Trên thị trường năng lượng, giá dầu tăng do tồn kho dầu thô của Mỹ giảm xuống mức thấp nhất trong 3 năm bởi hoạt động lọc dầu phục hồi sau những cơn bão gần đây.
Kết thúc phiên này, dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 1,74 USD (2,5%) lên 72,23 USD/thùng, trong khi dầu Brent tăng 1,83 USD lên 76,19 USD/thùng.
Chủ tịch Hiệp hội dầu Lipow tại Houston cho biết giá dầu thô vẫn được hỗ trợ khi nhu cầu phục hồi trên khắp thế giới và tồn kho tiếp tục giảm. Bất chấp những chao đảo gần đây từ số liệu kinh tế Mỹ, nhu cầu nhiên liệu tổng thể đã phục hồi lên mức trước đại dịch. Sản phẩm được cung cấp trong 4 tuần qua đã đạt gần 21 triệu thùng/ngày, gần với mức đỉnh năm 2019.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) vừa cho biết dự trữ dầu thô của nước này trong tuần trước đã giảm 3,5 triệu thùng xuống 414 triệu thùng, mức thấp nhất kể từ tháng 10/2018.
Các cơ sở dầu mỏ tại Vịnh Mexico tiếp tục trở lại sản xuất, với sản lượng hàng tuần tăng 500.000 thùng/ngày trong tuần gần nhất lên 10,6 triệu thùng/ngày. Ngày 22/9 BP cho biết tất cả 4 cơ sở ngoài khơi của họ tại khu vực này đã khôi phục hoạt động sau cơn bão Ida.
Cũng hỗ trợ giá khi các thành viên OPEC đang khó khăn để nâng sản lượng. Giá tăng ở các thị trường khác như khí tự nhiên cũng hỗ trợ dầu mỏ, thị trường năng lượng thiếu hụt gây ra khan hiếm nguồn cung ở Châu Âu và Châu Á.
Bộ Dầu mỏ Iraq cho biết, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, còn gọi là OPEC+ đang nỗ lực để giữ giá dầu thô ở mức gần 70 USD/thùng khi nền kinh tế toàn cầu phục hồi, theo hãng thông tấn nhà nước INA của Iraq vừa công bố.
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng biến động trong phiên này sau khi Cục dự trữ Liên bang Mỹ báo hiệu tăng lãi suất sớm hơn dự kiến và nới lỏng việc mua trái phiếu vào giữa năm tới.
Theo đó, giá vàng giao ngay giảm 0,4% xuống 1.767,38 USD/ounce, trong khi vàng giao sau tăng 0,03% lên 1.778,80 USD/ounce.
Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết việc rút dần chương trình mua trái phiếu có thể được thực hiện vào giữa năm 2022 theo sau một tuyên bố từ ngân hàng trung ương này cho thấy việc tăng lãi suất có thể diễn ra nhanh hơn dự kiến.
Phillip Streible, trưởng chiến lược gia thị trường tại công ty môi giới hàng hóa và giao dịch kỳ hạn Blue Line Futures ở Chicago (Mỹ), cho biết thị trường vàng đã bị tác động sau khi Chủ tịch Powell đưa ra mốc thời gian cụ thể để bắt đầu rút dần chương trình mua trái phiếu.
Vàng vốn được coi là “nơi trú ẩn” an toàn trong thời kỳ lạm phát cao, song việc Fed tăng lãi suất sẽ làm giảm sức hấp dẫn của vàng do điều này làm tăng chi phí cơ hội nắm giữ tài sản không sinh lời như vàng.
Sau tuyên bố trên, đồng USD cũng tăng giá so với các giỏ tiền tệ, khiến vàng trở nên đắt đỏ hơn cho những người mua nắm giữ đồng tiền khác.
Về những kim loại quý khác, giá palladium tăng 5,9% lên 2.017,94 USD/ounce, ghi nhận phiên giao dịch tốt nhất kể từ tháng 5/2021, còn giá bạch kim tăng 4,4% lên 995,27 USD/ounce. Giá bạc cũng “nối gót” tăng 0,9% lên 22,67 USD/ounce.
Edward Moya, nhà phân tích thị trường cấp cao tại công ty dịch vụ tài chính OANDA (Mỹ), cho biết thị trường cho rằng bạch kim và palladium đã bị quá bán (là tình trạng một tài sản đang giao dịch tại mức giá thấp và có khả năng giá sẽ bật lên lại) và quan ngại về câu chuyện sụt giảm của Trung Quốc do cuộc khủng hoảng Evergrande gây ra đã bị cường điệu hóa.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho hay tình trạng thiếu hụt chip gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất xe càng kéo dài, sự phục hồi của palladium càng yếu.
Trên thị trường kim loại công nghiệp, giá đồng tăng gần 4% do tập đoàn bất động sản đang ngập nợ - Evergrande – thông báo sẽ thanh toán lãi cho một trái phiếu trong nước, làm giảm lo sợ những rắc rối của gã khổng lồ bất động sản có thể ảnh hưởng tới nền kinh tế toàn cầu.
Đồng giao sau 3 tháng trên sàn giao dịch kim loại London LME tăng 3,9% lên 9.322 USD/tấn, đảo lại chiều giảm giá trong phiên trước.
Evergrande đã đồng ý thanh toán lãi suất cho một trái phiếu trong nước vào ngày 23/9, trong khi ngân hàng trung ương Trung Quốc đã bơm tiền mặt vào hệ thống ngân hàng này.
Chì là kim loại duy nhất giảm trên sàn LME, giảm 0,5% xuống 2.124 USD/tấn sau khi chạm 2.108,5 USD, mức thấp nhất kể từ tháng 4. Tồn kho tại Thượng Hải hơn gấp 3 lần trong 6 tháng qua lên 205.898 tấn.
Peru muốn sửa đổi khuôn khổ cho ngành khai khoáng của đất nước, soạn thảo lại luật quy định lĩnh vực này cũng như luật đặt ra các khoản thanh toán tiền bản quyền.
Giá quặng sắt tại Châu Á phục hồi, với hợp đồng quặng sắt Đại Liên bật lên từ mức thấp 10 tháng, nhưng những nghi ngờ liệu lợi nhuận có thể được duy trì không khi nhu cầu của Trung Quốc sụt giảm và triển vọng nguồn cung cải thiện.
Quặng sắt kỳ hạn tháng 1/2022 trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên đóng cửa tăng 3,7% lên 668,5 CNY (103,41 USD)/tấn, đảo lại chiều giảm trước đó mà đã khiến hợp đồng này xuống mức thấp nhất kể từ ngày 26/11/2020. Tại Singapore, hợp đồng quặng sắt kỳ hạn tháng 10 tăng 12,9% lên 105,75 USD/tấn. Giá quặng sắt giao ngay tại Trung Quốc giảm xuống 103 USD/tấn trong tuần trước, mức thấp nhất trong 14 tháng, theo số liệu của công ty tư vấn SteelHome.
Việc hạn chế sản lượng thép ở Trung Quốc nhằm giảm khí thải carbon đã tăng cường trong tháng trước, nhà sản xuất hàng đầu ở Hà Bắc và Sơn Đông công bố mức sụt giảm hàng năm hơn 20%.
Thép thanh dùng trong xây dựng tại Thượng Hải tăng 2,9%, trong khi thép cuộn cán nóng tăng 1%. Thép không gỉ tăng 3,7%.
Trên thị trường nông sản, giá ngô Mỹ phục hồi sau 4 phiên sụt giảm, được thúc đẩy bởi việc mua vào theo chỉ số kỹ thuật và các quỹ khi giá dầu thô và các thị trường chứng khoán tăng, bù cho áp lực vụ thu hoạch đang tăng tốc tại Mỹ. Đậu tương và lúa mì kỳ hạn cũng tăng.
Ngô kỳ hạn tháng 12 trên sàn giao dịch Chicago tăng 8-1/2 US cent lên 5,25-1/2 USD/bushel. Hợp đồng này giữ mức hỗ trợ kỹ thuật tại điểm trung bình động 200 ngày nhưng phải vật lộn để vượt qua mức kháng cự tại mức trung bình 20 ngày.
Giá đậu tương kỳ hạn tháng 11 tăng 8-3/4 US cent lên 12,82-3/4 USD/bushel; lúa mì kỳ hạn tháng 12 tăng 15-1/2 US cent lên 7,05-3/4 USD/bushel, sau khi sụt giảm trong 3 phiên trước.
Đà tăng của giá ngô và đậu tương bị hạn chế bởi nguồn cung đang tăng từ vụ thu hoạch của Mỹ. Nông dân sẽ đạt được tiến độ vụ thu hoạch nhanh chóng trong bối cảnh dự báo khô hạn trên khắp vùng Midwest và Delta trong 10 ngày tới.
Giá đường thô kỳ hạn tháng 10 đóng cửa tăng 0,36 US cent hay 1,9% lên 19,33 US cent/lb; đường trắng kỳ hạn tháng 12 tăng 7 USD hay 1,4% lên 508,2 USD/tấn.
Các đại lý cho biết đường dường như tiếp tục củng cố trong thời gian tới, nhưng chỉ ra xu hướng giảm giá do nhu cầu yếu và triển vọng tốt hơn trong vụ mía sắp tới ở Ấn Độ và Thái Lan.
Tuy nhiên, sản lượng của Brazil tiếp tục củng cố thị trường.
Tổ chức đường Unica dự kiến phát hành số liệu sản xuất ở khu vực trung nam Brazil trong tuần này, ước tính ban đầu của thị trường là lượng mía đã sản xuất đường giảm 15% trong nửa đầu tháng 9.
Giá cà phê robusta kỳ hạn tháng 11 đóng cửa giảm 18 USD hay 0,8% xuống 2.142 USD/tấn, trước đó giá đã đạt mức cao nhất 4 năm tại 2.180 USD/tấn; cà phê arabia kỳ hạn tháng 12 tăng 1,5 US cent hay 0,8% lên 1,8485 USD/lb.
Các đại lý cho biết đường cong giá kỳ hạn bị đảo ngược suốt từ tháng 11/2021 tới tháng 7/2022 cho thấy nhu cầu gần mạnh mẽ hoặc nguồn cung gần bị hạn chế.
Các nhà rang xay đang tranh giành để thay thế arabica đắt tiền bằng cà phê robusta rẻ hơn. Nguồn cung từ Việt Nam, nhà sản xuất robusta hàng đầu thế giới đang bị gián đoạn.
Giá cao su Nhật Bản tăng sau khi Ngân hàng Nhật Bản BoJ giữ quan điểm lạc quan về sự phục hồi của quốc gia này từ đại dịch, mặc dù chuỗi cung ứng vẫn là một lực cản với tăng trưởng và nhu cầu hàng hóa.
Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 2/2022 trên sàn giao dịch Osaka đóng cửa tăng 2,2 JPY hay 1,6% lên 196,7 JPY/kg; cao su Thượng Hải kỳ hạn tháng 1/2022 giảm 3,5% xuống 13.300 CNY/tấn.
Ngân hàng BoJ vẫn duy trì lạc quan về tăng trưởng toàn cầu mạnh mẽ sẽ khiến sự phục hồi kinh tế của Nhật Bản theo quỹ đạo, mặc dù họ đưa ra quan điểm xuất khẩu và sản xuất ảm đạm do các nhà máy ở Châu Á đóng cửa gây tắc nghẽn nguồn cung.
Giá hàng hóa thế giới

 

Nguồn: Vinanet/VITIC (Theo Reuters, Bloomberg)