Tỷ giá USD trong nước
Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với đô la Mỹ ở mức: 23.110 VND/USD (tăng 11 đồng so với hôm qua). Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch NHNN hiện mua vào ở mức 22.550 VND/USD và bán ra ở mức 23.250 VND/USD (không đổi cả 2 chiều mua bán).
Tỷ giá USD tại thị trường ngân hàng sáng nay tăng trở lại. Theo đó, Vietcombank cùng tăng 35 đồng ở cả hai chiều mua bán và VPbank cùng tăng 10 đồng ở cả hai chiều mua bán. Đáng kể hơn có DongAbank tăng 80 đồng giá mua USD và tăng 130 đồng giá bán. Agribank tăng 10 đồng giá mua nhưng giữ nguyên giá bán so với hôm qua.
Giá mua USD hiện nằm trong khoảng từ 23.105 – 23.180 VND/USD, còn khoảng bán ra ở mức 23.260 – 23.650 VND/USD. Trong đó, HSBC có giá mua USD cao nhất và ngân hàng SCB có giá bán USD thấp nhất.
Giá USD tự do niêm yết ở mức mua vào 23.910 đồng/USD và bán ra 23.940 đồng/USD, giá mua tăng 30 đồng và giá bán tăng 10 đồng so với hôm qua.
Tỷ giá USD ngày 30/6/2022
ĐVT: VND/USD
USD thế giới tăng
USD Index hiện ở mức 104,75 theo ghi nhận lúc 6h30 (giờ Việt Nam). Tỷ giá euro so với USD tăng 0,06% ở mức 1,0448. Tỷ giá đồng bảng Anh so với USD tăng 0,06% ở mức 1,2128. Tỷ giá USD so với yen Nhật giảm 0,01% ở mức 136,56.
Theo Investing, đồng USD đã tăng cao hơn vào hôm qua khi các nhà giao dịch tìm kiếm nơi trú ẩn an toàn trước những lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu. Đây là phiên tăng giá thứ hai liên tiếp sau khi dữ liệu cho thấy niềm tin của người tiêu dùng Mỹ giảm xuống mức thấp nhất trong 16 tháng qua do lo ngại lạm phát cao có thể khiến nền kinh tế Mỹ tăng trưởng chậm lại đáng kể trong nửa cuối năm.
Thêm vào đà tăng của đồng USD là sự suy yếu của đồng euro sau khi Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde không đưa ra cái nhìn cụ thể mới nào về con đường đi của lãi suất khu vực hay một công cụ chống phân mảnh thị trường tại diễn đàn thường niên của các ngân hàng trung ương. Đồng tiền chung đã giảm xuống mức chưa từng thấy trong gần hai tuần, ngay cả sau khi bang đông dân nhất của Đức North Rhine-Westphalia ghi nhận giá tiêu dùng đã giảm 0,1% trong tháng 6, khiến tỷ lệ lạm phát hàng năm hạ từ 8,1% xuống 7,5%.
Trước đó, ECB được cho là sẽ tiếp bước các ngân hàng trung ương khác trên toàn cầu bằng cách tăng lãi suất vào tháng 7, lần tăng đầu tiên trong một thập kỷ, để cố gắng hạ nhiệt lạm phát đang tăng vọt. Nhưng có nhiều lo ngại điều này có thể dẫn đến sự gia tăng đáng kể chi phí đi vay ở các quốc gia mắc nợ nhiều hơn của khu vực đồng euro. Morgan Stanley hiện đang dự báo khu vực này sẽ rơi vào một cuộc suy thoái nhẹ trong quý 4 năm nay.
Cuối ngày hôm qua, bà Christine Lagarde đã xuất hiện tại một cuộc thảo luận cùng với Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Jerome Powell và Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh Andrew Bailey để bàn về sự đánh đổi giữa kiềm chế lạm phát và cố gắng đảm bảo “an toàn” cho nền kinh tế toàn cầu. Các nhà phân tích tại ING cho biết bà Lagarde dự kiến sẽ hé lộ một số thông tin về việc ECB có nghiêm túc xem xét nâng lãi suất lên 50 điểm cơ bản vào tháng 9 hay không trong bối cảnh nhiều cuộc khảo sát gần đây đã chỉ ra bức tranh xấu đi nhanh chóng của khu vực EU.