Bộ Chính trị Trung Quốc hôm 31/5 vừa thông báo cho phép các cặp vợ chồng được sinh con thứ ba, chấm dứt chính sách 2 con đã không thúc đẩy được tỷ lệ sinh của nước này thời gian qua và nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng nhân khẩu học sắp xảy ra.
Động thái này phản ánh lo ngại rằng số lượng người cao tuổi tăng nhanh ở Trung Quốc có thể làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu lao động và gây căng thẳng cho nền kinh tế trong tương lai gần. Bộ Chính trị nước này cho biết quyết định sẽ "cải thiện cơ cấu dân số của đất nước" và "giúp thực hiện chiến lược quốc gia để chủ động ứng phó với dân số già".
Các hạn chế về kế hoạch hóa gia đình của Trung Quốc có từ năm 1980, khi họ áp dụng chính sách "một con" để làm chậm tốc độ tăng dân số và thúc đẩy sự bùng nổ kinh tế khi đó mới bắt đầu.
Vào năm 2013, nước này bắt đầu nhận thấy tác động của tình trạng dân số già nên cho phép các gia đình một con được sinh con thứ hai. Hai năm sau, giới hạn đã được nâng lên thành hai con cho tất cả cặp vợ chồng, hiệu lực từ ngày 1/1/2016.
Hôm 11/5, kết quả cuộc điều tra dân số 10 năm một lần của Trung Quốc được công bố, cho thấy dân số nước này đã tăng lên 1,41 tỷ người vào ngày 1/11/2020. Đó là tốc độ tăng trưởng chậm nhất kể từ những năm 1950. Và quyết định nâng giới hạn sinh con ngay khi kết quả điều tra có chưa lâu làm một số chuyên gia bất ngờ.
"Điều này hơi đột ngột và sớm hơn tôi mong đợi. Những người ra quyết định có lẽ đã nhận ra rằng tình hình dân số tương đối nghiêm trọng", He Yafu, một nhà nghiên cứu nhân khẩu học độc lập tại thành phố Trạm Giang, miền nam Trung Quốc, nói.
Cả chính quyền và chuyên gia đều nhận thấy, việc khuyến khích người dân sinh thêm con là cần thiết để nhằm duy trì sức mạnh kinh tế của nước này, bao gồm thị trường lao động lẫn tiêu dùng.
Thực tế, số lượng công nhân trẻ trong các nhà máy nước này đang giảm. Chính sách ba con sẽ giúp "duy trì lợi thế của đất nước chúng ta về nguồn nhân lực", Bộ Chính trị cho biết.
Vào năm 2020, số người từ 60 tuổi trở lên ở Trung Quốc là 264 triệu người, chiếm khoảng 18,7% dân số. Theo chính phủ, con số này sẽ tăng lên hơn 300 triệu người, tức khoảng một phần năm dân số vào năm 2025. Xu hướng này là không tốt khi dân số trẻ là một trong những thế mạnh lớn nhất của nước này.
Trong nhiều thập kỷ, Trung Quốc dựa vào nguồn lao động trẻ khổng lồ sẵn sàng làm việc với mức lương thấp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Ngày nay, giá nhân công đang tăng cao, một phần là do thiếu người. Các chủ xưởng ở Quảng Châu, thậm chí còn xếp hàng dài trên đường để mời gọi thanh niên vào làm. Một số công ty đã chuyển sang sử dụng robot vì họ không thể tìm đủ nhân công.
Trong những thập kỷ tới, Bắc Kinh sẽ phải đối mặt với nhiệm vụ khó khăn là duy trì tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ - và duy trì tính cạnh tranh trên toàn cầu - khi nguồn lao động thu hẹp.
"Trong tương lai gần, nền kinh tế của Trung Quốc có thể không vượt qua được Mỹ để trở thành số 1. Lý do chính là sự khác biệt về nhân khẩu học", Julian Evans-Pritchard, Nhà kinh tế cấp cao về Trung Quốc tại Capital Economics, nhận định.
Theo các chuyên gia, cuộc khủng hoảng nhân khẩu học đang rình rập có thể là "gót chân Achilles" của sự chuyển đổi kinh tế tuyệt vời mà Trung Quốc đạt được trong 40 năm qua. Với ít công nhân hơn trong tương lai, chính phủ có thể gặp khó khăn trong việc chi trả cho dân số ngày càng già đi và sống lâu hơn.
Dân số trong độ tuổi lao động giảm cũng có thể làm chậm chi tiêu của người tiêu dùng và do đó có tác động đến nền kinh tế ở Trung Quốc và hơn thế nữa. Nhiều người so sánh cuộc khủng hoảng nhân khẩu học của Trung Quốc với cuộc khủng hoảng đã kìm hãm sự bùng nổ kinh tế của Nhật Bản vào những năm 1990.
Giáo sư Yi Fuxian của Đại học Wisconsin-Madison cho rằng, bước ngoặc lịch sử của dân số Trung Quốc đã diễn ra vào năm 2018. "Dân số Trung Quốc đã bắt đầu giảm và đang già đi nhanh chóng. Sức sống kinh tế của họ sẽ tiếp tục suy yếu", ông cảnh báo.
Tuy nhiên, việc khuyến khích người dân sinh 3 con sẽ không dễ dàng. "Mọi người bị kìm hãm không phải bởi giới hạn 2 con, mà bởi chi phí nuôi dạy con cái quá cao ở Trung Quốc ngày nay. Nhà ở, hoạt động ngoại khóa, thực phẩm, di chuyển và mọi thứ khác tăng lên nhanh chóng", Yifei Li, Nhà xã hội học tại NYU Thượng Hải, nói.
Vì thế, vị chuyên gia cho rằng, việc cho phép các gia đình sinh con thứ 3 cũng sẽ không thay đổi đáng kể xu hướng già hóa của Trung Quốc. Trong một cuộc thăm dò trên Weibo của Xinhua về chính sách 3 con mới đây, có khoảng 29.000 trong số 31.000 người được hỏi cho biết họ sẽ "không bao giờ nghĩ đến". Cuộc thăm dò sau đó đã bị xóa. "Tôi sẵn sàng có ba đứa con nếu bạn cho tôi 5 triệu nhân dân tệ (785.650 USD)", một người dùng đăng.