Trong tháng đầu tiên của năm 2024, đã có 190 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, tăng 24,2% so với cùng kỳ; tổng vốn đăng ký đạt hơn 2 tỷ USD, tăng 66,9% so với cùng kỳ. Số dự án tăng, đặc biệt là dự án quy mô lớn (hơn 600 triệu USD) là một trong những nhân tố chính thúc đẩy vốn đầu tư nước ngoài tăng mạnh.
Đáng chú ý, vốn FDI giải ngân trong tháng 1/2024 cũng khá khả quan, đạt 1,48 tỷ USD, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2023.
Xét về đối tác đầu tư, đã có 39 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam trong tháng 1/2024. Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư hơn 1,4 tỷ USD, chiếm 59,5% tổng vốn đầu tư, tăng 72,8% so với cùng kỳ 2023. Nhật Bản đứng thứ hai với gần 297 triệu USD, chiếm 12,6% tổng vốn đầu tư, gấp hơn 7 lần so với cùng kỳ. Tiếp theo là Samoa, Trung Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc),… Tuy nhiên, nếu xét về số dự án, Trung Quốc là đối tác dẫn đầu về số dự án đầu tư mới (chiếm gần 19%); Hàn Quốc dẫn đầu về số lượt điều chỉnh vốn (chiếm 26,7%) và góp vốn mua cổ phần (chiếm 25,3%).
Về lĩnh vực đầu tư, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 15 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành hoạt động kinh doanh bất động sản dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt hơn 1,27 tỷ USD, chiếm 53,9% tổng vốn đầu tư đăng ký và gấp 2 lần so với cùng kỳ. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư gần 926 triệu USD, chiếm 39,2% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp theo lần lượt là các ngành hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ; bán buôn bán lẻ với tổng vốn đăng ký đạt lần lượt là 65,2 triệu USD và gần 54,5 triệu USD.
Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 35 tỉnh, thành phố trên cả nước trong tháng 1/2024. Theo đó, Hà Nội dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 867 triệu USD, chiếm 36,7% tổng vốn đầu tư đăng ký và gấp 39,7 lần so với cùng kỳ năm 2023. Bà Rịa - Vũng Tàu đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 282 triệu USD, chiếm 11,9% tổng vốn đầu tư cả nước. Tiếp theo lần lượt là Bắc Giang, Bắc Ninh, Đồng Nai...
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư của Hà Nội tăng mạnh do có dự án đầu tư mới lớn với tổng vốn đầu tư hơn 662 triệu USD với mục tiêu đầu tư dự án khu đô thị mới ở Hà Nội. Nếu xét về số dự án, TP Hồ Chí Minh dẫn đầu cả nước cả về số dự án mới (chiếm 42,1%) và góp vốn mua cổ phần (chiếm 78,2%). Bắc Ninh dẫn đầu về số lượt dự án điều chỉnh vốn (chiếm 16%).
Cho biết về định hướng thu hút dòng vốn FDI của Việt Nam trong thời gian tới, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, năm 2024, Việt Nam sẽ chủ động thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, hướng tới chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường… Ưu tiên các dự án có giá trị gia tăng cao, hàm lượng công nghệ cao, có sự liên kết với doanh nghiệp trong nước, tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Các lĩnh vực khuyến khích đầu tư gồm: điện, điện tử, bán dẫn; năng lượng tái tạo, nông nghiệp hiệu quả cao; kinh tế số, chuyển đổi số; đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển; trung tâm tài chính.
“Thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục tham mưu, xây dựng các kế hoạch, giải pháp mang tính đột phá để thu hút vốn FDI đạt được hiệu quả, bền vững, trở thành kênh huy động vốn quan trọng của nền kinh tế, thúc đẩy đà phục hồi và phát triển trong tình hình mới; phát huy ngoại lực, tinh thần sáng tạo, cộng hưởng sức mạnh, trí tuệ để chủ động thích ứng, kịp thời nắm bắt cơ hội, nâng cao hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài, góp phần đưa Việt Nam trở thành điểm đến đầu tư tiềm năng, an toàn và hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết thêm.

Nguồn: Haiquanonline