Tỷ giá USD trong nước
Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với đô la Mỹ ở mức: 23.245 VND/USD (tăng 18 đồng so với hôm qua). Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch NHNN hiện mua vào ở mức 22.550 VND/USD và bán ra ở mức 23.400 VND/USD (không đổi cả 2 chiều mua bán).
Tỷ giá USD hôm nay giảm tại đa số ngân hàng, Ngân hàng VPBank giảm 30 đồng cả giá mua và giá bán xuống mức 23.410 – 23.680 VND/USD. Ngân hàng MB tăng 35 đồng giá mua và tăng 17 đồng giá bán lên mức 23.405 - 23.940 VND/USD. Ngân hàng Á Châu tăng 80 đồng giá mua nhưng giữ nguyên giá bán ở mức 23.400 – 23.750 VND/USD.
Ngân hàng Đông Á tăng 20 đồng giá mua nhưng giảm 20 đồng giá bán về mức 23.480 – 23.710 VND/USD. Vietcombank giữ nguyên cả hai chiều mua bán ở mức 23.370 – 23.680 VND/USD,
Giá mua USD hiện nằm trong khoảng từ 23.110 – 23.480 VND/USD, còn khoảng bán ra ở mức 23.620 – 23.940 VND/USD. Trong đó, Ngân hàng Đông Á có giá mua USD cao nhất và ngân hàng SCB có giá bán USD thấp nhất so với các ngân hàng khác.
Giá USD tự do niêm yết ở mức mua vào 24.120 đồng/USD và bán ra 24.220 đồng/USD, giá mua giảm 20 đồng nhưng giá bán tăng 40 đồng so với hôm qua.
Tỷ giá USD ngày 06/9/2022
ĐVT: đ/USD
USD thế giới ghi nhận mức cao mới trong 20 năm
USD Index hiện ở mức 109,61 theo ghi nhận lúc 6h30 (giờ Việt Nam). Tỷ giá euro so với USD tăng 0,23% ở mức 0,9956. Tỷ giá đồng bảng Anh so với USD tăng 0,45% ở mức 1,1570. Tỷ giá USD so với yen Nhật giảm 0,2% ở mức 140,31.
Theo Investing, đồng USD đã lập mức đỉnh mới trong hai thập kỷ vào phiên đầu tuần này trong bối cảnh kỳ vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục tích cực thắt chặt tiền tệ, đặc biệt là sau khi công bố dữ liệu bảng lương phi nông nghiệp tốt hơn mong đợi vào ngày 2/9/2022.
Thị trường kỳ hạn đã dự đoán hơn 50% khả năng Fed sẽ tăng 75 điểm cơ bản tại cuộc họp chính sách vào tháng 9/2022. Tuy nhiên, động lực chính cho diễn biến này của đồng bạc xanh không thể không kể đến sự suy yếu của đồng euro với tỷ trọng hơn 50% giá trị của chỉ số USD index.
Đồng euro đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2002 sau khi Nga ngừng cung cấp khí đốt vô thời hạn cho đường ống chính của họ đến châu Âu, làm dấy lên lo ngại về tình trạng thiếu năng lượng khi mùa đông đến gần. Tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom của Nga đã công bố kế hoạch đóng cửa đường ống Nord Stream đến Đức ngay sau khi đóng cửa giao dịch khí đốt tự nhiên ở châu Âu vào thứ 6 qua và vài giờ sau khi các bộ trưởng tài chính G7 đồng ý về sự cần thiết phải áp đặt giới hạn giá đối với Nga.
Ngân hàng Trung ương châu Âu sẽ nhóm họp vào cuối tuần này và nhiều người dự kiến sẽ tăng lãi suất do lạm phát khu vực đang nhanh chóng tiến tới mức hai con số. Các nhà hoạch định chính sách cũng đã trở nên lo lắng về việc giá cả ngày càng cao hơn. Điều gây tranh cãi là liệu ECB có thể thắt chặt chính sách bao xa nếu một cuộc khủng hoảng năng lượng làm gián đoạn nghiêm trọng tăng trưởng kinh tế trong khu vực.
Ở một diễn biến khác, tỷ giá USD/CNY cũng tăng đáng kể nhờ sức mạnh của đồng USD dù dữ liệu của Caixin hôm qua cho thấy lĩnh vực dịch vụ của Trung Quốc đã tăng trưởng hơn dự kiến trong tháng 8. Còn đồng yen Nhật vẫn duy trì trên mức 140 quan trọng sau khi dữ liệu cho thấy lĩnh vực dịch vụ của Nhật Bản thu hẹp tháng thứ hai liên tiếp trong tháng 8.