Kết thúc phiên giao dịch ngày 21/6, chứng khoán Mỹ phục hồi mạnh sau diễn biến tiêu cực do Fed thay đổi chính sách, trong khi đồng bitcoin giảm sâu khi Chính phủ Trung Quốc thắt chặt kiểm soát hoạt động khai thác đồng tiền điện tử này trong nước.
Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 586,89 điểm, tương đương gần 1,8%, lên 33.876,97 điểm đánh dấu phiên tăng mạnh nhất kể từ ngày 5/32021.
Chỉ số S&P 500 đã tăng 1,4% lên 4.224,79 điểm, thấp hơn 1% so với mức cao kỷ lục.
Nasdaq Composite kém khởi sắc hơn với mức tăng 0,8% lên 14.141,48 điểm, khi một số cổ phiếu công nghệ chủ chốt bao gồm Amazon, Tesla, Nvidia và Netflix giảm giá.
Nhóm cổ phiếu hàng hóa bị ảnh hưởng nặng nề vào tuần trước đã dẫn dắt đà phục hồi của thị trường vào thứ Hai.
Chỉ số năng lượng S&P 500 giao dịch tích cưc. Devon Energy tăng gần 7%, trong khi Occidental Petroleum tăng khoảng 5,4%.
Cổ phiếu chịu ảnh hưởng bởi diễn biến của nền kinh tế bao gồm Norwegian Cruise Line và Boeing đều tăng hơn 3%.
Nhóm ngân hàng, bao gồm JPMorgan, Bank of America và Goldman Sachs, cũng tăng trở lại. Chỉ số vốn hóa nhỏ Russell 2000 đã tăng hơn 2%.
Những lĩnh vực được hưởng lợi từ nền kinh tế mở cửa trở lại đã rớt giá mạnh vào tuần trước.
Các ngành tài chính và vật liệu của S&P 500 mất hơn 6% trong tuần trước, trong khi năng lượng giảm hơn 5% và công nghiệp giảm hơn 3%.

Chỉ số S&P 500 đã tăng 1,4% lên 4.224,79 điểm, thấp hơn 1% so với mức cao kỷ lục.

Tuần trước, chứng khoán Mỹ bắt đầu giảm mạnh sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phát tín hiệu có thể nâng lãi suất 2 lần trong năm 2023, sớm hơn dự tính trước đó. Khả năng thắt chặt chính sách tiền tệ sớm hơn dự báo của Fed đã đẩy chỉ số Dow Jones ghi nhận tuần giao dịch tồi tệ nhất trong gần 8 tháng.
Nhà đầu tư vẫn đang xem xét sự thay đổi trong giọng điệu của Fed, Paul Sandhu, Trưởng bộ phận giải pháp định lượng tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương của BNP Paribas Asset Management, cho hay. “Chúng ta sẽ chứng kiến tình trạng biến động mạnh này hết lần này đến lần khác. Các cuộc tranh cãi về lạm phát sẽ vẫn tiếp diễn”, Sandhu cho biết.
"Đợt bán tháo vì Fed có lẽ đã hơi quá đà", Fiona Cincotta, Chuyên viên phân tích thị trường tài chính cấp cao tại City Index, cho hay. "Việc Fed đột ngột chuyển sang quan điểm diều hâu trong tuần trước với 2 đợt nâng lãi suất trong năm 2023 đã khiến thị trường rất bất ngờ".
Cũng trong phiên 21/6, các thị trường chứng khoán châu Âu ở bên kia bờ Đại Tây Dương đua nhau lên điểm. Cụ thể, chỉ số FTSE 100 tại London (Vương quốc Anh) tăng 0,6% lên 7.062,29 điểm, chỉ số DAX 30 trên sàn Frankfurt (Đức) tiến 1% lên 15.603,24 điểm.
Chỉ số CAC 40 tại Paris (Pháp) cũng ghi thêm 0,5% và đạt mức 6.602,54 điểm. Chỉ số tổng hợp EURO STOXX 50 phiên này cũng tăng 0,7% và khép phiên ở mức 4.112,33 điểm.
Chuyên gia Maris Ogg của công ty tư vấn Tower Bridge Advisors nhận định về phiên giao dịch 21/6 rằng thị trường đang điều chỉnh sau trạng thái phản ứng quá mức trong tuần trước.
Tại Việt Nam, khép lại phiên 21/6, chỉ số VN-Index giảm 5,14 điểm, hay 0,37%, xuống 1.372,63 điểm, trong khi chỉ số HNX-Index 2,49 điểm, hay 0,78%, và đóng phiên ở mức 316,24 điểm./

Nguồn: VITIC/Reuters