Theo dự báo của Trung tâm Khoa học Dự báo (CEFS) thuộc Viện Khoa học Trung Quốc, GDP năm 2022 sẽ duy trì mức tăng trưởng ổn định sau khi phục hồi lên mức tăng trưởng ước tính 8,2% trong năm 2021.
Ông Bao Qin, trợ lý giám đốc CEFS cho biết tốc độ tăng trưởng GDP của Trung Quốc dự kiến đạt khoảng 5,2% trong quý 1/2022, tiếp đến quý 2 và quý 3 lần lượt đạt 5,5% và 5,6%. GDP quý 4 có khả năng tăng 5,7%. Tiêu dùng trong nước năm 2022 dự kiến sẽ duy trì tăng trưởng bền vững, với tốc độ tăng trưởng hàng năm từ 5,4% đến 7%, vẫn sẽ là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế.
Ông Bao cho biết tiêu dùng nội địa sẽ dần phục hồi do nền kinh tế phục hồi tốt, năng suất sản xuất trong nước được cải thiện, hoạt động doanh nghiệp không ngừng phát triển, tiêu thụ hàng hóa phục hồi hơn nữa và các biện pháp hữu hiệu của Chính phủ nhằm thúc đẩy tiêu dùng.
Theo dự báo, tốc độ tăng trưởng của đầu tư tài sản cố định (trừ hộ gia đình nông thôn) năm 2022 dự kiến đạt 5% đến 6%.
Dự báo, kim ngạch xuất nhập khẩu của Trung Quốc năm 2022 có khả năng tăng hơn 6% so với năm 2021, đạt 6,41 nghìn tỷ USD, trong đó xuất khẩu và nhập khẩu lần lượt tăng gần 7% và hơn 5%.
CEFS cảnh báo nguy cơ tăng giá ngoài mong đợi vẫn còn, ước tính chỉ số giá sản xuất và chỉ số giá tiêu dùng sẽ lần lượt tăng khoảng 4,3% và khoảng 2% trong năm 2022.
Trích dẫn thông tin từ Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương được tổ chức vào tháng 12/2021, Ông Zhu Baoliang, giám đốc Trung tâm Thông tin Nhà nước nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kết hợp các biện pháp điều chỉnh thường xuyên và không thường xuyên để ổn định nền kinh tế tổng thể trong năm nay, chúng sẽ giúp ổn định nhu cầu trong ngắn hạn và giải quyết các vấn đề lâu dài.
Ông Wang Tongsan, viện sĩ của Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc gợi ý rằng chính phủ nên đưa ra các chính sách chi tiết hơn để mở rộng đầu tư. Ông Wang nói: Mặc dù Chính phủ đã đưa ra một loạt chính sách để thúc đẩy tiêu dùng, nhưng các chính sách mở rộng đầu tư lại không chi tiết, đầy đủ và toàn diện như các chính sách về tiêu dùng. Để mở rộng hơn nữa nhu cầu trong nước, cần phải nỗ lực nhiều hơn để tăng cường cân bằng giữa đầu tư và tiêu dùng
Theo Báo cáo Triển vọng Kinh tế Toàn cầu mới nhất của Ngân hàng Thế giới, tăng trưởng toàn cầu năm 2022 dự kiến sẽ giảm mạnh xuống 4,1%, sau khi ước tính tăng 5,5% trong năm 2021, do sự bùng phát dịch COVID-19 vẫn tiếp tục, khó khăn về tài chính và tắc nghẽn nguồn cung kéo dài.
Ngân hàng Thế giới lưu ý rằng các rủi ro tiêu cực đang làm ảnh hưởng đến triển vọng kinh tế, gồm sự gián đoạn kinh tế do biến chủng Omicron, tiếp tục tắc nghẽn nguồn cung, lo ngại lạm phát, căng thẳng tài chính, thiên tai khí hậu và sự suy yếu của các động lực tăng trưởng dài hạn. Để đối phó với những khó khăn trên, ông Louis Kuijs, trưởng bộ phận kinh tế châu Á của Oxford Economics cho rằng các chính sách kinh tế vĩ mô của Trung Quốc sẽ nới lỏng hơn.
 

Nguồn: Vinanet/VITIC/chinadaily