Kiểm toán Nhà nước cho biết, theo Báo cáo của Bộ tài chính, tổng dư nợ công đến 31/12/2013 theo Luật quản lý nợ công là 1.954.261 tỷ đồng, bằng 54,5% GDP. 

Khoản nợ này bao gồm nợ Chính phủ 1.528.131 tỷ đồng, chiếm 78,2%; nợ được Chính phủ bảo lãnh 396.114 tỷ đồng, chiếm 20,3%; nợ chính quyền địa phương 30.016 tỷ đồng, chiếm 1,5%. Dư nợ nước ngoài của quốc gia đến 31/12/2013 là 1.336.194 tỷ đồng.

Trong nhóm nợ Chính phủ, số dư nợ nước ngoài của Chính phủ tương đương 763.198 tỷ đồng, tăng 4,92% so với năm 2012; số rút vốn năm 2013 là 109.581 tỷ đồng, số trả nợ 38.752 tỷ đồng. 

Số dư nợ vay trong nước của Chính phủ 764.933 tỷ đồng, tăng 38,56% so với năm 2012; số huy động năm 2013 là 306.455 tỷ đồng, số trả nợ 147.061 tỷ đồng.

Như vậy, tổng số dư nợ công năm 2013 tăng 18,6% so với năm 2012, trong đó tỷ trọng các khoản nợ trong cơ cấu nợ của Chính phủ tiếp tục thay đổi theo hướng tăng tỷ trọng nợ vay trong nước, giảm tỷ trọng nợ vay nước ngoài.

Kết quả kiểm toán cho thấy Bộ Tài chính thống kê, tổng hợp số liệu nợ công chưa kịp thời, đầy đủ; còn báo cáo thừa, thiếu một số khoản vay, dẫn đến số liệu nợ công đến 31/12/2013 giảm 25,28 tỷ đồng so với số báo cáo tại Báo cáo về các chỉ tiêu giám sát nợ năm 2013.

Đặc biệt, trong phần dư nợ được Chính phủ bảo lãnh cho vay, số dư nợ được Chính phủ bảo lãnh vay trong nước 207.576,3 tỷ đồng, tăng 7,8% so với năm 2012, gồm: Bảo lãnh phát hành trái phiếu VDB (139.160,8 tỷ đồng); phát hành trái phiếu Ngân hàng Chính sách xã hội (29.407 tỷ đồng); bảo lãnh vay vốn cho 15 dự án của các doanh  nghiệp (34.919,5 tỷ đồng)…

Kiểm toán Nhà nước nêu ý kiến, trái phiếu được bảo lãnh Chính phủ phát hành có kỳ hạn ngắn (chủ yếu 2 năm, 3 năm và 5 năm), trong khi không ít dự án có thời gian cho vay kéo dài từ trên 5 năm đến 12 năm, dẫn đến rủi ro mất cân bằng kỳ hạn giữa huy động và cho vay, làm tăng hạn mức bảo lãnh phát hành trái phiếu để đảo nợ hoặc rủi ro nghĩa vụ nợ dự phòng do NSNN gánh chịu.
Khổng Chiêm