Theo Tổng cục Hải quan, 7 tháng đầu năm nay, xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với các thị trường thuộc châu Á đạt xấp xỉ 242 tỷ USD (đạt 241,84 tỷ USD), chiếm tỷ trọng lớn nhất tới 64,6% trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước. Tuy nhiên, kết quả trên giảm 13,5% so với cùng kỳ năm trước.
Ở châu Á, 3 đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản. Trong đó, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam cả ở châu Á và trên toàn thế giới. 7 tháng đầu năm, riêng thị trường Trung Quốc chiếm gần 36,9% tổng kim ngạch giữa Việt Nam với châu Á, trong khi tỷ trọng này với toàn bộ các đối tác trên thế giới là 23,8%.
Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam ở châu Á (và thứ 3 trên toàn thế giới) với tỷ trọng 17,2% trong tổng kim ngạch với các thị trường trong châu lục và trên 11,1% với toàn bộ các đối tác trên thế giới.
Nhật Bản là đối tác thương mại lớn thứ ba của Việt Nam ở châu Á (và thứ tư trên toàn thế giới) với các chỉ số lần lượt là 10,32% và 6,66%.
Với các châu lục khác, thương mại Việt Nam với châu Mỹ đạt 76,47 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 20,4% trong tổng kim ngạch cả nước, giảm 18,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tiếp theo là châu Âu với 42,06 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 11,2%, giảm 7,4%; châu Đại Dương với 8,97 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 2,4%, giảm 15,2%; châu Phi với 5,02 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 1,3%, tăng 4,8%.
Như vậy, trong 5 châu lục, ngoài châu Phi, 4 khu vực có quan hệ thương mại lớn nhất của Việt Nam đều có kim ngạch giảm sâu so với cùng kỳ 2022.

Nguồn: Haiquanonline