Vốn nhà nước dành cho đầu tư chiếm tỷ trọng rất lớn trong GDP, là nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế của đất nước. Tuy nguồn vốn dành cho đầu tư thường ít hơn nhiều so với nhu cầu nhưng tình trạng đáng báo động là nợ đọng xây dựng cơ bản (XDCB) từ vốn ngân sách nhà nước (NSNN) hiện nay đã trở nên phổ biến, giống như một căn bệnh khó chữa.

Nợ XDCB khiến các nhà thầu không có vốn để thực hiện tái sản xuất, dẫn đến tình trạng nhà thầu chiếm dụng vốn của doanh nghiệp (DN) cung cấp vật tư, chiếm dụng tiền lương của người lao động..., còn chiếm dụng vốn của các tổ chức tín dụng sẽ dẫn tới mất an toàn tài chính.
 
Giải ngân thấp

Ước tính đến hết tháng 6-2015, kết quả thanh toán vốn đầu tư XDCB từ nguồn nhà nước đạt thấp hơn cùng kỳ năm trước.

Cụ thể: Vốn XDCB tập trung đã thanh toán đạt trên 81 nghìn tỷ đồng, đạt 45,9% kế hoạch đã giao (cùng kỳ năm 2014 đạt 49,6%); trong đó, nguồn vốn do các bộ, ngành T.Ư quản lý đạt gần 15 nghìn tỷ đồng, đạt 38,9% kế hoạch; nguồn vốn địa phương quản lý đạt gần 67 nghìn tỷ đồng, đạt 47% kế hoạch. Nguồn vốn trái phiếu Chính phủ (TPCP) đã thanh toán đạt gần 28 nghìn tỷ đồng, đạt 36% kế hoạch đã giao (cùng kỳ năm 2014 đạt 40,3%).

Trong đó, nguồn vốn do các bộ, ngành T.Ư quản lý đạt gần 15 nghìn tỷ đồng, nguồn vốn địa phương quản lý đạt gần 13 nghìn tỷ đồng.

Có thể thấy kết quả giải ngân sáu tháng đầu năm 2015 vẫn còn thấp, khi tổng số vốn đầu tư XDCB tập trung giải ngân qua Kho bạc Nhà nước (KBNN) thấp hơn 3,7% so với cùng kỳ; nguồn vốn TPCP thấp hơn tới 4,3% so cùng kỳ.

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng giải ngân thấp
, trong đó có nguyên nhân cơ chế chính sách liên quan đến lĩnh vực quản lý đầu tư và xây dựng thời gian qua có nhiều thay đổi và có hiệu lực thi hành từ năm 2014, 2015.

Có thể kể tới Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu; các Nghị định của Chính phủ, và điều này dẫn đến những dự án, công trình triển khai trong năm 2015 đã phần nào bị ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện, giải ngân, do phải thực hiện điều chỉnh kế hoạch đấu thầu, điều chỉnh hợp đồng...

Riêng đối với các dự án ODA thì việc giải ngân nguồn vốn này phải trên cơ sở kế hoạch vốn năm được giao, nhưng nhiều dự án ODA được bố trí kế hoạch vốn năm 2015 thấp hơn so với tiến độ thực hiện dự án, thậm chí có một số dự án không được giao kế hoạch vốn ODA năm 2015 nên cũng đã phần nào ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân của các dự án ODA.

Không những thế, việc triển khai thực hiện của các chủ đầu tư cũng còn một số vấn đề bất cập, như: công tác hoàn thiện thủ tục đầu tư của các dự án còn chậm so với quy định; công tác đấu thầu, thi công công trình, nghiệm thu khối lượng thanh toán chưa thực hiện ngay từ đầu năm nên việc giải ngân cho dự án còn chậm; chưa giải quyết dứt điểm vướng mắc trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng nhằm bàn giao mặt bằng cho dự án triển khai đúng tiến độ.

TRỊNH NAM TUẤN QUYỀN VỤ TRƯỞNG ĐẦU TƯ, BỘ TÀI CHÍNH
(Theo báo Nhandanonline)

Nguồn: Báo Nhandanonline