CPI lõi trên toàn quốc, không bao gồm chi phí thực phẩm tươi sống, đã tăng 2,9% so với cùng kỳ trong tháng 10/2023, thấp hơn so với mức 3,0% mà các nhà kinh tế dự đoán trong cuộc thăm dò của Reuters.
Lạm phát cơ bản đã giảm xuống 2,8% trong tháng 09/2023 từ mức 3,1% trong tháng 08/2023, lần đầu tiên ở mức dưới 3% kể từ tháng 08/2022.
Tỷ lệ lạm phát đã “lơ lửng” trên mục tiêu 2% của ngân hàng trung ương trong 19 tháng liên tiếp, nhưng BOJ khẳng định áp lực chi phí chủ yếu là do giá hàng hóa toàn cầu cao hơn và đồng yên yếu hơn, không phải là dấu hiệu tăng giá bền vững do nhu cầu trong nước mạnh hơn và tăng lương.
Yoshimasa Maruyama, chuyên gia kinh tế tại Công ty Chứng khoán SMBC Nikko, cho biết: “Tôi kỳ vọng ngân hàng trung ương sẽ chấm dứt lãi suất âm và loại bỏ kiểm soát đường cong lợi suất sớm nhất là vào tháng 04/2024, khi họ thấy kết quả của các cuộc đàm phán về tiền lương và động thái các công ty hướng tới việc chuyển chi phí vào giá bán sản phẩm, dịch vụ”.
Ở một thước đo khác, CPI loại bỏ chi phí nhiên liệu và thực phẩm tươi sống, đã tăng 4,0% trong năm tính đến tháng 10/2023, chậm lại so với mức tăng 4,2% trong tháng 09/2023 nhưng vẫn ở mức trên 4,0% trong tháng thứ bảy liên tiếp.Nhiều nhà phân tích nhận thấy chính sách kiểm soát lợi suất đã trở nên lỗi thời vì BOJ đã đặt ra mục tiêu lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm ngày càng linh hoạt hơn, đưa lợi suất JGB tiến gần hơn tới 1%.
Với áp lực lạm phát dường như “cứng đầu” hơn dự kiến, ngày càng có nhiều đồn đoán rằng BOJ có thể sớm phải từ bỏ chính sách lãi suất âm cũng như kiểm soát đường cong lợi suất, vốn đặt ra mức trần 0% cho lãi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm.
BOJ đã bác bỏ những suy đoán như vậy và cho rằng lạm phát do chi phí đẩy toàn cầu hiện nay là không bền vững. Họ cho biết tăng trưởng tiền lương lành mạnh là cần thiết để thúc đẩy nhu cầu và giá cả trong nước một cách ổn định.
Dữ liệu lạm phát mới nhất nằm trong số các chỉ số mà BOJ sẽ chú ý tới tại cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày kết thúc vào ngày 19/12, cuộc họp đánh giá dự kiến cuối cùng trong năm nay.
Bên cạnh đó, chính phủ đang gây áp lực buộc các công ty phải tăng lương để giúp nhân viên vượt qua chi phí sinh hoạt cao hơn.

 

Nguồn: Vinanet/VITIC/Reuters