Theo số liệu từ Cục Hải quan cho thấy, luỹ kế xuất khẩu cà phê của Việt Nam từ đầu năm đến hết ngày 15/7/2025 đạt hơn 1 triệu tấn, thu về 5,69 tỷ USD, tăng 6,5% về lượng và tăng 66,4% về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu do giá xuất khẩu tăng 48% lên mức trung bình 5.388 USD/tấn.
Việt Nam là quốc gia sản xuất cà phê lớn thứ hai thế giới sau Brazil, đồng thời là nước trồng và xuất khẩu cà phê robusta lớn nhất – loại cà phê được sử dụng phổ biến trong sản xuất cà phê hòa tan và pha espresso. Thời tiết thuận lợi tại Việt Nam cũng đã củng cố kỳ vọng về một vụ mùa lớn hơn, với dự báo cho niên vụ 2025/26 được điều chỉnh tăng 5,2% so với cùng kỳ năm trước, theo BMI – một đơn vị của Fitch Solutions.
Kết thúc phiên giao dịch gần nhất, giá robusta LRCc2 trên sàn London giảm 121 USD, tương đương 3,6% xuống ở 3.228 USD/tấn – mức thấp nhất trong 16 tháng qua. Giá arabica KCc2 trên sàn New York giảm 7,3 cent, tương đương 2,39% chốt ở 297,55 US cent/lb.
Theo công ty tư vấn Safras & Mercado, tính đến ngày 23/7, vụ thu hoạch cà phê niên vụ 2025/26 của Brazil đã đạt 84% diện tích gieo trồng, tăng 7 điểm phần trăm so với tuần trước nhờ thời tiết khô ráo hỗ trợ cho công tác thu hoạch. Tiến độ vẫn đang ở mức khá nhanh, vượt qua mức 81% cùng kỳ năm ngoái và mức trung bình 5 năm là 77% cho thời điểm này trong năm.
Theo công ty này, vụ thu hoạch cà phê robusta gần như đã hoàn tất ở mức 96%, nhỉnh hơn so với mức 95% của năm ngoái và mức trung bình 5 năm là 93%. Vụ thu hoạch cà phê arabica đã đạt 76%, vượt mức 75% của năm ngoái và cao hơn mức trung bình 69%.
Dự báo thời gian tới, nguồn cung robusta sẽ được cải thiện rõ rệt, trong khi nguồn cung arabica vẫn tiếp tục chậm lại, đặc biệt khi mùa vụ thu hoạch ở Trung Mỹ còn khá lâu và dự kiến không có nguồn sản lượng đáng kể nào trước quý I/2026.