Theo dự báo trong tuần này của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), dù tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc chưa trượt xa mục tiêu 5% của nước này trong năm ngoái, nhưng sẽ mất đà vào năm 2024 và giảm xuống mức 3,4% vào năm 2028.
Ngược lại, Thủ tướng Narendra Modi tự tin Ấn Độ sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới trong nhiệm kỳ thứ ba liên tiếp của chính phủ thuộc Đảng Nhân dân Ấn Độ (BJP) cầm quyền (thứ tự các nền kinh tế lớn nhất thế giới hiện là: Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Đức, Ấn Độ).
Bất ổn kinh tế bao trùm Trung Quốc
Trong năm 2023, kinh tế Trung Quốc phục hồi một phần khi chi tiêu tiêu dùng thúc đẩy quá trình mở cửa trở lại sau dịch COVID-19 cùng với chính sách hỗ trợ của chính phủ. Trước đó, IMF cũng lạc quan về kinh tế Trung Quốc vào năm 2024.
Tuy nhiên, sự phục hồi của Trung Quốc trở nên gập ghềnh bởi ảnh hưởng của sự suy thoái thị trường bất động sản kéo dài, khủng hoảng nợ chính quyền địa phương, nhu cầu yếu. Hơn nữa, nhu cầu ngoài nước tồi tệ hơn dự kiến và căng thẳng địa chính trị đặt ra nhiều rủi ro cho nền kinh tế Trung Quốc, theo IMF.
Theo dự báo của IMF, tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội thực tế của nền kinh tế lớn nhất châu Á sẽ giảm xuống còn 4,6% vào năm 2024, giảm mạnh so với mức tăng trưởng 5,4% của năm ngoái và thấp hơn mục tiêu 5% mà Bắc Kinh đặt ra trong năm nay.
"Sự không chắc chắn xung quanh triển vọng này là rất cao", cơ quan này đánh giá.
IMF cho rằng cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản sẽ tiếp tục làm suy yếu nhu cầu và niềm tin tư nhân, đồng thời làm tăng thêm căng thẳng cho ngân sách chính quyền địa phương.
Theo IMF, sự sụt giảm trong lĩnh vực bất động sản và nhu cầu xuất khẩu yếu hơn sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng của Trung Quốc trong năm nay. Về trung hạn, nước này sẽ phải đối mặt với "những trở ngại từ năng suất yếu và dân số già hóa".
Bà Sonali Jain-Chandra, trưởng phái bộ về Trung Quốc tại bộ phận châu Á và Thái Bình Dương của IMF, cho biết Bắc Kinh cần tập trung vào các biện pháp giúp khu vực bất động sản của Trung Quốc chuyển đổi sang quy mô bền vững hơn và giảm rủi ro nợ của chính quyền địa phương.
Nếu không có các biện pháp này, đầu tư bất động sản của Trung Quốc sẽ tiếp tục sụt giảm mạnh cho đến năm 2025, kéo theo tăng trưởng GDP lần lượt thấp hơn 1 và 0,8 điểm phần trăm so với mức cơ sở vào năm 2024 và 2025.
Điều này đồng nghĩa với việc tăng trưởng của Trung Quốc, sau nhiều thập niên phát triển vượt bậc, sẽ tuột xuống mức 3%.
Trong phản ứng sau đó, giám đốc điều hành của IMF tại Trung Quốc Zhang Zhengxin không đồng tình với báo cáo, cho rằng cơ quan này quá bi quan về vấn đề bất động sản của Bắc Kinh. "Xét một cách toàn diện, sự phát triển kinh tế của Trung Quốc vẫn có sự hỗ trợ mạnh mẽ và những điều kiện thuận lợi... Chúng tôi có quan điểm tích cực hơn về tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc vào năm 2024 cũng như trong trung hạn", ông Zhang nhận định.
Ấn Độ thăng hoa
Trong khi đó, kinh tế Ấn Độ được dự đoán sẽ bùng nổ trong những năm tới. Quốc gia Nam Á này dự kiến trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới vào năm 2028, với GDP đạt 5.000 tỉ USD, vượt qua cả Đức và Nhật Bản, theo ước tính của Bộ Tài chính Ấn Độ vào cuối tháng 1-2024.
"Chính phủ đặt mục tiêu cao hơn là trở thành quốc gia phát triển vào 2024", tờ Hindustan Times dẫn báo cáo của cơ quan trên viết. Ấn Độ hiện là nền kinh tế lớn thứ năm thế giới với GDP 3.700 tỉ USD.
Tăng trưởng của Ấn Độ sẽ tăng tốc trong những năm tới nhờ lực đẩy của tiêu dùng, đầu tư đến từ cả doanh nghiệp trong, ngoài nước và xuất khẩu. Chương trình Make in India của Thủ tướng Narendra Modi, cùng với việc nhiều công ty đang tìm cách rời Trung Quốc, sẽ thúc đẩy lĩnh vực sản xuất của Ấn Độ hơn nữa. Ngoài ra, sự tăng trưởng dân số nhanh chóng sẽ thúc đẩy mảng dịch vụ.
Tăng trưởng GDP của Ấn Độ dự kiến đạt trung bình hơn 6% mỗi năm cho đến năm 2028, thuộc hàng cao nhất ở châu Á, tuy nhiên nước này tự tin có thể tăng tốc lên đến 7% nhờ sức mạnh của lĩnh vực tài chính và các cải cách gần đây.
Bên cạnh đó, với những giả định hợp lý về chênh lệch lạm phát và tỉ giá hối đoái, Ấn Độ có thể trở thành nền kinh tế trị giá 7.000 tỉ USD trong vòng 6 đến 7 năm tới (vào năm 2030), báo cáo cho biết. Điều này cũng tương đồng với đánh giá của IMF mới đây cho rằng Ấn Độ sẽ là điểm sáng của kinh tế châu Á với tăng trưởng ổn định ở mốc 6,5% trong năm 2024 và 2025.
Với sự bùng nổ, mối quan tâm lớn nhất đối với Ấn Độ chỉ là nguy cơ xung đột địa chính trị gia tăng trên toàn cầu có thể ảnh hưởng kinh tế trong nước. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng vẫn còn những vấn đề khác, chẳng hạn việc chạy đua phát triển có thể dẫn đến lãng phí hay nạn quan liêu, hạ tầng kém.
Ngoài ra, việc Ấn Độ rút khỏi Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) của châu Á, không tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng tiềm năng.

 

Trung Quốc đóng góp lớn vào tăng trưởng toàn cầu

Bất chấp việc giảm tốc, Trung Quốc vẫn là nền kinh tế đóng góp 1/4 tăng trưởng toàn cầu trong năm nay, theo đại diện cấp cao của IMF tại Trung Quốc Steven Barnett.

Nhận định trên tờ China Daily, ông Barnett đánh giá sự mất cân bằng trên lĩnh vực bất động sản đang giảm. Bất động sản chiếm đến 1/5 tổng giá trị gia tăng của nền kinh tế Trung Quốc.

Trong khi đó, IMF cảnh báo Trung Quốc và các nước khi thực hiện các biện pháp can thiệp kinh tế. Theo cơ quan này, việc áp dụng các chính sách công nghiệp để thúc đẩy công nghệ trong nước có thể gây dư thừa năng lực trong một số lĩnh vực, gây mất cân bằng trong việc phân bổ nguồn lực và bất bình đẳng giữa lĩnh vực công và tư.

 

Mỹ giữ vị trí số 1 từ 1960

Theo tạp chí Forbes India, tính đến đầu tháng 1-2024, năm nền kinh tế lớn nhất thế giới lần lượt là:

-Mỹ: 26.954 tỉ USD

-Trung Quốc: 17.786 tỉ USD

-Đức: 4.430 tỉ USD

-Nhật Bản: 4.231 tỉ USD

-Ấn Độ: 3.730 tỉ USD.

Cũng theo tạp chí này, Mỹ đã giữ vị trí nền kinh tế lớn nhất toàn cầu từ năm 1960 đến nay. Nền kinh tế Mỹ có sự đa dạng vượt trội, được thúc đẩy bởi các lĩnh vực quan trọng, bao gồm dịch vụ, sản xuất, tài chính và công nghệ. Ngoài ra, Mỹ có thị trường tiêu dùng “khủng”, luôn thúc đẩy sự đổi mới, tinh thần kinh doanh.

Nguồn: tuoitre.vn