Vào đầu tháng 3 vừa qua, Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc đã ra phán quyết phế truất cựu Tổng thống Park Geun - Hye. Bà sẽ phải rời nhiệm sở ngay lập tức và Hàn Quốc sẽ tổ chức bầu cử trong 60 ngày tới để tìm người thay thế. Có thể nói, sự kiện bê bối chính trị này diễn ra kể từ năm 2016 đã tạo ra những tác động quan trọng khiến kinh tế Hàn Quốc ngập chìm trong khó khăn.
Giới quan sát chỉ ra rằng, nền kinh tế Hàn Quốc đã phải chịu đựng cuộc khủng hoảng trong một thời gian dài, do thiếu vắng lãnh đạo để đưa ra những chính sách quan trọng về kinh tế. Trong đó, các doanh nghiệp đã buộc phải hoãn kế hoạch đầu tư cho năm mới, bên cạnh đó, nhiều hộ gia đình tỏ ra lo ngại đối với vấn đề chi tiêu.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế tính theo quý của Hàn Quốc đã có sự sụt giảm liên tục qua các quý của năm 2016 với tốc độ tăng trưởng của quý IV/2016 chỉ ở mức 0,4% - mức thấp nhất trong vòng một năm rưỡi qua, kể từ sau quý II/2015, thời điểm kinh tế Hàn Quốc chịu cú sốc từ sự bùng phát dịch Hội chứng viêm đường hô hấp cấp vùng Trung Đông (MERS).
Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc phân tích tình trạng này là do ảnh hưởng lớn từ việc tiêu dùng khối tư nhân, vốn chiếm khoảng một nửa GDP, bị sụt giảm. Vào quý IV năm ngoái, tiêu dùng tư nhân chỉ tăng 0,2% do tâm lý tiêu dùng giảm trong bối cảnh các yếu tố bất ổn cả ở trong và ngoài nước liên tiếp gia tăng, với vụ bê bối Choi Soon-sil và ảnh hưởng từ quá trình thực thi Luật Nghiêm cấm hành vi yêu cầu hối lộ và ngăn ngừa xung đột quyền lợi của công chức Nhà nước. Mức tăng tiêu dùng trong quý II và quý III năm ngoái cũng chỉ dừng ở mức 1% và 0,5%.
Ngoài ra, tăng trưởng ở lĩnh vực xây dựng cũng đang trong tình trạng đóng băng. Sau khi đạt mức tăng trưởng ở ngưỡng 3% tới hết quý III năm ngoái, đầu tư xây dựng, vốn là yếu tố kéo sự hồi phục của nền kinh tế trong nhiều năm qua, đã giảm 1,7% trong quý IV.
Bên cạnh sự yếu kém của sức cầu và hoạt động sản xuất nội địa, một vấn đề khẩn cấp mà chính phủ Hàn Quốc phải sớm giải quyết là chính sách thương mại liên quan tới Trung Quốc và Mỹ - những đối tác thương mại lớn nhất của Hàn Quốc. Những hành động “trả đũa” của Trung Quốc gần đây đã “giáng một đòn mạnh” vào kinh tế Hàn Quốc bởi thị trường Trung Quốc chiếm 25% toàn bộ mặt hàng xuất khẩu của nước này trong năm 2016.
Sự kiện bê bối chính trị tại Hàn Quốc còn kéo theo nhiều tập đoàn tên tuổi của Hàn Quốc, những cột trụ của kinh tế nước này - từ Samsung đến Hyundai, từ LG đến Lotte hay công ty vận tải đường biển Hanjin - vào một cuộc khủng hoảng. Điều này cho thấy mô hình phát triển của kinh tế Hàn Quốc thời gian qua dựa trên sự cấu kết giữa Nhà nước và các đại tập đoàn – Chaebol đã không còn phù hợp và đòi hỏi Hàn Quốc phải tìm kiếm một mô hình phát triển mới cho tương lai.
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc (KCCI) Park Yong-man trong cuộc gặp với các nhà lãnh đạo của 4 chính đảng lớn của Hàn Quốc tổ chức tại trụ sở của Quốc hội nước này ở thủ đô Seoul ngày 23/3 vừa qua nhận định, nền kinh tế Hàn Quốc vẫn chưa tạo được đà phục hồi sớm mặc dù kinh tế toàn cầu đang có những dấu hiệu tăng trưởng.
Chủ tịch KCCI còn cảnh báo rằng mặc dù tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ tư châu Á này hiện nay được duy trì ở mức 2% nhưng chỉ số này hoàn toàn có thể rơi xuống 0% nếu giới chức Hàn Quốc không thực hiện những cải cách sâu rộng về mặt cấu trúc kinh tế.
Các nhà kinh tế học cũng không mấy lạc quan về triển vọng của Hàn Quốc năm 2017. Theo Capital Economics, nền kinh tế Hàn Quốc khó có thể bật lên được do tăng trưởng có thể bị ghìm lại bởi nợ công cao, ngành vận tải biển vẫn đang tái cấu trúc và nhiều yếu tố bất lợi từ bên ngoài.
Để giải quyết tình trạng trì trệ của kinh tế, định hướng các chính sách kinh tế năm 2017 của chính phủ Hàn Quốc sẽ tập trung vào giải quyết các rủi ro đang phát và đảm bảo rằng tầng lớp lao động làm thuê sẽ không bị tác động nhiều từ những diễn biến bất lợi của nền kinh tế; đồng thời thực hiện các giải pháp tái cơ cấu mạnh mẽ nhằm tìm lại động lực cho tăng trưởng.
Cụ thể, trong năm 2017, ngân sách Hàn Quốc sẽ dành hơn 20 nghìn tỷ won để thúc đẩy kinh tế, trong đó 13 nghìn tỷ won sẽ được bơm ra vào quý đầu tiên của năm để chặn đứng tình trạng kinh tế suy giảm và hỗ trợ tạo việc làm. Ngoài ra, Hàn Quốc sẽ dành 187 nghìn tỷ won thực hiện hoạt động tài trợ chính sách, tăng 8 nghìn tỷ won so với năm 2016, thông qua các tổ chức tài chính nhà nước, 1,25% trong số đó sẽ được chi tiêu trong quý đầu tiên.
Ngoài ra, để triển khai các biện pháp tái cơ cấu, ngay từ năm 2017, chính phủ Hàn Quốc sẽ tiến hành những bước chuẩn bị cho cuộc cách mạng công nghiệp thứ tư bằng cách đổi mới cơ sở hạ tầng, công nghệ và các ngành công nghiệp. Hiện Chính phủ đã thành lập một Ủy ban Chiến lược về đổi mới công nghệ, do Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế kiêm Bộ trưởng Kế hoạch và Tài chính đứng đầu, với sự tham gia của bộ trưởng các bộ liên quan và các chuyên gia dân sự.
Chính phủ đặt mục tiêu hoàn thành lộ trình nghiên cứu và phát triển các công nghệ chủ chốt trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư như trí tuệ nhân tạo, mạng internet IoT, dữ liệu lớn, và công nghệ điện toán đám mây,… để làm cơ sở cho việc phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao trong thời gian tới. Đây sẽ được coi là những ngành công nghiệp chủ chốt của tương lai thay thế cho các mô hình Chaebol già cỗi đang ngập sâu vào khủng hoảng.
 Nguồn: Minh Đức/thoibaonganhang.vn