Sự sụt giảm về giá trị xuất khẩu trong năm qua là do giá trị xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, thị trường tiêu thụ nhiều nhất các loại rau quả của Việt Nam, chiếm tới 64,8% trong tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả đã giảm sâu tới gần 13%, đạt 2,43 tỉ USD.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư kí Hiệp hội rau quả Việt Nam, cho hay Trung Quốc là thị trường xuất khẩu rau quả chủ yếu của Việt Nam song đang bị chững lại, chủ yếu do doanh nghiệp chưa thích nghi được với biện pháp quản lí mới từ thị trường láng giềng.
Đặc biệt ngay sau Tết Nguyên đán, dịch viêm đường hô hấp cấp Covid - 19 lan rộng, Trung Quốc đã tạm đóng cửa biên giới nên hoạt động xuất khẩu sang thị trường này phải tạm dừng, nông sản ùn ứ khiến người sản xuất, doanh nghiệp xuất khẩu đều “điêu đứng”.
Cụ thể, tính đến ngày 16/2, tại các cửa khẩu ở tỉnh Lạng Sơn và Lào Cai đang ùn ứ gần 780 xe hàng là nông sản, trái cây như thanh long, mít, ớt, nhãn...
Bên cạnh đó, tại nhiều địa phương, hàng nghìn tấn nông sản cũng đang trong tình trạng lo ngại ùn ứ kéo dài.
Đơn cử như tỉnh Đồng Tháp, với sản phẩm chủ lực là xoài, mặc dù còn khoảng một tháng nữa mới đến mùa thu hoạch nhưng nếu Trung Quốc kéo dài thời gian đóng biên sẽ ảnh hưởng lớn đến tiêu thụ nông sản với sản lượng khoảng hơn 90.000 tấn xoài và 11.000 tấn khoai lang.
Xoài là một trong những loại trái cây chủ lực của Trung Quốc với phần lớn được xuất khẩu sang Trung Quốc. Ảnh: Như Huỳnh.
Không chỉ tỉnh Đồng Tháp mới gặp khó khăn khi phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc để xuất khẩu nông sản, Phó Giám đốc Sở Công Thương Bình Thuận, ông Hà Lê Thanh Chung cũng cho hay trong tháng 2 và 3, Bình Thuận dự kiến thu hoạch hơn 96.000 tấn thanh long, nhưng dịch bệnh đang gây khó cho việc xuất khẩu nông sản.
Bà Phạm Thị Doan, Giám đốc Sở Công Thương Sơn La, cũng chia sẻ tỉnh có 10 mặt hàng nông sản tham gia xuất khẩu, trong đó Trung Quốc là thị trường chính. Việc Trung Quốc tạm dừng nhập khẩu, nhiều mặt hàng như xoài, nhãn, mận, chuối, thanh long, chanh leo… đang vào mùa thu hoạch sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.
Cùng cảnh ngộ, tỉnh Bắc Giang cũng đang lo ngại nếu dịch không được kiểm soát ở Trung Quốc thì sẽ ảnh hưởng lớn đến tiêu thụ mặt hàng vải thiều bởi hàng năm thị trường Trung Quốc tiêu thụ từ 45 - 60% sản lượng.
"Nếu tình trạng này kéo dài thêm vài tháng nữa sẽ thì nhiều cơ sở doanh nghiệp đóng gói, xuất khẩu trái cây có thể sẽ phải giảm bớt công nhân. Đây là viễn cảnh không được sáng sủa đối với ngành rau quả Việt hiện nay", ông Đặng Phúc Nguyên dự báo.
Cần phải đa dạng thị trường xuất khẩu
Hiệp hội rau quả Việt Nam cho hay thực tế nông sản Việt Nam đã nhiều lần rơi vào tình trạng ùn ứ khi phía Trung Quốc có động thái ngừng thu mua.
Trong tình hình hiện nay, ông Nguyên cho rằng: "Để tránh thiệt hại cho người nông dân khi cung vượt cầu, mặt hàng nào sản xuất trái vụ nên hạn chế, giảm bớt qui mô để khống chế số lượng nhiều quá sẽ không tiêu thụ được, khi đó giá nông sản giảm sâu càng gây thiệt hại cho người trồng. Vậy nên chúng ta nên chờ thị trường tốt lên hãy tăng tốc sản xuất",
Ngoài ra các doanh nghiệp cần nỗ lực đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, trong đó có đẩy mạnh xuất khẩu sang EU, tận dụng cơ hội từ Hiệp định EVFTA.
Bởi ngày 12/2, Nghị viện châu Âu (EP) đã chính thức bỏ phiếu phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) giữa Việt Nam và EU, đây là cơ hội cho doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản.
Theo đó, với mặt hàng nông sản, EU sẽ giảm thuế quan về 0% lần lượt năm đầu tiên và sau 10 năm là 74,6% và 97,3% số dòng thuế nông nghiệp cam kết.
Đối với mặt hàng rau củ quả, EU cũng cam kết xóa bỏ thuế khi EVFTA có hiệu lực, với mặt hàng thủy sản, khoảng 50% số dòng thuế sẽ được xóa bỏ, 50% dòng thuế còn lại cũng sẽ được xóa bỏ trong lộ trình 5 - 7 năm.
Ông Willem Schoustra, Tham tán Nông nghiệp phụ trách Việt Nam và Thái Lan (Đại sứ quán Vương quốc Hà Lan), cho rằng Việt Nam có rất nhiều cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường châu Âu, châu Á.
“Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (IPA) giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp lĩnh vực rau quả mở rộng thị trường xuất khẩu, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, trong đó có thị trường Á – Âu.
Với Hà Lan, Hiệp định EVFTA và IPA sẽ đem lại rất nhiều cơ hội giao thương cho các doanh nghiệp của hai nước, cơ hội hợp tác giữa hai nước với nhau”, ông Willem Schoustra tin tưởng.
Tuy nhiên, để nắm bắt cơ hội, ông Willem Schoustra cho rằng Việt Nam và Hà Lan cần hợp tác với nhau để cải thiện thêm về chất lượng nông sản, nhất là vệ sinh an toàn thực phẩm nhằm đạt được những tiêu chuẩn gắt gao của châu Âu.
Đồng thời doanh nghiệp cần từng bước trang bị kiến thức, kĩ thuật để đáp ứng nhu cầu của nhiều thị trường khác nhau.
Trong đó, triển lãm quốc tế về công nghệ sản xuất và chế biến rau, hoa, quả tại Việt Nam (HortEx Vietnam) được xem là cầu nối lí tưởng để doanh nghiệp rau, quả Việt Nam nắm bắt thông tin thị trường, công nghệ cũng như tiếp cận khách hàng, bởi đây là triển lãm quốc tế duy nhất về chuỗi cung ứng trong ngành công nghiệp rau củ quả trên thế giới.
Triển lãm sẽ diễn ra trong ngày 26 - 28/2/2020 tại TP HCM, đúng thời điểm mà các doanh nghiệp rau quả Việt Nam cần đa dang thị trường và đối tác để giải quyết tình trạng ùn ứ hàng hóa do thị trường Trung Quốc ngừng thu mua hiện nay.
Đại diện Ban tổ chức triển lãm cho hay do tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, HortEx Vietnam lần này sẽ không có sự tham dự của các doanh nghiệp đến từ Trung Quốc nhưng qui tụ gần 200 doanh nghiệp của các thương hiệu hàng đầu trong lĩnh vực rau hoa quả đến các quốc gia, vùng lãnh thổ như Austrailia, Bỉ, Canada, Đan Mạch, Ecuador, Estonia, Pháp, Đức...
Theo các chuyên gia bên cạnh sự thận trọng, doanh nghiệp cần thực sự có giải pháp tự ứng cứu, không thể hoàn toàn trông chờ vào việc mở cửa trở lại từ thị trường Trung Quốc. Điển hình như, các mặt hàng rau quả, trái cây... cần nỗ lực hơn nữa thúc đẩy xuất khẩu sang các thị trường khác, tránh phụ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc...