Kết thúc cuộc họp chính sách trong hai ngày 27 - 28/7, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC), cơ quan lập chính sách của Fed, thông báo giữ nguyên lãi suất ở 0 - 0,25% như dự đoán trên thị trường.
Fed giảm lãi suất về 0 - 0,25% từ giữa tháng 3/2020. Lãi suất này được dùng để quyết định lãi cho vay mua nhà, thẻ tín dụng và nhiều khoản vay khác tại Mỹ. 
Cùng với đó, FOMC tái khẳng định quan điểm cho rằng kinh tế Mỹ tiếp tục “cải thiện”.
“Các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nhất bởi đại dịch đã cho thấy sự cải thiện nhưng chưa phục hồi hoàn toàn”, thông báo sau cuộc họp cho biết. “Lạm phát tăng, chủ yếu phản ánh các yếu tố tạm thời. Các điều kiện tài chính nói chung vẫn thuận lợi”.
Thông báo lưu ý có “tiến triển” hướng đến mục tiêu việc làm và lạm phát của Fed – tín hiệu cho thấy ngân hàng trung ương Mỹ có thể sắp có thay đổi chính sách, đặc biệt là liên quan đến chương trình mua trái phiếu hàng tháng.
"Với tiến triển trong chương trình tiêm vaccine Covid-19 và chính sách hỗ trợ mạnh mẽ, các chỉ số về hoạt động kinh tế và việc làm tiếp tục tốt lên".
Dù số ca nhiễm Covid-19 hàng ngày tại Mỹ tăng lên gấp 4 lần so với cuộc họp hồi tháng 6, Fed vẫn tin rằng chương trình tiêm vaccine sẽ "giảm ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng y tế này đến nền kinh tế", cho phép một quá trình tái mở cửa mạnh mẽ diễn ra.
Phố Wall không biến động nhiều sau thông tin trên.
Ngoài ra, Fed thông báo sẽ thiết lập hai công cụ mua lại (repo) thường trực, một cho thị trường nội địa (SRF), một cho nhà chức trách nước ngoài và quốc tế (FIMA). Hai công cụ cho phép các tổ chức đổi tài sản thế chấp chất lượng cao, chủ yếu là trái phiếu chính phủ Mỹ với trường hợp nội địa, lấy dự trữ. Quy mô tối đa với SRF là 500 tỷ USD.
Các nhà lập chính sách của Fed cho biết họ sẽ tiếp tục thảo luận về thời điểm để bắt đầu siết dần mua 120 tỷ USD trái phiếu hàng tháng, gồm 80 tỷ USD trái phiếu chính phủ Mỹ và 40 tỷ USD trái phiếu đảm bảo bằng thế chấp, dần dần tiến đến tăng lãi suất.
Hồi tháng 12, Fed thông báo sẽ không thay đổi chương trình mua trái phiếu cho đến khi có “tiến triển bền vững hơn nữa” trên thị trường lao động, lúc đó còn thấp hơn 10 triệu việc làm so với trước đại dịch.
Con số này hiện dưới 7 triệu việc làm và Fed lần đầu tiên xác nhận kinh tế Mỹ tiến gần hơn đến mốc tiêu chuẩn để bắt đầu siết chính sách hỗ trợ.
“Nền kinh tế có tiến triển và FOMC sẽ tiếp tục đánh giá tiến triển đó trong những cuộc họp tiếp theo”, Fed cho biết, từ ngữ ám chỉ có thể giảm quy mô mua trái phiếu vào cuối năm nay hoặc đầu năm 2022.
Karim Basta, kinh tế gia trưởng tại III Capital Management, cho biết “sự lạc quan dần dần” này giúp Fed có thể thông báo siết chính sách hỗ trợ sớm nhất vào tháng 9 nếu tăng trưởng việc làm mạnh mẽ và số ca nhiễm Covid-19 không ảnh hưởng đến chi tiêu.
Fed đang đối mặt lo ngại ngày càng tăng liên quan lạm phát, với chỉ số giá tiêu dùng tháng 6 tăng nhanh nhất kể từ ngay trước khủng hoảng tài chính năm 2008. Tuy nhiên, giới chức cho rằng xu hướng lạm phát chỉ là tạm thời, sẽ hạ nhiệt khi các nút thắt cổ chai trong chuỗi cung ứng được gỡ bỏ, lực cầu bình thường trở lại.
Thị trường nhận định Fed không tăng lãi suất trong năm nay. Tuy nhiên, xác suất Fed tăng lãi suất trong năm 2022 tăng từ 54,4% trước cuộc họp lên 62% sau cuộc họp, chắc chắn sẽ tăng lãi suất lần đầu tiên trước tháng 3/2023, theo công cụ FedWatch của CME và Reuters.

Nguồn: ndh.vn