Không chỉ có các doanh nghiệp, tập đoàn lớn, mà hiện nay các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Nhật Bản cũng tăng cường xúc tiến đầu tư tại Việt Nam.
Phát biểu tại buổi hội thảo - giao thương trực tuyến “Kết nối đầu tư Việt Nam - Nhật Bản 2020” do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) phối hợp với Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản, Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) và các địa phương Vĩnh Phúc, Quảng Ninh và Nghệ An tổ chức hôm nay, 9/9, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Vũ Bá Phú khẳng định, Nhật Bản luôn là một trong những quốc gia đầu tư lớn vào Việt Nam về cả số lượng dự án và tổng vốn đầu tư.
Làn sóng đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam không ngừng tăng cả về số lượng doanh nghiệp và vốn đầu tư. Cụ thể, năm 2018, Nhật Bản dẫn đầu các quốc gia đầu tư vào Việt Nam với 8,59 tỷ USD, chiếm 24,2% tổng vốn đầu tư trong số 112 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam.
Tính đến cuối năm 2019, hơn 2.000 doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư ở Việt Nam và dòng vốn FDI từ Nhật Bản vẫn tiếp tục gia tăng mạnh mẽ.
"Tính lũy kế tình hình thu hút FDI đến cuối năm 2019, Nhật Bản đứng thứ 2 với tổng vốn đăng ký đạt 59,3 tỷ USD, chiếm 16,7%. Điều này cho thấy Nhật Bản vẫn luôn là đối tác đầu tư quan trọng của Việt Nam sau 47 năm thiết lập quan hệ ngoại giao", ông Vũ Bá Phú nhấn mạnh.
Khảo sát thực trạng của các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại châu Á và châu Đại dương của JETRO vào tháng 2/2020 cho thấy, có 63,9% doanh nghiệp Nhật Bản đang kinh doanh tại Việt Nam sẽ tiếp tục mở rộng kinh doanh. Đây là tỷ lệ cao nhất trong khối ASEAN và đứng thứ 3 trong khu vực châu Á và châu Đại Dương.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, thị trường Việt Nam có tiềm năng lớn trong việc thu hút các doanh nghiệp Nhật Bản đến đầu tư mở rộng kinh doanh sản xuất. Không chỉ có các doanh nghiệp, tập đoàn lớn, mà hiện nay các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Nhật Bản cũng tăng cường xúc tiến đầu tư tại Việt Nam.
Đáng chú ý, các doanh nghiệp Nhật Bản đang có xu hướng đầu tư ra các địa phương khác thay vì chỉ tập trung tại Hà Nội và TP HCM như trước.
Trên thực tế, đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên toàn cầu đã khiến thương mại hàng hóa thế giới gặp rất nhiều khó khăn, ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống và hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.
Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề tới hầu hết các nền kinh tế trên thế giới, trong đó có các đối tác thương mại lớn của Việt Nam như: Mỹ, EU, Nhật Bản, ASEAN. Thị trường hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam chịu ảnh hưởng tiêu cực không nhỏ từ vòng xoáy tác động này.
Trong bối cảnh hiện tại, lãnh đạo Cục Xúc tiến thương mại cho rằng, việc thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa 2 nước Việt Nam – Nhật Bản ngày càng được chú trọng.
Việc tăng cường thu hút đầu tư của Nhật Bản trong thời gian tới, cùng với các biện pháp khuyến khích chuyển giao công nghệ sẽ giúp nâng cao trình độ công nghệ và năng lực sản xuất của Việt Nam, góp phần thực hiện mục tiêu đưa Việt Nam cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài với mục tiêu tập trung thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu.
Đồng thời, Việt Nam cũng ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan toả, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.
"Đây cũng chính là thế mạnh của các doanh nghiệp Nhật Bản. Sự hợp tác đầu tư này sẽ có tính bổ trợ, bổ sung cho nhau và cùng phát triển. Cục Xúc tiến thương mại luôn sẵn sàng hỗ trợ, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Nhật Bản mở rộng quan hệ đầu tư, kinh doanh với Việt Nam trong thời gian tới", ông Vũ Bá Phú khẳng định.
Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã cảnh báo cuộc khủng hoảng do dịch Covid-19 trên khắp toàn cầu có nguy cơ khiến thương mại quốc tế trong năm 2020 sụt giảm ở mức kỷ lục. Tác động của cuộc khủng hoảng lần này có thể sẽ vượt xa so với khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009.
Theo ước tính, khối lượng giao dịch toàn cầu có thể giảm 13% - 32% trong năm 2020, sau khi đạt mức tăng 2,9% trong năm 2018 và giảm 0,1% trong năm 2019.