Cơ cấu xuất khẩu, nhập khẩu và cán cân thương mại của Việt Nam trong tháng 1/2022. Biểu đồ: T.Bình

Cơ cấu xuất khẩu, nhập khẩu và cán cân thương mại của Việt Nam trong tháng 1/2022. Biểu đồ: T.Bình
Theo số liệu Tổng cục Hải quan vừa công bố, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa cả nước trong tháng đầu tiên của năm 2022 đạt 60,29 tỷ USD, tăng 9,6%, tương đương tăng hơn 5 tỷ USD, trong đó xuất khẩu tăng 8,1%, tương ứng tăng 2,3 tỷ USD và nhập khẩu tăng 11,3%, tương ứng tăng 2,98 tỷ USD.

Xuất khẩu sang Trung Quốc đang gặp khó, trong khi đây là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam (sau Hoa Kỳ). Tháng 1, xuất khẩu sang Trung Quốc chỉ đạt 3,9 tỷ USD, giảm 700 triệu USD so với cùng kỳ 2021. Thực tế, từ cuối năm 2021 và thời gian đầu năm 2022, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc ở các cửa khẩu biên giới đường bộ gặp nhiều khó khăn, nhất là mặt hàng nông sản. Toàn bộ các cửa khẩu biên giới đường bộ quan trọng trong xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc ở Lạng Sơn, Quảng Ninh, Lào Cai đều xảy ra tình trạng ùn ứ hàng hóa nghiêm trọng và hiện nay tình hình vẫn chưa có nhiều cải thiện.

Nhìn chung, các mặt hàng, thị trường và địa phương chủ lực đều có sự khởi đầu năm mới khả quan, kỳ vọng cả năm 2022 đạt nhiều kết quả tích cực. Đặc biệt, Việt Nam xuất siêu 1,4 tỷ USD trong tháng 1 vừa qua.
Về xuất khẩu, tháng 1 đạt 30,845 tỷ USD, có tới 7 nhóm hàng xuất khẩu đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên. Trong đó một số nhóm hàng có tăng trưởng cao hai con số. Điển hình là dệt may kim ngạch đạt 3,57 tỷ USD, tăng tới 34,4%; gỗ và sản phẩm đạt 1,55 tỷ USD, tăng 14,3%; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt hơn 1 tỷ USD, tăng 10,2%.
Các nhóm hàng chủ lực khác có tăng trưởng khá là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 4,1 tỷ USD, tăng 5,5%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt 3,5 tỷ USD, tăng 7,5%; giày dép đạt 1,94 tỷ USD, tăng 3,9%.
Trong các nhóm hàng chủ lực, điện thoại và linh kiện vẫn duy trì vị thế là ngành hàng xuất khẩu lớn nhất với kim ngạch đạt 4,5 tỷ USD, nhưng đây cũng là nhóm duy nhất trong “câu lạc bộ tỷ đô” có kim ngạch sụt giảm so với cùng kỳ 2021 (giảm 26,1%).
Một tín hiệu lạc quan khác liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp với các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực như, thủy sản, cà phê, hạt tiêu, gạo đều đạt tăng trưởng lên đến hàng chục điểm phần trăm. Trong đó, thủy sản đạt 872,5 tỷ USD, tăng 43,3%; cà phê đạt 370,6 triệu USD, tăng 32,1%; gạo đạt 246 triệu USD, tăng 29,1%; hạt tiêu đạt 74,2 triệu USD, tăng 53%.
Nhập khẩu hàng hóa trong tháng 1 đạt 29,45 tỷ USD, tăng 11,3%, tương ứng tăng 2,98 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái. Các nhóm hàng quy mô lớn, tăng trưởng cao như máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 1,46 tỷ USD, tương ứng tăng 25,8%; vải các loại tăng 285 triệu USD, tương ứng tăng 25,7%; dầu thô tăng 256 triệu USD, tương ứng tăng mạnh 187%...
Về thị trường, trao đổi thương mại hàng hóa của Việt Nam với châu Á đạt 38,15 tỷ USD, tăng 7,2% so với tháng 1/2021, tiếp tục chiếm tỷ trọng cao nhất (63,3%) trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước.
Xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với các châu lục khác lần lượt là: châu Mỹ đạt 13,18 tỷ USD, tăng 15,6%; châu Âu đạt 7,05 tỷ USD, tăng 10,2%; châu Đại Dương đạt 1,26 tỷ USD, tăng 24% và châu Phi đạt 646 triệu USD, tăng 4,8%. Như vậy, các khu vực xuất nhập khẩu chủ lực của Việt Nam vẫn duy trì tăng trưởng khá.
Đáng chú ý, xuất khẩu của Việt Nam sang khu vực ASEAN, Nhật Bản, Mỹ hay Liên minh châu Âu (EU) đều có tăng trưởng 2 con số.
Thêm một thông tin đáng ghi nhận ở nhóm các đia phương chủ lực trong nước, đó là việc TPHCM lấy lại ngôi vị số 1 về xuất khẩu từ Bắc Ninh. Tháng 1, xuất khẩu của TPHCM đạt gần 4,1 tỷ USD, trong khi Bắc Ninh đạt gần 3,5 tỷ USD. Đây là sự quay trở lại ấn tượng của nền kinh tế lớn nhất cả nước. Bởi nhiều tháng trong năm 2021, TPHCM để Bắc Ninh chiếm mất vị thế số 1 về xuất khẩu. Và chỉ đến tháng 12/2021, TPHCM mới trở lại ngôi vị quen thuộc khi đạt đạt gần 4,8 tỷ USD, qua đó, kết thúc năm với kim ngạch hơn 44,9 tỷ USD, trong khi cả năm ngoái Bắc Ninh đạt 44,853 tỷ USD.
Ngoài 2 địa phương kể trên, hết tháng 1 còn các tỉnh, thành phố khác có kim ngạch xuất khẩu 1 tỷ USD trở lên gồm: Bình Dương, Đồng Nai, Thái Nguyên, Hải Phòng, Hà Nội và Bắc Giang.
Dấu hiệu tích cực khác là sự tăng trưởng cao của doanh nghiệp trong nước. Dữ liệu của Tổng cục Hải quan ghi nhận kim ngạch xuất nhập khẩu trong tháng 1 của khối doanh nghiệp trong nước tăng trưởng khá với 18,3% (tương ứng tăng 2,89 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước và đạt hơn 18,7 tỷ USD. Trong khi đó, kim ngạch xuất nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt gần 41,6 tỷ USD, tăng 6,1% (tương ứng tăng 2,39 tỷ USD) và chiếm gần 69% kim ngạch cả nước.
 

Nguồn: haiquanonline