Ngày 21/9, thị trường chứng khoán toàn cầu đã trải qua "ngày thứ Hai đen tối", khi các thị trường chứng khoán Hong Kong (Trung Quốc), châu Âu và Mỹ đồng loạt lao dốc mạnh.
Trong đó, có thời điểm chỉ số Hang Seng trên thị trường Hong Kong để mất đến 1.000 điểm trước khi đóng cửa ở mức giảm 800 điểm. Tương tự, chỉ số Dow Jones cũng có lúc giảm 1.000 điểm và mất hơn 600 điểm khi đóng cửa.
Nhiều chuyên gia phân tích cho rằng một trong những nguyên nhân dẫn đến sự hoảng loạn thị trường là mối lo ngại rằng tập đoàn Evergrande của Trung Quốc có thể phá sản, dẫn đến khủng hoảng kinh tế.
Ngay trước "ngày thứ Hai đen tối", nhiều chuyên gia phân tích thị trường đã thảo luận về việc liệu Evergrande có trở thành "Lehman Brothers phiên bản Trung Quốc", từ đó gây ra một cuộc khủng hoảng tài chính hệ thống của Trung Quốc hay không?
Giữa Lehman Brothers và Evergrande có sự khác biệt rất lớn và không thể trực tiếp so sánh mức độ ảnh hưởng. Mặc dù vậy, ngay cả khi Evergrande không gây ra khủng hoảng kinh tế tương tự như Lehman Brothers, một số nhà phân tích của Phố Wall cũng cho rằng điều này sẽ tạo ra cú sốc trên quy mô lớn đối với kinh tế Trung Quốc.
Chẳng hạn, theo ngân hàng Goldman Sachs, vấn đề nợ của Evergrande dự kiến có thể kéo giảm 1,4 điểm phần trăm trong tốc độ tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc, và kịch bản xấu nhất là có thể lên đến 4,1 điểm phần trăm.
Rủi ro của Evergrande vẫn có thể kiểm soát
Quy mô của Evergrande là rất lớn, với tổng nợ lên đến gần 2.000 tỷ nhân dân tệ (NDT), tương đương 2% GDP của Trung Quốc. Hơn nữa, số lượng nhân viên của tập đoàn này lên đến 200.000 người. Một khi "bong bóng" của Evergrande vỡ, áp lực đối với ngành tài chính là rất lớn.
Tuy nhiên, không nên phóng đại mối đe dọa của Evergrande đối với kinh tế Trung Quốc. Trước hết, mặc dù nợ của Evergrande lớn, song tài sản cũng tương đối nhiều. Khủng hoảng nợ lần này của Evergrande chủ yếu là do đứt gãy dòng tiền gây nên.
Nói một cách đơn giản, điều này nghĩa là "quay vòng không linh hoạt" và suy cho cùng nguyên nhân là do Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra các hạn chế huy động vốn và thế chấp nghiêm ngặt đối với các nhà phát triển bất động sản từ đầu năm đến nay.
Tuy nhiên, tài sản của Evergrande vẫn là khổng lồ, tài sản ròng trên sổ sách vẫn dương, vì vậy ngay cả khi Evergrande phá sản và phải bán tháo tài sản, ước tính cũng sẽ không gây ra các khoản nợ xấu quy mô lớn, tác động đối với ngành ngân hàng và thậm chí là toàn bộ hệ thống tài chính thực sự vẫn có thể kiểm soát.
Hơn nữa, mặc dù chính phủ chưa ra tay "giải cứu" Evergrande trong giai đoạn hiện nay, song từ lâu Chính phủ Trung Quốcvẫn quan tâm đến vấn đề nợ của Evergrande và đang tính toán phương án xử lý để vấn đề nợ của tập đoàn này có thể "hạ cánh mềm", bao gồm cả việc ngăn chặn và cô lập rủi ro này khỏi nền kinh tế tổng thể.
Chẳng hạn, đối với toàn bộ ngành bất động sản, hầu hết các nhà phát triển bất động sản lớn khác đã tuân thủ nghiêm "ba lằn ranh đỏ" do chính phủ đặt ra trong những năm qua, nên sẽ không xuất hiện tình trạng sụp đổ domino.
"Cơ hội nhiều hơn rủi ro"
Mọi người đều biết, bong bóng bất động sản là "tê giác xám" (mối đe dọa hiển nhiên nhưng bị phớt lờ) mà nền kinh tế Trung Quốc cần xử lý, nếu Chính phủ Trung Quốc có thể xử lý vấn đề Evergrande một cách thuận lợi, họ có thể chuyển rủi ro thành cơ hội.
Bởi vì nếu một Evergrande với quy mô nợ lớn nhất có thể tự cứu mình bằng phương pháp thị trường, điều đó chứng minh tổng thể cuộc khủng hoảng bong bóng bất động sản vẫn nằm trong phạm vi kiểm soát.
Tuy nhiên, ngay cả khi Evergrande không thể tự cứu mình, "nỗi đau" dài hạn cũng không lớn bằng "nỗi đau" ngắn hạn đối với nền kinh tế Trung Quốc. Trong hai năm dịch bệnh vừa qua, kinh tế Trung Quốc nhìn chung vẫn duy trì sức mạnh, hơn nữa chính sách tiền tệ đã sớm thắt chặt, nên vẫn có không gian nới lỏng một lần nữa, điều này có thể cân bằng tác động do Evergrande gây nên.
Mục tiêu kinh tế lớn nhất của Chính phủ Trung Quốc lúc này là giải phóng nguồn vốn khỏi thị trường bất động sản quá nóng và trong quá trình này, Evergrande chỉ là vấn đề sớm muộn cần phải xử lý.
Cũng chính vì vậy, đối với Trung Quốc, vấn đề mấu chốt không phải là giữ lại Evergrande, mà phải giữ cho nền kinh tế không bị ảnh hưởng bởi sự cố Evergrande. Chỉ cần nguồn vốn có thể giải phóng khỏi thị trường bất động sản và chảy vào nền kinh tế thực một cách có trật tự, vòng tuần hoàn bên trong cuối cùng sẽ được tăng cường, từ đó kích thích các mô hình kinh tế và hoạt động đầu tư mới, đồng thời cải thiện lâu dài môi trường kinh tế của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Nguồn: BNEWS (Theo Thạch Bình/TTXVN Tại Hong Kong)