dụng cho các dự án nhà ở xã hội và tình hình kinh tế Việt Nam tích cực hơn so với mặt bằng chung thế giới.
Chia sẻ về triển vọng thị trường thép Việt Nam, ông Đoàn Danh Tuấn, Phó Chủ tịch VSA, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH TM Thép Toàn Thắng cho biết, Quốc hội đã thông qua gói hỗ trợ phục hồi kinh tế trị giá 350.000 tỷ đồng cho giai đoạn 2022 – 2023. Trong đó dành 113.840 tỷ đồng cho phát triển hạ tầng, tập trung vào các dự án trọng điểm như cao tốc Bắc – Nam, sân bay Long Thành, các cảng Logistics lớn. Điều này kéo theo nhu cầu tiêu thụ thép tăng cao. Ngoài ra, trong tháng 2, Chính phủ đã phê duyệt gói tín dụng 120.000 tỷ đồng nhằm phát triển các dự án nhà ở xã hội. Những yếu tố này dẫn tới tiêu thụ thép trong quý 3 và 4 năm nay có thể tăng trưởng mạnh.
Về dài hạn, ông Tuấn cho cho rằng nhu cầu thép của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng. Hiện mức tiêu thụ khoảng 240 kg/đầu người và sẽ tăng lên 290 kg/đầu người vào năm 2030. Nhu cầu thép sẽ tập trung nhiều vào hợp kim hoặc thép chất lượng cao.
Bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc khối phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán VNDirect cho biết, thời gian qua có nhiều tín hiệu tích cực cho ngành thép như nguồn cung thép thế giới tăng trở lại sau nhiều quý giảm, biên lợi nhuận của ngành thép Trung Quốc có xu hướng tạo đáy, hàng tồn kho giá cao của các doanh nghiệp thép giảm mạnh vào cuối quý 4/2022. Có thể nói, thời điểm khó khăn của ngành thép cơ bản đã qua.
Kỳ vọng tương lai sáng
Về phía doanh nghiệp, Tập đoàn Hòa Phát cho biết, năm 2022 là một năm đầy khó khăn với ngành thép. Chiến sự Nga – Ukraine, kết hợp với suy thoái hậu Covid-19 cùng lạm phát tăng vọt và chính sách tiền tệ thắt chặt đã kéo lùi mức tăng trưởng của toàn ngành trong 3 quý cuối năm 2022. Dù vậy, sang năm 2023, Hòa Phát nhận định điểm tích cực là lạm phát đã có dấu hiệu đạt đỉnh, tỷ giá được kiểm soát tốt hơn, không còn thời kỳ “ngủ đông”, bi quan như giai đoạn cuối năm 2022. Tập đoàn Hòa Phát nhận thấy, ngành thép đã trải qua giai đoạn khó khăn nhất và đang trên đà hồi phục.
Tuy nhiên, Hòa Phát đã và đang theo dõi sát diễn biến thị trường để điều chỉnh hoạt động sản xuất kinh doanh một cách linh hoạt, đảm bảo việc làm cho người lao động. Đồng thời, cố gắng đầu tư, tìm kiếm đơn hàng mới để phục hồi kết quả kinh doanh. Đơn cử, ngay đầu năm 2023, Hòa Phát ghi nhận nhiều đơn hàng xuất khẩu tới các thị trường khu vực châu Mỹ, châu Á và châu Úc… Sản lượng xuất khẩu thép (thép thanh, thép cuộn xây dựng, thép cuộn chất lượng cao) trong tháng 1/2023 đạt 46.000 tấn.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên tổ chức ngày 10/3 vừa qua, ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập Đoàn Hoa Sen cho biết thời điểm xấu nhất ngành thép đã qua đi, công ty đã hết tồn kho giá cao và chỉ còn tồn kho thấp. Bắt đầu từ tháng 2/2023, doanh nghiệp đã bắt đầu có lãi trở lại, khoảng 50 tỷ đồng và tháng 3/2023 dự kiến lãi trăm tỷ. Hiện hàng tồn kho của Hoa Sen đủ dùng đến tháng 5/2023, giá thép thấp mà Hoa Sen mua trong năm ngoái là 510 USD/tấn và tồn kho trung bình khoảng 630 USD/tấn. Trong khi đó, hiện tại giá thép cán nóng (HRC) của Formosa đã lên tới 680 USD/tấn và đơn hàng từ Trung Quốc cũng trên dưới 700 USD/tấn. Chính vì vậy, Hoa Sen sẽ có lãi tốt trong những tháng tới để bù lỗ trong 4 tháng đầu niên độ tài chính 2022-2023.
Chia sẻ tại hội thảo trực tuyến “Triển vọng thị trường thép Trung Quốc - Việt Nam” diễn ra mới đây, ông Luan Shorden, Phó Tổng giám đốc SUMEC cho biết, Việt Nam có tiềm năng xuất khẩu lớn đối với thị trường Trung Quốc do còn room cho việc tăng công suất thép thô trong tương lai, cùng với điều kiện chi phí xuất khẩu thuận lợi nhờ đáp ứng tốt yếu tố rẻ và nhanh nhờ khoảng cách địa lý giữa 2 nước. Về dài hạn, theo ông Luan Shorden, Việt Nam sẽ nâng cao vai trò cung cấp phôi cho Trung Quốc. Cụ thể, Việt Nam đã có thể xuất khẩu phôi thép liên tục và ổn định sang Đông Nam Á khi giá cả thuận lợi. Nguyên liệu phù hợp và việc vận chuyển nhanh hơn giúp phôi Việt Nam dễ dàng xuất khẩu sang Trung Quốc. Như vậy, việc tiếp tục bổ sung công suất thép thô sẽ duy trì hoạt động thương mại này.

Nguồn: Haiquanonline