Theo số liệu thống kê của Tổng cục hải quan, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang thị trường Trung Quốc trong 7 tháng đầu năm 2022 đạt hơn 30 tỷ USD, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước. Riêng tháng 7, kim ngạch xuất khẩu ghi nhận sụt giảm 9,5% so với tháng 6, đạt 3,95 tỷ USD.
Điện thoại các loại và linh kiện là nhóm mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu lớn nhất trong 7 tháng qua, đạt 7,3 tỷ USD, tăng gần 12% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 24,5% tỷ trọng xuất khẩu. Tiếp đến là nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 6,6 tỷ USD, tăng 12,5%, chiếm hơn 22% tỷ trọng xuất khẩu.
Những nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng trong 7 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước gồm máy ảnh, máy quay phim và linh kiện tăng 59,2%; hàng thủy sản tăng 80,3%; thức ăn gia súc và nguyên liệu tăng 25%; đồ chơi dụng cụ thể thao và bộ phận tăng 49,2%; xăng dầu tăng 74,6%.
Trung Quốc hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam, chỉ đứng sau Mỹ, là thị trường trọng điểm của nhiều mặt hàng nông sản, tiêu dùng, vật liệu xây dựng; đồng thời là thị trường nhập khẩu số 1 của Việt Nam, cung ứng nhiều nhóm hàng quan trọng phục vụ sản xuất, tiêu dùng.
Bà Đặng Thị Thanh Phương, Phó trưởng phòng Đông Bắc Á, Vụ thị trường Châu Á, Châu Phi (Bộ Công Thương), chia sẻ tại buổi giới thiệu về triển lãm gia dụng, điện tử tiêu dùng, dệt may, vật liệu xây dựng - nội thất (China Homelife 2022) rằng hiện nay Trung Quốc thực hiện chính sách Zero Covid-19 ảnh hưởng đến thương mại Việt Nam-Trung Quốc. Và chính sách trên có nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, ảnh hưởng đến thương mại Việt Nam-Trung Quốc.
“Trung Quốc là thị trường thuận lợi của Việt Nam xuất khẩu các mặt hàng như dệt may, giày dép, dây điện và cáp điện… nhiều mặt hàng có thuế suất 0%. Với việc tham gia triển lãm từ 29-31/8 tại TP HCM, doanh nghiệp sẽ có cơ hội kết nối kịp thời với thị trường cung ứng nguyên liệu, hàng hóa, máy móc, trang thiết bị,… giúp doanh nghiệp Việt Nam kết nối chuỗi cung ứng hiệu quả hơn sau dịch”, bà Phương nói.

Nguồn: doanhnghiep.vn