3 nhóm hàng xuất khẩu tăng tỷ đô
Dù không đạt hoặc vượt được con số kỷ lục hơn 730 tỷ USD của năm 2022, nhưng kết quả xuất nhập khẩu năm qua vẫn có những điểm nhấn ấn tượng.
Trước tiên không thể không nhắc đến 3 nhóm hàng xuất khẩu có kim ngạch tăng trưởng từ 1 tỷ USD trở lên gồm: rau quả; gạo; phương tiện vận tải và phụ tùng.
Đối với rau quả, năm 2023, xuất khẩu nhóm hàng này đạt con số kỷ lục 5,6 tỷ USD, tăng tới 66,7% (tương ứng tăng 2,24 tỷ USD) so với năm trước. Tạo ra sự tăng trưởng đột biến này là nhờ sự bứt phá của xuất khẩu quả sầu riêng. Năm ngoái, xuất khẩu sầu riêng thu về 2,1 tỷ USD, tăng tới 1,82 tỷ USD so với năm trước và chiếm 37,5% kim ngạch xuất khẩu ra quả của cả nước. Sầu riêng của Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc với kim ngạch năm ngoái đạt 2,03 tỷ USD, chiếm 99,4% tổng kim ngạch xuất khẩu loại trái cây này của cả nước.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, xuất khẩu gạo cũng ghi đậm dấu ấn với lượng xuất khẩu 8,1 triệu tấn, kim ngạch đạt 4,68 tỷ USD, tăng 14,4% về lượng và tăng 35,3% về kim ngạch so với năm trước (tương ứng tăng 1,22 tỷ USD). Năm 2023 cũng được xem là năm có kim ngạch xuất khẩu gạo lớn nhất từ trước đến nay.
Năm 2023, ASEAN là thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam, chiếm tới 61% trong tổng lượng gạo xuất khẩu của cả nước với 4,9 triệu tấn, tăng 24% so với năm trước. Trong khối ASEAN, Philippines và Indonesia là 2 thị trường nhập khẩu gạo nhiều nhất từ Việt Nam.
Ngoài ra, gạo Việt Nam còn được xuất khẩu sang các thị trường quan trọng khác như: Trung Quốc đạt 917 nghìn tấn, tăng 8%; Ghana đạt 587 nghìn tấn, tăng 32,9% so với năm trước…
Phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 14,16 tỷ USD, tăng 18,1% (tương ứng tăng 2,17 tỷ USD) so với năm trước. Xuất khẩu phương tiện vận tải và phụ tùng sang các thị trường chủ lực như: Nhật Bản đạt 2,94 tỷ USD, tăng 16,1%; Hoa Kỳ đạt 2,88 tỷ USD, tăng 11,5%; Hàn Quốc đạt 1,25 tỷ USD, tăng 53,5%...
Một điểm sáng khác về xuất khẩu là việc duy trì được tăng trưởng dương ở một số thị trường quan trọng, nhất là thị trường Trung Quốc. Năm ngoái, xuất khẩu sang Trung Quốc đạt hơn 60,7 tỷ USD, tăng 5,3% so với năm 2022 và chiếm 17,1% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của nước.
Về hoạt động xuất khẩu của cả nước nói chung, năm 2023 đạt kim ngạch 354,67 tỷ USD, giảm 4,6% (tương ứng giảm 17,04 tỷ USD) so với năm trước.
42 nhóm hàng nhập khẩu có kim ngạch giảm
Chiều ngược lại, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam năm 2023 đạt 326,37 tỷ USD, giảm 9,2% (tương ứng giảm 33,20 tỷ USD) so với năm 2022.
Năm 2023, có tới 42/53 nhóm hàng chủ lực giảm so với năm trước. Trong đó, giảm mạnh nhất là điện thoại các loại và linh kiện khi chỉ đạt 8,75 tỷ USD, giảm tới 12,38 tỷ USD (tương ứng giảm 58,5%).
Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu điện thoại và linh kiện lớn nhất với 7,29 tỷ USD, những vẫn giảm 9,5% so với năm 2022. Các thị trường nhập khẩu lớn khác như: Hàn Quốc đạt gần 524 triệu USD, giảm 95,4%; Ấn Độ đạt 74 triệu USD, tăng 8 lần...
Các nhóm hàng khác có kim giảm tỷ đô như: Máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng giảm 3,56 tỷ USD; linh kiện, phụ tùng ô tô giảm 1,73 tỷ USD; vải các loại giảm 1,69 tỷ USD.
Nhóm hàng nhập khẩu lớn nhầ và cũng là nhóm hiếm hoi tăng trưởng dương là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện. Năm ngoái, kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này đạt 87,96 tỷ USD, tăng 6,1 tỷ USD so với năm 2022.
Các đối tác chính cung cấp nhóm hàng này cho Việt Nam là: Hàn Quốc đạt 28,75 tỷ USD, tăng 23,9% (tương ứng tăng 5,56 tỷ USD); Trung Quốc đạt 23,41 tỷ USD, giảm 2,7% (tương ứng giảm 652 triệu USD); thị trường Đài Loan (Trung Quốc) đạt 10,18 tỷ USD, giảm 8% (tương ứng giảm 886 triệu USD)…

Nguồn: Haiquanonline