Rau quả tiếp tục “được mùa” xuất khẩu
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, với sự phục hồi của thị trường thế giới, các đơn hàng xuất khẩu gia tăng nên hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá trong 5 tháng đầu năm tiếp tục khởi sắc và đạt được những kết quả tích cực. Trong tháng 5, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt 66,62 tỷ USD, tăng 9,1% so với tháng trước và tăng 22,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 305,53 tỷ USD, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu hàng hóa ước đạt 156,77 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm 2023.

Theo Tổng cục Hải quan, cán cân thương mại hàng hóa của cả nước tháng 5 ước tính nhập siêu 1 tỷ USD. Tính chung 5 tháng đầu năm 2024, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 8,01 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 10,2 tỷ USD). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 11,26 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 19,27 tỷ USD.

Trong các nhóm hàng xuất khẩu, rau quả vẫn tiếp tục đà tăng mạnh mẽ. Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hiệp hội rau quả Việt Nam cho biết, đến ngày 20/5, kim ngạch XK rau quả Việt Nam đạt 2,49 tỷ USD, tăng 25,7% so với cùng kỳ năm 2023. Xuất khẩu tới các thị trường chủ lực tiếp tục tăng cao như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản và Thái Lan.
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), với đà tăng trưởng như hiện tại, dự báo xuất khẩu hàng rau quả tiếp tục tăng trưởng khả quan. Trong đó, nhu cầu từ thị trường Trung Quốc tăng sẽ là yếu tố thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu mặt hàng này.
Gỗ và sản phẩm gỗ là nhóm hàng có sự phục hồi tích cực thời gian qua. 5 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước tính đạt 6,1 tỷ USD, tăng 23,5% so với cùng kỳ năm 2023; trong đó trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 4,16 tỷ USD, tăng 22,8% so với cùng kỳ năm 2023. Theo Cục Xuất nhập khẩu, thị trường gỗ đang phục hồi trở lại, hoạt động xuất khẩu hầu hết các mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ đều tăng trưởng tích cực. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu các mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ đều ở mức cao, nhờ tiêu dùng hàng hóa tại nhiều thị trường lớn như Hoa Kỳ, châu Âu đang đón những tín hiệu tốt dần lên. Cùng với đó, trong thời gian qua nhiều doanh nghiệp ngành gỗ đã cập nhật nghiên cứu xu hướng thị trường và chuyển đổi từ gia công xuất khẩu sang thiết kế các mẫu mã mới, đẹp mắt và có chất lượng tốt, được nhiều khách mua hàng quốc tế đánh giá cao. Điều này cho thấy ngành chế biến gỗ và nội thất Việt Nam đang đi đúng hướng, không chỉ nhằm gia tăng trị giá xuất khẩu mà còn từng bước nâng cao vị thế, thương hiệu đồ gỗ Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng, với những ưu thế về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng thuận lợi cùng ưu đãi từ 16 FTA song phương và khu vực đã ký kết và đang thực thi với nhiều đối tác trên thế giới, đặc biệt là CPTPP, EVFTA, liên tiếp trong những năm gần đây, kim ngạch xuất khẩu nông sản và thực phẩm duy trì tốc độ tăng trưởng trên hai con số. Các FTA đã tạo ra lợi thế cạnh tranh rất lớn cho các mặt hàng nông lâm thủy sản chiến lược và có thế mạnh nhờ cam kết cắt giảm thuế quan, đặc biệt đối với các sản phẩm chế biến; đồng thời tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài chất lượng cao vào khu vực nông nghiệp, tham gia sâu, bền vững vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Xuất khẩu khởi sắc cả 3 nhóm hàng
Đánh giá về tình hình xuất khẩu hàng hóa 5 tháng qua, theo Bộ Công Thương, xuất khẩu tăng trưởng mạnh và đồng đều ở cả 3 nhóm hàng. Đáng chú ý, nhóm hàng nông sản kéo dài đà tăng trưởng từ năm 2023 đến nay, tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này ước đạt 15,18 tỷ USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2023, chiếm 9,68% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Do giá xuất khẩu tăng nên hầu hết các mặt hàng trong nhóm này đạt tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu cao ở mức hai con số so với cùng kỳ năm trước tăng như: cà phê tăng 43,9%; gạo tăng 38,2%; chè các loại tăng 20,1%; rau quả tăng 28,2%; nhân điều tăng 19,3%; hạt tiêu tăng 19,7%; sắn và các sản phẩm từ sắn tăng 19,2%.
Với nhóm công nghiệp chế biến chế tạo, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 132,42 tỷ USD, chiếm 84,5% tổng kim ngạch xuất khẩu và tăng 14,9% so với cùng kỳ năm 2023. Nhiều nhóm sản phẩm đạt tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu cao, trong đó có các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như: máy ảnh, máy quay phim và linh kiện tăng 61,2%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 33,4%; sản phẩm chất dẻo tăng 29,6%; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 23,5%; sắt thép các loại tăng 10,9%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác tăng 11,8%; hàng dệt và may mặc tăng 6,3%; giầy dép các loại tăng 7,1%; điện thoại các loại và linh kiện tăng 11,6%...
Bên cạnh đó, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản ước đạt 1,96 tỷ USD, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm 2023.
Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu tới hầu hết các thị trường, đối tác thương mại lớn trong 5 tháng qua đều có sự phục hồi tốt và đạt mức tăng trưởng cao ở mức hai con số. Trong đó, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước ta với kim ngạch ước đạt 43,98 tỷ USD, chiếm 28% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước và tăng tới 21% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm trước giảm gần 20%); tiếp đến là thị trường Trung Quốc với kim ngạch ước đạt 22,65 tỷ USD, tăng 10,2%; thị trường EU ước đạt 20,69 tỷ USD, tăng 16,1%; Hàn Quốc ước đạt 10,4 tỷ USD, tăng 12,8%; Nhật Bản ước đạt 9,5 tỷ USD, tăng 4,7%.
Tuy xuất khẩu liên tục khởi sắc qua từng tháng, song theo Bộ Công Thương, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam trong năm 2024, nhất là xuất khẩu sang các thị trường trọng điểm như châu Âu, châu Mỹ sẽ có cả những thuận lợi và thách thức. Xuất khẩu của Việt Nam cũng ảnh hưởng từ tình hình kinh tế, xung đột chính trị ở nhiều khu vực. Bên cạnh đó, chính sách bảo hộ của các nước ngày một tăng. Việc các nước phát triển quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu, an toàn cho người tiêu dùng đang tiếp tục là tiền đề để dựng lên những tiêu chuẩn, quy định mới liên quan đến chuỗi cung ứng, nguyên liệu, lao động, môi trường khắt khe hơn đối với các sản phẩm nhập khẩu. Hơn nữa, việc các nước đa dạng hóa nguồn cung ngoài Trung Quốc, tập trung vào một số đối tác gần thị trường và đối tác tương đương với Việt Nam như Thổ Nhĩ Kỳ, Mexico, Ấn Độ, Indonesia, Bangladesh... sẽ làm gia tăng sự cạnh tranh trên các thị trường xuất khẩu của Việt Nam.

Nguồn: Haiquanonline