Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, hãng xếp hạng tín nhiệm S&P Global (Mỹ) ngày 12/1 đánh giá các ngân hàng thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) sẽ được hưởng lợi từ sự phục hồi kinh tế khu vực năm nay trong bối cảnh giá dầu cao hơn, hiệu ứng từ các khoản chi hỗ trợ của chính phủ và bình thường hóa hoạt động phi dầu mỏ.
Theo báo cáo của S&P Global, các chỉ số chất lượng tài sản của các ngân hàng khu vực chỉ sụt giảm nhẹ nhờ hiệu quả từ các biện pháp quản lý giúp khu vực doanh nghiệp đối phó với những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19.
Trên bình diện chung, Bahrain và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) là hai nền thành viên GCC dự báo sẽ có Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) danh nghĩa vào cuối năm nay thấp hơn một chút so với năm 2019, do đóng góp của lĩnh vực bất động sản đối với nền kinh tế bị thu hẹp.
Tuy nhiên, tăng trưởng cho vay tại UAE có thể sẽ phục hồi khi niềm tin kinh tế được cải thiện.
S&P Global dự báo giá dầu Brent sẽ ở mức trung bình 65 USD/thùng trong năm nay, trong khi tỷ lệ nợ xấu trong vòng 12-24 tháng tới sẽ không tăng vượt ngưỡng 5%.
Báo cáo của S&P Global nhận định các ngân hàng GCC sẽ hưởng lợi từ chính sách tăng lãi suất của Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) năm 2022, khi đồng nội tệ của các nền kinh tế khu vực neo tỷ giá theo đồng USD.
Tuy nhiên, nguồn tài trợ bên ngoài có thể trở nên khan hiếm và đắt đỏ hơn, đồng thời các chỉ số chất lượng tài sản có thể bị ảnh hưởng trong trường hợp lãi suất tăng nhanh hơn dự kiến.
Trong số các nền kinh tế GCC, Qatar sẽ dễ bị tổn thương hơn do có các khoản nợ nước ngoài lớn và vẫn đang mở rộng.
Tuy nhiên, về cơ bản, nguồn vốn hóa mạnh mẽ và sự hỗ trợ của chính phủ sẽ tiếp tục củng cố vị thế tín dụng của các ngân hàng trong khu vực.
CC gồm 6 thành viên Bahrain, Kuwait, Oman, Qatar, Saudi Arabia và UAE./.